Với sự ra đời của cả trăm loại sinh tố cùng đồ uống đá xay như bây giờ, đáng ra kem phải thất sủng. Nhưng không, nó vẫn có chỗ đứng rất riêng gần như bất khả xâm phạm. Xưa thì quy định, kem mặc nhiên là thứ chỉ dành cho trẻ con và phải ăn vào mùa hè. Giờ thì bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, người ta đều có thể ăn kem và cũng không phải thứ mà trẻ con có thể ‘độc quyền’.
Ký ức kem mút
Thực ra, trong ký ức của hầu hết những đứa trẻ, lớn lên ở quê hay giữa thành phố thì đều có một phần dành cho kem. Kem của những đứa trẻ ở quê là hình ảnh của những chú bán kem đi xe đạp, chở theo một chiếc thùng gỗ cũ kỹ phía sau. Chú bán kem vừa đi vừa bóp một quả bóng có gắn liền với một chiếc loa (hay là kèn) bằng đồng hoặc sắt tây. Âm thanh phát ra từ đó quen thuộc với đám trẻ đến nỗi, từ xa đã nhận ra đấy là tín hiệu của hàng kem.
Chú bán kem mở chiếc thùng gỗ, lật vài lớp vải, rút ra que kem mát lạnh như một thứ quyền năng tuyệt vời với đám trẻ ngày ấy. Hầu như chỉ có một loại kem, chẳng hề có lựa chọn nhiều đến hoa mắt như bây giờ. Có thể là kem đậu xanh, nhưng chẳng thấy vị đậu xanh đâu mà chỉ thấy toàn đá và ngọt kiểu đường hóa học. Nhưng kệ, đó vẫn là thứ ngon tuyệt vời của mỗi đứa trẻ giữa trưa hè. Mặc cho bố mẹ có gào thét, mắng mỏ, cấm đoán không được ăn kem vì toàn đường hóa học.
Bọn trẻ con ngày xưa cũng có đứa căn cơ tính toán để dành, cầm cây kem trên tay mà chẳng dám ăn vì tiếc. Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, cây kem chỉ một lúc thôi là tan ra thành nước, mặc cho đứa trẻ òa lên khóc vì tiếc rẻ. Nói chung, khi phải chứng kiến sự việc “đau lòng” kể trên, bất cứ đứa trẻ nào cũng cho đó là bài học khủng khiếp nhất của cuộc đời và rút kinh nghiệm sâu sắc cho lần ăn kem sau.
Nhắc đến các đặc sản của Hà Nội, nếu kể cho thật đầy đủ, đương nhiên phải có kem Tràng Tiền. Nó giống như một dạng bảo đảm, kiểu như đã đến Hà Nội, dạo một vòng Bờ Hồ xong thì phải đi ăn kem Tràng Tiền. Như thế mới đủ yếu tố để khẳng định đã thăm Hà Nội.
Cũng có đứa có tiền mua kem, bạn bè quây lại “xin miếng” không cho, cầm que kem chạy thục mạng về nhà. Về đến nơi, ngẩng lên thấy còn mỗi cái que. Nói chung, cái ký ức về kem của thế hệ 7x, 8x thì nó vô vàn. Ngọt ngào cũng có, mà “cay đắng” cũng có. Đám trẻ nhỏ, con của thế hệ 7x, 8x bây giờ, nhất là lại ở các thành phố lớn, chúng đương nhiên không có được cái ký ức “bí bo… bí bo… kem mút… đê…ê…ê…” như ngày xưa.
Chúng dư thừa các đồ ăn vặt, kem cũng đủ thể loại. Các siêu thị lúc nào cũng có một tủ bảo ôn to đoành, đặt ở vị trí dễ thấy nhất, trong đó đủ các loại kem từ hàng Việt cho đến ngoại nhập. Giá tiền thì cũng vô cùng, vài nghìn cho tới vài chục nghìn. Có loại kem đang gây sốt là kem trân châu đường đen hơn 40 nghìn/chiếc, tương đương 1 bát phở.
