Cập nhật tin tức mỗi ngày mà em thấy lo lắng quá bà con ạ. Số ca nhiễm mỗi ngày mỗi tăng, tối hôm qua đọc báo, Việt Nam đến thời điểm này có tổng cộng 207 bệnh nhân qua đời rồi. Đáng chú ý là tại TP.HCM đã có 69 ca qua đời chỉ trong vòng 1 tháng, từ ngày 07/6/2021 đến 15/7/2021. Lại một lần nữa nhắc nhở bà con tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh nguy cơ lây nhiễm nha.
Một số người có hỏi em rằng, những bệnh nhân này nếu qua đời thì sẽ được xử lý ra sao? Em biết nhiều người thắc mắc vấn đề này lắm, cho nên giải đáp luôn ở đây nè.
* Đối với người nhiễm bệnh qua đời tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung sẽ được xử lý thi hài theo hướng dẫn tại Quyết định 468/QĐ-BYT ngày 19/02/2020, có một số lưu ý như sau:
Ảnh: Điều trị cho bệnh nhân Cô-vít. Nguồn: Gia đình và Xã hội.
– Người nhà bệnh nhân không được vào buồng bệnh và không được mang bất cứ vật dụng gì ra khỏi buồng bệnh khi chưa được phun khử khuẩn lần cuối.
– Quy trình xử lý cần phải được thực hiện kỹ lưỡng, dùng dung dịch Clo hoạt tính 0,5% để xử lý thi hài: Dùng bông tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính để nút kín các hốc tự nhiên của thi hài, sau đó phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính lên toàn bộ thi hài hoặc dùng vải liệm tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính để quấn kín toàn bộ thi hài. Bọc thi hài trong túi đựng thi hài. Sử dụng vật liệu chống thấm lót bên trong túi đựng thi hài và đóng kín túi. Trường hợp không có túi đựng thi hài, bọc kín thi hài bằng 02 lớp vải cot-ton dày được tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính, sau đó bọc kín thi hài bằng 01 lớp ni-lon. Dán cảnh báo “THI HÀI NHIỄM NCOV” ở bên ngoài. Nhân viên khoa phòng và nhân viên nhà đại thể cần tuân thủ đúng để tránh nguy cơ lây nhiễm.
– Quá trình khâm liệm phải được thực hiện càng sớm càng tốt tại nhà tang lễ của bệnh viện, hạn chế tối đa người tham gia khâm liệm. Ai trực tiếp tham gia phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân, vệ sinh bằng dung dịch chứa cồn hoặc xà phòng.
– Người nhà bệnh nhân sẽ không được thăm viếng thi hài trong suốt thời gian lưu giữ cho đến khi khâm liệm xong.
– Hạn chế tối đa người đến viếng với trường hợp này, người vào viếng phải đeo khẩu trang, không đụng chạm quan tài và phải vệ sinh tay sau khi viếng.
– Không vận chuyển thi hài ra ngoại tỉnh, cơ quan chức năng vận chuyển bằng xe chuyên dụng tới nơi hỏa táng, người nhà không được lên xe vận chuyển thi hài.
– Thi hài của người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm cần được hỏa táng càng sớm càng tốt, không để quá 24 giờ kể từ khi qua đời.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân.
* Đối với người nhiễm hoặc người nghi nhiễm qua đời tại cộng đồng sẽ được xử lý theo hướng dẫn tại Quyết định 2233/QĐ-BCĐQG ngày 29/5/2020, theo đó bà con cần nắm một số quy định sau:
– Thi hài người nghi nhiễm tại cộng đồng là người qua đời có ít nhất một trong các triệu chứng sốt, ho, đau rát họng, khó thở, viêm phổi; hoặc có tiếp xúc với người nhiễm trong vòng 14 ngày tính từ thời điểm được xác định đã mất trở về trước; hoặc khu vực người này ở có ít nhất 01 trường hợp xác định nhiễm hoặc người này mất tại điểm công cộng mà không xác định được nguyên nhân qua đời.
– Ngay khi xác định thuộc trường hợp trên thì gọi điện cho chính quyền hoặc tổng đài 1900 3228 hoặc 1900 9095 để được tư vấn và hỗ trợ xử lý thi hài, hạn chế người không nhiệm vụ vào khu vực có người qua đời này, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài.
– Các bước khử khuẩn, xử lý thi hài tương tự trường hợp qua đời tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung nêu trên. Tuy nhiên, việc khâm liệm phải được thực hiện trong vòng 06 giờ kể từ khi qua đời hay khi phát hiện thi hài.
– Khu vực phát hiện người qua đời do nhiễm hay nghi nhiễm và khu vực xung quanh địa điểm phát hiện và khu vực có liên quan phải được khử khuẩn toàn bộ.
– Thi hài sau khi được khâm liệm xong thì phải được hỏa táng, chỉ mai táng trong trường hợp không hỏa táng được.
Nếu hỏa táng thì phải thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi qua đời. Thực hiện xong phải khử khuẩn nhà, tường, cửa phòng tiếp nhận cùng dụng cụ, thiết bị có liên quan và người tham gia hỏa táng phải tháo và cởi bỏ phương tiện bảo vệ cá nhân và vệ sinh tay bằng nước sạch xà phòng rồi dùng dung dịch sát khuẩn.
Trong trường hợp không hỏa táng được thì mai táng ở chỗ có nền đất cao, cuối hướng gió, không ngập úng để đào huyệt. Việc mai táng cũng phải được thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi qua đời. Hoàn tất việc mai táng thì những người tham gia cũng phải tuân thủ quy trình khử khuẩn như người tham gia hỏa táng nói trên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Người Lao Động và Thông tấn xã Việt Nam.
* Tổ chức tang lễ:
Đối với người nhiễm bệnh qua đời tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung sau khi thực hiện các bước xử lý thi hài, khâm liệm đúng quy định sẽ được tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện trong vòng 24 giờ kể từ khi mất, hạn chế tối đa người đến viếng. Nhưng với người nhiễm bệnh qua đời tại cộng đồng, hầu như không có đề cập đến việc được tổ chức tang lễ.
Còn với người bình thường, không nhiễm bệnh qua đời tại thời điểm này cần tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh như sau theo Quyết định 2232/QĐ-BCĐQG ngày 29/5/2020:
– Hạn chế tối đa người phục vụ, người đến viếng và tham dự lễ tang. Tránh tập trung đông người.
– Thời gian tổ chức lễ tang không được quá 48 giờ kể từ khi qua đời.
– Địa điểm tổ chức phải thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.
– Không tổ chức ăn uống tại lễ tang và việc ăn uống chỉ được thực hiện trong nội bộ gia đình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thông tin để bà con nắm rõ, chẳng ai muốn người thân mình qua đời ở thời điểm này cả, nhưng nếu lỡ xảy ra thì bình tĩnh, biết cách mà xử trí.
Theo: Webtretho (https://www.webtretho.com/p/hon-200-ca-nhiem-da-qua-doi-thac-mac-quy-trinh-xu-ly-thi-hai-benh-nhan-ra-sao)
Tham khảo: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/30249/huong-dan-xu-ly-thi-hai-benh-nhan-tu-vong-do-mac-covid-19