Nhạc sĩ Xuân Tiên là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền Tân Nhạc Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Ngoài sáng tác nhiều bản nhạc có giá trị được nhiều người yêu thích như “Hận Đồ Bàn”, “Khúc Hát Ân Tình”, “Về Dưới Mái Nhà”, “Chờ Một Kiếp Mai”,… thì ông còn có khả năng sử dụng 25 loại nhạc cụ.
Đôi nét về nhạc sĩ Xuân Tiên
Ông tên thật là Phạm Xuân Tiên, sinh ngày 28 tháng 1 năm 1921 tại Hà Nội. Năm 6 tuổi, ông bắt đầu học nhạc Trung Quốc với cha và sau này học nhạc phương Tây với người anh cả. Năm lên 10, ông còn được cha thuê người dạy tuồng và nhạc cải lương. Thời gian ban đầu khi còn ở miền Bắc, ông chơi chủ yếu là các loại kèn sáo phương Tây. Cuối năm 1942, ông cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh cải lương Tố Như vào miền Nam trình diễn, ở Sài Gòn và lục tỉnh. Trong quá trình đi trình diễn nhạc và sinh sống ở nhiều miền, ông đã thu thập được kiến thức về các loại hình âm nhạc của ba miền. Ông còn tìm hiểu về nhạc của Lào và Campuchia.
Xuân Tiên có khả năng chơi 25 loại nhạc cụ, cả phương Đông lẫn phương Tây. Ông có thể sử dụng hầu hết các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Năm 1952, cả gia đình ông vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhạc cho đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.
Giai đoạn từ năm 1944 đến năm 1975, ông điều khiển nhiều dàn nhạc nổi tiếng từ Bắc vào Nam: Hà Nội (1944-1946), Nam Định (1951-1952) và các đài phát thanh tại Sài Gòn gồm Pháp Á, Sài Gòn, Mẹ Việt Nam (1952-1975).
Năm 1986, ông được bảo lãnh sang Úc. Mười năm đầu ông sống tại Canberra, sau về ở Cabramatta, ngoại ô Sydney từ đó cho đến nay.
Trở lại bài hát Hận Đồ Bàn
Bài Hận Đồ Bàn có nội dung ai oán, nhắc đến nỗi hận vong quốc của dân nước Chiêm Thành, nuối tiếc thời oanh liệt của vua Chế Bồng Nga. Người Chiêm Thành có mối liên quan về văn hóa, tâm linh với người Ấn Độ với đạo Bà La Môn, và ca sĩ Việt Ấn là người gốc Ấn Độ nên cũng rất phù hợp với bài hát Hận Đồ Bàn – tương tự như ca sĩ Chế Linh, một người con của dân tộc Chăm
Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc Hận Đồ Bàn, nhạc sĩ Xuân Tiên chia sẻ rằng thời trẻ ông đã nghiên cứu về âm điệu của các miền đất nước, trong đó có vùng Quy Nhơn, Bình Định. Sau này khi đã vào Sài Gòn, làm trong đài phát thanh, ông muốn sáng tác 1 ca khúc với chủ đề khác với chủ đề tình yêu đôi lứa của các nhạc sĩ khác nên mới tìm hiểu lại lịch sử của vùng đất Bình Định, về dân tộc Chàm và lịch sử Champa mấy trăm năm trước đó để sáng tác thành ca khúc Hận Đồ Bàn, nói thay lời của người dân nước Chiêm bị vong quốc.
Rừng hoang vu, vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru, muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù.
Vạc kêu sương, buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.
Đàn đóm vương, như bóng ai trong lúc đêm trường về.
Rừng trầm cô tịch, đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm.
Tháng năm buồn ngân
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca.
Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Đồ Bàn miền Trung đường về đây
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm khó tan
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai
nhấp nhô trên sóng xa xa tắp
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga
Vượt khơi về kinh đô
Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù
Triền sóng xô,
muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ.
Tiệc liên hoan,
Nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
Dạ yến ban cung nữ dâng lên khúc ca Về Chàm.
Một thời oanh liệt người dân nước Chiêm
Lừng ghi chiến công vang khắp non sông.
Mộng kia dẫu tan, cuốn theo thời gian nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non.
Người xưa đâu? Mồ đắp cao nay đã sâu thành hào.
Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Người xưa đâu?
Người xưa đâu?
Người xưa đâu?
Chế Linh chia sẻ có lần nhầm tác giả là người Chàm đến khi vào làng văn nghệ mới biết tác giả là người Việt. Bài hát Hận Đồ Bàn được tác giả viết thời Pháp, khi các phương tiện truyền thông bị Pháp kiểm soát kỹ càng nên có những lời tác giả muốn nói với người Việt nhưng không thể nào nói được, vì thế ông bèn lấy người Chàm ra mà nói, nên bài Hận Đồ Bàn là hoàn cảnh người Việt Nam trong tình tiết của người Chàm theo lời nhắc của tác giả. Bài hát này, trước Chế Linh đã có nhiều ca sĩ hát, điển hình là đàn anh Việt Ấn, sau này Chế Linh hát được nhiều người bày tỏ rằng giọng ca ông rất hợp.
Sau này rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công bài hát Hận đồ bàn như là Trường Vũ, Bảo Tuấn… trong số đó có ca sĩ Trường Vũ thể hiện khá thành công, tuy không bằng sư phụ Chế Linh hay ca sĩ Việt Ấn nhưng đã tạo nét riêng: Một ca sĩ gốc Hoa hát bài của người Champa bằng tiếng Việt trên đất Mỹ.
Địa danh Đồ Bàn
Địa danh Đồ Bàn (hay Chà Bàn) là phiên âm tiếng Việt, để gọi kinh đô cũ Vijaya của Vương quốc Chămpa. Dấu vết kinh đô ấy nay vẫn còn ở tỉnh Bình Định (đi qua Guảng Ngỡi là vào đến Bình Định. Có dạo 2 tỉnh này là 1, tên gọi là tỉnh Nghĩa Bình).
Chămpa từng là quốc gia láng giềng của Đại Việt, trước khi bị sụp đổ về cơ bản vào năm Tân Mão 1471 bởi cuộc tấn công của vua Lê Thánh Tông. Mùa xuân năm 1471, Lê Thánh Tông, vị vua được xếp vào hàng anh hùng bậc nhất trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, sau khi đạt được một loạt thành tựu cải cách đưa Đại Việt trở thành một cường quốc trong khu vực, đã quyết định mở một cuộc tấn công quy mô, hướng vào quốc gia láng giềng Chămpa không mấy thân thiện của mình. Cuộc tấn công này, theo bình luận của D.G.E Hall trong cuốn Lịch sử Đông Nam Á (NXB Chính trị quốc gia, năm 1997), là đã “giáng một đòn chí mạng vào người láng giềng hay gây chuyện” của Đại Việt. Với sự kiện này, sau gần 500 năm tồn tại và xung đột với Đại Việt (cũng như với các quốc gia của người Khmer ở phía Tây), về cơ bản Chămpa đã không thể gượng dậy được nữa. Tháng 3 năm 1471, sau khi hạ thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm, Lê Thánh Tông đã cho sáp nhập một số vùng đất của Chămpa vào Đại Việt. Lãnh thổ còn lại được chia thành 2 tiểu quốc, phụ thuộc Đại Việt.
Các tiểu quốc đó cũng dần suy vong cùng với công cuộc mở mang của các đời chúa Nguyễn sau này.
Tổng hợp