Giờ thì không cần phải nói nhiều, ai cũng biết vắc xin có hiệu quả trong phòng chống virus. Ở thời điểm hiện tại, được tiêm vắc xin chính là điều đáng mừng giúp bảo vệ cả bản thân, gia đình và những người xunh quanh.
Dù các vắc xin hiện nay luôn được các chuyên gia khẳng định là tạo ra mức bảo vệ cao, nên tiêm sớm nhất có thể. Thế nhưng, một vấn đề khách quan mới đây được các nhà khoa học đề cập tới chính là: Vắc xin có thể giảm hiệu quả bảo vệ theo thời gian và chúng ta có thể sẽ cần tiêm liều tăng cường.
Cụ thể vấn đề này như thế nào? Mọi người có thể theo dõi thông tin được đăng tải trên báo chí chính thống để cập nhật nhé. Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, sau nhiều tháng tiêm đủ 2 mũi vắc xin mRNA (Pfizer và Moderna) thì thấy hiệu quả bảo vệ của chúng suy giảm theo thời gian, nhất là với Pfizer.
Công bố mới từ CDC Mỹ về vắc xin khiến nhiều người quan tâm. Ảnh: Reuters
Ông Ruth Link-Gelles, cố vấn của Nhóm hiệu quả vắc xin của CDC giải thích trên báo chí cho rằng hiệu quả bảo vệ của Pfizer, Moderna trước nCoV suy giảm đáng kể sau vài tháng, tính từ thời điểm 2 tuần sau tiêm mũi thứ 2.
Theo thông tin báo chí đăng tải thì cho đến nay ở Mỹ đã có khoảng 221 triệu liều vắc xin Pfizer và 150 triệu liều vắc xin Moderna được phân phối. Tại Việt Nam cũng đang sử dụng 2 loại vắc xin này để tiêm cho người dân.
Sau khi xem xét hàng loạt nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin nCoV khác nhau được công bố từ tháng 2 – tháng 8, ông Link-Gelles đã nhận thấy một điểm đặc biệt về loại vắc xin được sản xuất bằng công nghệ mRNA, bao gồm Pfizer và Moderna. Phát hiện của chuyên gia này đã được CDC đăng tải trên trang chính thức vào ngày 17/9.
Theo đó, hiệu quả bảo vệ của cả 2 vắc xin Pfizer, Moderna trước nCoV suy giảm đáng kể sau vài tháng, tính từ thời điểm 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2.
Tuy nhiên, ông Link-Gelles cho biết, về tổng thể, hiệu quả bảo vệ của Moderna cao hơn Pfizer. Với vắc xin 1 liều tiêm Johnson & Johnson, hiệu quả của nó tăng lên theo thời gian, ngay cả khi biến chủng Delta đang chiếm ưu thế.
Cụ thể, một nghiên cứu có tên Supernova đã xem xét sức khỏe của những người tiêm 1 trong 2 vắc xin mRNA trong khoảng thời gian từ tháng 2 – tháng 8 năm nay. Những người này đều có sức khỏe ổn định, không mắc bệnh nền, không bị suy giảm miễn dịch, độ tuổi từ 18 trở lên.
Báo cáo của CDC cho thấy, vắc xin Pfizer có khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện cho nhóm 18-64 tuổi là 92% và 77% với người trên 65 tuổi.
Trong khi đó với vắc xin Moderna, khả năng bảo vệ tương ứng lần lượt là 97% và 87%. Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ của vắc xin dường như không bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của biến chủng Delta, nó khá sát với các công bố của hãng trong những thử nghiệm lâm sàng.
“Ở người từ 65 tuổi trở lên, tôi nhận thấy sự suy giảm đáng kể hiệu quả bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trước biến chủng Delta của vắc xin mRNA”, ông Link-Gelles nhấn mạnh trong cuộc họp với các cố vấn về vắc xin của CDC.
Bà Natalie Dean, nhà thống kê sinh học tại Đại học Emory, cho biết: “Giả định cơ bản của chúng tôi là vắc xin sử dụng công nghệ mRNA hoạt động tương tự, nhưng sau đó, bạn bắt đầu thấy sự tách biệt”.
