28 ngày ròng rã chữa trị Covid-19, Nguyễn Hồng Kỳ đã nhận được nhiều tình cảm của y bác sĩ nên khi về nhà anh quyết định trở lại bệnh viện dã chiến làm tình nguyện viên phục vụ F0 như mình.
Kỳ trong những ngày chữa trị Covid-19 tại bệnh viện dã chiến
NVCC
2 vợ chồng cùng vào bệnh viện dã chiến
Nguyễn Hồng Kỳ năm nay 34 tuổi, ở đường Phú Lộc, P.6, Q.Tân Bình. Anh là chủ của một cửa hàng buôn bán nhỏ ở gần nhà. Thời điểm đầu tháng 7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, gia đình anh cũng ngưng buôn bán, ở nhà phòng dịch.
Một ngày, cả xóm anh Kỳ bị phong toả vì một người bị dương tính. Rồi 3 ngày sau anh Kỳ bắt đầu sốt, người lừ đừ, khó thở. Sau đó cả xóm được làm xét nghiệm, Kỳ và nhiều người khác cho kết quả dương tính với Covid-19.
Kỳ chia sẻ hãy giữ tinh thần lạc quan nhất khi đi chữa trị Covid-19
“30 phút sau họ gọi tiếp xét nghiệm PCR thì họ khẳng định 100% tôi là F0 và kêu gọi thèm gì ăn đi. Nhanh trí tôi vô tủ lạnh tém hết hộp sầu riêng mới mua cho đã rồi lên sắp xếp đồ đạc chuẩn bị lên đường cách ly”, Kỳ hài hước nói.
Kỳ được đưa đến bệnh viện dã chiến số 4 Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh (TP.HCM) trên chiếc xe 50 chỗ với tình trạng mệt mỏi và triệu chứng ho. Đây là khu chung cư tái định cư được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. Kỳ được cho vào một block có 5 tầng, mỗi tầng 8 phòng. Mỗi block có khoảng 7 dân quân, nhân viên y tế hỗ trợ toàn bộ các phòng.
Những ngày đầu, Kỳ mất ngủ, khó thở, ho mạnh và bắt đầu mất khướu giác, vị giác. Anh lấy chanh vắt vào miệng, nếm thử dầu gội đầu, ngửi mọi nơi mà không thấy cảm giác gì.
Điều không may nữa, 3 ngày sau vợ Kỳ cũng bị dương tính rồi cũng vào cách ly chung. Tuy vậy, đó cũng là điều thuận lợi vì vợ chồng Kỳ thay phiên chăm sóc lẫn nhau. “Vượt qua 7 ngày đầu chúng tôi đã khoẻ hẳn. Kết quả xét nghiệm cũng âm tính. Tuy nhiên, ngày thứ 14 kết quả của tôi lại dương tính, tôi và vợ phải ở lại thêm. Chúng cũng cảm thấy rất thoải mái, chỉ lo hai đứa con ở nhà cùng bà ngoại”, Kỳ nói.
Anh Kỳ cho biết tại bệnh viện, anh ăn uống đầy đủ 3 bữa/ngày. Sáng anh ăn bánh bao, bánh chưng, bánh giò. Buổi trưa, chiều ăn cơm sườn, cá, thịt kho tiêu, chả cá. Kỳ kể có rất nhiều mạnh thường quân thường xuyên đi phát quà nhu yếu phẩm như: bàn chải, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội, sữa, suối, xúc xích, khiến những đồ mang theo của Kỳ như vô nghĩa.
Và tình nguyện trở lại bệnh viện
Ở bệnh viện dã chiến Kỳ được sự quan tâm chu đáo của đội ngũ bác sĩ và tình nguyện viên. Hễ cần thuốc, thức ăn đều được phục vụ chu đáo.
Theo Kỳ, khi đi cách ly chỉ cần mang theo tầm 3 bộ quần áo, bình đun siêu tốc, chanh, gừng, mì gói, xà bông… Bởi hầu như trong bệnh viện đều có đủ đồ dùng. Người ở phòng cách ly nên tự lau dọn phòng ốc, nhà vệ sinh trước, trong và sau khi rời khỏi. Có như thế mọi người đã đóng góp chút công sức làm giảm tải cho y bác sĩ.
Theo Kỳ, việc F0 tự vệ sinh phòng cũng là chung tay chống dịch
Ở lâu Kỳ mới thấy sự cực nhọc của đội ngũ phục vụ tại bệnh viện dã chiến. Lắm lúc đội ngũ dân quân, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ cả ngày, nằm ngủ dưới nền đất và không được về nhà.
Ngày 3.8, vợ chồng Kỳ được về nhà, kèm theo đó là những món quà của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện trao tặng làm Kỳ lâng lâng nhớ mãi.
“Rồi trong lần tôi đi chợ bỗng thấy xe cấp cứu, thấy xe 50 chỗ chở người đi cách ly, hình ảnh ấy như hiện về với tôi. Tôi rung động một chút. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó có ích hơn một chút. Trong 5 phút tôi quyết định mình sẽ vào lại bệnh viện làm tình nguyện để trả ơn lại những người đã giúp mình”,
Sáng hôm nay, anh sửa soạn đồ đạc, nấu cho gia đình một bữa ăn để tạm biệt lên đường vào ngày mai. Lần trở lại này với Kỳ khác với trước vì anh mang theo sự lạc quan, yêu đời nhất của mình. Kỳ sẽ làm việc hậu cần, phục vụ lại các bệnh nhân F0. Anh bảo sẽ lấy bản thân làm ví dụ và mang theo những điều tích cực đến với bệnh nhân F0. Anh dự tính sẽ đi bệnh viện dã chiến phục vụ đến khi nào hết dịch sẽ về.
Nguồn https://thanhnien.vn/gioi-tre/het-la-f0-chang-trai-tro-lai-benh-vien-lam-tinh-nguyen-vien-tra-on-cuoc-doi-1430990.html?