Trong 5 ngày tiêm chủng vừa qua, TP.HCM ghi nhận 1.109 trường hợp gặp phản ứng phụ sau tiêm.
Hơn 1.000 người ở TP.HCM gặp phản ứng phụ sau tiêm vaccine Covid-19
Trưa 25/6, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại thành phố.
Tại họp báo, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay thành phố đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 400.000 người trong đợt tiêm lần 4.
Trong 5 ngày tiêm chủng vừa qua, thành phố ghi nhận 1.109 trường hợp gặp phản ứng phụ sau tiêm. Trong đó, 73 người bị sốc phản vệ, 26 người phản vệ độ 2, 15 người phản vệ độ 3, 2 người phản vệ độ 4 và 10 trường hợp biểu hiện khác. Trong 10 người phản vệ độ 4 có 1 người ngưng tim.
“Bất cứ loại thuốc nào cũng có phản ứng phụ, tùy theo cơ địa của người được tiêm mà thôi. Nhưng quan trọng là thành phố đã có chuẩn bị ekip bác sĩ cấp cứu và xử lý kịp thời. Chúng ta đã đi được hơn một nửa chặng đường, còn 2 ngày để hoàn tất chiến dịch và ngày cuối cùng dành để tiêm vét”, ông Bỉnh nói.
Những phản ứng phụ thường gặp sau tiêm vaccine Covid-19:
Hầu hết tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine Covid-19 là những phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm. Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng. Theo các chuyên gia, phản ứng sau tiêm chủng vắc xin phòng virus corona thậm chí là có lợi vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin.
Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng sau khi tiêm vắc xin Covid-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và đều sẽ tự hết trong vài ngày.
Phản ứng phụ rất thường gặp (≥10%):
Tác dụng phụ tại vị trí tiêm (phản ứng tại chỗ tiêm):
Tăng cảm giác đau
Đau
Nóng
Đỏ
Ngứa
Sưng
Các tác dụng phụ toàn thân (phản ứng toàn thân):
Cảm thấy không khỏe (khó chịu)
Mệt mỏi
Ớn lạnh hoặc cảm thấy sốt (nhiệt độ không rõ)
Đau đầu
Buồn nôn
Đau khớp hoặc đau cơ
Tác dụng phụ thường gặp (1-10%)
Sốt (nhiệt độ đo được từ 38° C/100.4° F trở lên).
Theo dõi các phản ứng sau tiêm tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để là nguyên tắc cần phải tuân thủ sau tiêm vaccine, áp dụng cả với vaccine Covid-19, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các biến chứng sau tiêm vaccine Covid-19 sớm và nặng, như phản ứng phản vệ.
Tại điểm tiêm chủng, các trường hợp phản ứng phản vệ cần được phát hiện và điều trị sớm cũng như phải được chăm sóc, theo dõi và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế. Trong trường hợp đã về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi trong 48h nhằm phát hiện các biểu hiện đầu tiên của phản ứng phản vệ để đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Tác dụng phụ kéo dài sau khi chích ngừa vaccine Covid-19
Sốt: Sốt nhẹ dưới 38 độ thường khỏi sớm, có thể kéo dài 1-2 ngày. Những trường hợp sốt cao > 38 độ cần theo dõi, nếu thân nhiệt không giảm hoặc không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường cần đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Phản ứng tại chỗ: gồm các triệu chứng đỏ, sưng, chai, cứng tại chỗ tiêm… thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
Đau khớp: có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế.
Hội chứng não, màng não cấp tính xuất hiện những cơn kịch phát, rối loạn ý thức: kéo dài 1 đến nhiều ngày, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Khi nào nên gọi ngay cho bác sĩ/bệnh viện gần nhất?
Khi gặp các phản ứng phản vệ dưới đây, người được tiêm vaccine cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân nhằm xử trí và điều trị kịp thời:
Sốt cao (>38 độ): Nên uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt an toàn, mặc thoáng, lau mát với nước ấm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng.
Co giật: Co giật có thể kèm sốt hoặc không, dùng thuốc chống co giật theo đúng phác đồ xử trí co giật.
Áp xe: Có thể là áp xe vô khuẩn hoặc áp xe nhiễm khuẩn, rò dịch. Trường hợp áp xe do nhiễm khuẩn, nên dùng thuốc kháng sinh điều trị.
Nhiễm khuẩn huyết: Biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất là sốc nhiễm trùng. Cần đến bệnh viện sớm để điều trị sốc theo phác đồ, tránh các biến chứng.
Phản ứng quá mẫn cấp tính: Trong trường hợp phản ứng nặng nên xử trí như trường hợp phản ứng phản vệ.
Phản ứng phản vệ: do nhiều nguyên nhân gây ra, thường có triệu chứng như vật vã, mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, mạch khó bắt, huyết áp tụt, đau bụng, khó thở, co giật… Cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
Huyết khối: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi, khó thở hoặc đau ngực, đau bụng hoặc đau bụng dữ dội, đau, phù chi dưới, có thể biểu hiện chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng.
Theo Phunutoday