Tuy nhiên, sự chênh lệch này là nhỏ và hậu quả trong thực tế chưa chắc chắn, vì cả 2 loại vắc xin đều có hiệu quả cao trong ngăn chặn bệnh nặng và nhập viện. Vì thế, những người đã tiêm vắc xin Pfizer không cần phải lo lắng rằng họ dùng một loại vắc xin kém hơn.
Theo bà Dean, kết quả từ những nghiên cứu mới đây có thể bị sai lệch bởi bất kỳ yếu tố nào, bao gồm thời điểm tiêm, độ tuổi của người được tiêm và khoảng cách giữa các liều được tiêm…
Một nghiên cứu có tên Ivy gần đây cho thấy hiệu quả của vắc xin Pfizer, sau 120 ngày tiêm mũi thứ 2, tỷ lệ bảo vệ của nó giảm từ 91% xuống còn 77%, nhưng với Moderna lại giảm không đáng kể, vẫn giữ ở mức 92% hoặc 93% như các nghiên cứu trước đó.
“Pfizer là một cái búa lớn nhưng Moderna là một cái búa tạ”, Tiến sĩ Jeffrey Wilson, nhà miễn dịch học và bác sĩ tại Đại học Virginia chia sẻ.
Hai loại vắc xin khác nhau về liều lượng và thời gian giữa 2 mũi tiêm. Với Pfizer có 30mcg mRNA và 2 mũi tiêm cách nhau 3 tuần. Trong khi vắc xin của Moderna có 100mcg và tiêm cách nhau 4 tuần.
Khả năng bảo vệ của vắc xin Moderna vẫn cao hơn Pfizer. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Vậy có cần thiết tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho các vắc xin công nghệ mRNA không?
Ngày 23/9, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Pfizer để tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho những người từ 65 tuổi trở lên, nhóm có bệnh lý nền và những người dễ bị phơi nhiễm nCoV cao.
Thế nhưng, tiến sĩ Doran Fink của FDA chia sẻ rằng, hiện tại chúng ta không có dữ liệu về tính an toàn hoặc hiệu quả của việc tiêm trộn các loại vắc xin cũng như tăng liều so với ban đầu.
ACIP sẽ tiếp tục họp về vấn đề này với FDA để đưa ra những khuyến nghị riêng và quy định về mũi vắc xin thứ 3 cho người dân tại Mỹ. Hiện tại, mũi tiêm tăng cường chỉ áp dụng cho vắc xin Pfizer.
Khi trao đổi với ACIP, nhà sản xuất Pfizer/BioNTech cũng cho biết, họ hy vọng liều vắc xin thứ 3 sẽ tăng khả năng bảo vệ hơn 2 liều đầu. Tuy nhiên, hãng này cũng nhấn mạnh cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định có cần thiết tiêm mũi tăng cường không.
Nhà sản xuất Moderna cũng đã gửi yêu cầu lên FDA về việc cấp phép cho phép tiêm mũi tăng cường, nhưng FDA vẫn chỉ xem xét hồ sơ của Pfizer. Còn với Johnson & Johnson cũng công bố 1 phần dữ liệu cho thấy liều tăng cường giúp tăng khả năng miễn dịch đáng kể.
Sau tất cả những thông tin này, ACIP lo ngại việc tiêm mũi thứ 3 khiến nhiều người cho rằng vắc xin nCoV hiện tại hoạt động kém hoặc không có nhiều giá trị.
Vì thế, trước khi đưa ra các khuyến cáo mới, họ nhấn mạnh sẽ phải xem xét thật kỹ để không biến vắc xin nCoV trở thành mũi tiêm phải sử dụng hàng năm hay hàng tháng.
Như vậy sau những thông tin vừa được báo chí chia sẻ ở trên, mọi người cũng thấy rằng, dù vắc xin nCoV là tốt nhất hiện nay để phòng dịch nhưng không phải 100%. Vì vậy dù tiêm đủ 2 mũi mọi người vẫn phải tuân thủ 5K để không lây lan bệnh nha.
Nguồn: Tổng hợp
https://www.webtretho.com/p/hieu-qua-bao-ve-cua-vac-xin-ncov-se-suy-giam-sau-bao-lau-chuyen-gia-my-giai-dap