Tính đến chiều 27/7, hơn 6.000 người gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, sinh viên…đã có mặt tại TP.HCM hỗ trợ chống dịch.
Trong thời gian qua, tình hình dịch tại TP.HCM diễn biến khá phức tạp. Lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 luôn ở mức cao. Trước tình hình căng thẳng như vậy, theo báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã gửi thư kêu gọi toàn ngành y tế tham gia hỗ trợ công tác chống dịch ở thành phố.
Hưởng ứng lời kêu gọi, trong 2 ngày 26/7 và 27/7, khoảng 200 cán bộ y tế (y, bác sĩ, kỹ thuật viên) của 6 viện gồm: E, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương, Da liễu Trung ương, Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Hữu Nghị đã lên đường vào TP.HCM.
Các y bác sĩ được tập huấn trước khi lên đường vào TP.HCM chi viện chống dịch. (Ảnh: VnExpress)
Theo báo VnExpress, bác sĩ Trần Nam Chung – Phó trưởng khoa Cơ xương khớp thuộc Bệnh viện E cũng tham gia trong đợt chi viện này. Hành trang của vị bác sĩ này chỉ đơn giản là vài bộ blouse trắng, sách chuyên khoa, ống nghe, khẩu trang và tinh thần “quyết chống dịch”.
Chia sẻ với nguồn tin trên, bác sĩ nói: “Thực tế nơi tuyến đầu chống dịch sẽ giúp chúng tôi thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc, điều trị Covid-19. Đây sẽ là một trải nghiệm khó quên“.
Y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế lên đường vào TP.HCM chống dịch. (Ảnh: Gia Đình)
Y bác sĩ Bệnh viện K đi chi viện TP HCM chiều 27/7. (Ảnh: Hà Trần)
Song song đó, trong chiều ngày 27/7, 8 bác sĩ, 3 kỹ thuật viên và 17 điều dưỡng của Bệnh viện K cũng đã di chuyển vào TP.HCM. Đây đều là các cán bộ y tế có kinh nghiệm cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân và kiểm soát nhiễm khuẩn. 28 cán bộ y tế này sẽ được phân bổ công tác, hỗ trợ tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 – nơi đặt Bệnh viện hồi sức Covid-19 1.000 giường.
Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, trong đợt 1, TP.HCM đã tiếp nhận 3.671 người, gồm 612 bác sĩ, 1.362 điều dưỡng, 68 kỹ thuật viên và 1.629 sinh viên. Vào lần 2, TP.HCM được các sở y tế tỉnh, thành phố khác chi viện cho 289 người, gồm 88 bác sĩ, 191 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên. Hầu hết các cán bộ y tế được điều phối chi viện cho thành phố đều có chuyên môn ổn định, bao gồm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, kỹ năng truy quét hoặc bóc tách F0 trong cộng đồng.
Lực lượng của Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam chi viện lấy mẫu tại TP.HCM. (Ảnh: Bộ Y tế)
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, TP.HCM đã nhận được chi viện từ hơn 6.000 nhân sự y tế từ các nơi. Không dừng lại ở đó, Bộ Y tế vẫn đang tổng hợp đơn đăng ký và xem xét tình hình để điều động nhân lực từ nhiều đoàn y tế trên cả nước. Tất cả mọi người đều thể hiện sự nhiệt huyết, quyết tâm “quét sạch” dịch bệnh ra khỏi thành phố.
Tính đến tối ngày 27/7, có khoảng 2.000 lượt đăng ký tham gia chống dịch, trong đó có 1.900 tình nguyện viên ngụ tại TP.HCM. Bên cạnh đó, 4 bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn thành phố, bao gồm Hoàn Mỹ Thủ Đức, Triều An, Xuyên Á, Nam Sài Gòn cũng sẽ tham gia vào “trận chiến chống dịch” bằng cách chuyển công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19.
Các tình nguyện viện tại TP.HCM tham gia công tác hỗ trợ truy vết, xét nghiệm. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Với những số liệu cụ thể như trên, có thể thấy rằng cả nước đang dốc toàn sức lực và nhân lực nhằm hỗ trợ cho TP.HCM sớm vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ nghĩa tình và lòng tương thân tương ái của mọi người, chắc chắn trong thời gian tới, thành phố sẽ sớm chiến thắng Covid-19.
Dẫu vậy, mọi người vẫn nên bình tĩnh và thực hiện nghiêm theo quy định của lực lượng chức năng địa phương. Đừng quên tuân thủ quy tắc 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, bạn nhé!