Tràng Tiền một thuở
Nhắc đến các đặc sản của Hà Nội, nếu kể cho thật đầy đủ, đương nhiên phải có kem Tràng Tiền. Nó giống như một dạng bảo đảm, kiểu như đã đến Hà Nội, dạo một vòng Bờ Hồ xong thì phải đi ăn kem Tràng Tiền. Như thế mới đủ yếu tố để khẳng định đã thăm Hà Nội. Nói như đám trẻ con quen dùng ngôn ngữ mạng xã hội bây giờ là đủ “combo” hay là “full topping”. “Lên Bờ Hồ ăn kem” cũng là lời hứa tương đối xa xỉ với đám trẻ con ở ven ven ngoại thành Hà Nội mỗi khi các ông bố, bà mẹ muốn tạo thêm động cơ để chúng nỗ lực vào việc học hành hay trông nhà, bế em chẳng hạn.
Kem Tràng Tiền mở trên phố Tràng Tiền, nổi danh từ mấy chục năm trước. Đến bây giờ, đây vẫn là địa chỉ uy tín, kem bán ầm ầm, người mua xếp hàng chen chúc. Có tối hè nóng nực, người mua đông, chỗ ngồi ăn gần như không có, thùng rác thì ít, thế là xếp hàng bở hơi tai mua được cái kem, chạy sang ven đường, đoạn trước cửa rạp Công Nhân, ăn xong vứt toẹt cái que xuống vỉa hè rồi lên xe đi. Rác ngập đường. Chẳng biết hè năm nay tình hình có đỡ được không, người mua có ý thức hơn không.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa bảo, việc xếp hàng mua kem rồi thưởng thức ngay tại vỉa hè là nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội. Nhiều người thì cho rằng kem ngon, nhưng chuyện thưởng thức thì nhếch nhác. Cái gì mà nhếch nhác, hủ tục thì cần bỏ. Tranh cãi cũng nhiều, chưa bên nào thắng bên nào và kem Tràng Tiền thì vẫn ngon, vẫn nổi tiếng. Nổi tiếng tới mức kem giả, kem nhái cũng ăn theo đầy rẫy khiến công ty này tốn khá nhiều công sức để bảo vệ thương hiệu.
Làm kem không khó?
Như đã nói ở trên, kem thì có nhiều, nhưng đôi khi các bà nội trợ cũng muốn trổ tài làm kem. Nguyên liệu cùng dụng cụ làm kem bây giờ rất sẵn. Ở tất cả các hàng bán nguyên liệu làm bánh ngọt đều có bán, ví dụ như khuôn, khay với nhiều loại chất liệu, inox, silicon, nhựa… Kem tự làm ở nhà nói đơn giản thì là đơn giản, mà phức tạp thì cũng cực kỳ phức tạp. Tức là ngoài đường, sữa, hoa quả tươi thì còn phải có kem tươi, đôi khi cả lòng đỏ trứng và bột ngô.
Đơn giản nhất là làm kem túi. Nguyên liệu gồm túi nilon cỡ nhỏ, nước, đường, có thể làm nhiều vị với một chút nước dâu tằm ngâm đường, dâu tây, bơ, chanh leo, trà xanh hay đậu đỏ. Hoa quả xay nhuyễn rồi thêm đường tùy khẩu vị, đổ vào túi buộc lại thật chặt, để trong tủ đá đến khi đông lại là có thể dùng. Kem túi hay còn gọi là đông lạnh cũng là món quà vặt đơn giản và yêu thích của trẻ con. Hình ảnh những túi kem được đựng trong phích giữ nhiệt Liên Xô và xách đi khắp phố rao bán cũng là ký ức không quên của thế hệ 7x, 8x bây giờ.
Món kem thích hợp nhất để làm ở nhà còn là kem chuối. Chuối tây cắt thành từng lát mỏng, dừa bào sợi, kem tươi, sữa tươi, sữa đặc có đường trộn với nhau theo tỷ lệ rồi dùng máy đánh trứng đánh cho đều lên. Cứ một lớp kem tươi, một lớp chuối đổ cho đầy khuôn, rắc dừa, lạc rang lên trên. Khi kem đủ độ lạnh, đông lại là có thể ăn được.
Ngoài ra cũng với kem tươi, sữa tươi, sữa đặc có đường có thể làm ra nhiều vị kem cacao, socola, sữa dừa, bơ, sầu riêng hay rum nho…
Duy Phan – 08/01/2021
Bài viết được tham khảo: