Mẹ nghèo chạnh lòng 3 con nhỏ qua nhà hàng xóm học ké online, nặng nề cõng rương mỗi buổi

Đã có lần, chị đưa con sang nhà bạn học ké nhưng phụ huynh không đồng ý, đành chở con về, tìm nhà khác xin học nhờ.

Nếu học sinh nhà bình thường học trực tuyến đã đủ thứ mệt mỏi thì con nhà nghèo học trực tuyến còn khó khăn gấp chục lần. Vô tình xem được tin trên trang Giáo dục Việt Nam, thấy thương gia đình này thật sự.

Người mẹ nghèo xót xa 3 con nhỏ phải đi học ké nhà hàng xóm, vì học online mà nhà chị chỉ có chiếc điện thoại “cục gạch”. Mỗi lần đi học nhờ, bé gái lại vác cái rương cũ theo làm bàn học rồi vác ngược trở về. Cái rương to bằng em, chất chứa bao nỗi vất vả, nhọc nhằn.

Giấy khen của 3 đứa trẻ (trái) – Đứa con út đi học nhờ nhà hàng xóm, khi đi học thì bé vác cái hòm để làm bàn học (phải). Ảnh: Nguyễn Nhất – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Nhà nghèo, bố tâm thần, cả gia đình chỉ dựa vào người mẹ mưu sinh bằng mớ rau, cây lúa để sống qua ngày. Chiếc điện thoại thông minh để học trực tuyến là ước mơ xa xỉ của 3 đứa trẻ. Nhà cũng có điện thoại, nhưng là cái điện thoại “cục gạch” để mẹ liên lạc làm thuê, làm mướn.

Gia đình 5 người hiện đang ở tại thôn Đông Cứu, Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội. “Cô Vi” xuất hiện, 2 năm rồi, các bé đều trải qua những khoảng thời gian phải học online. Người mẹ nghèo chỉ biết ngậm ngùi nhìn con đi học ké nhà hàng xóm, bạn bè.

Khó khăn từ nhỏ, 3 đứa trẻ đều còi cọc so với bạn bè, năm nay 3 bé lần lượt vào lớp 6, lớp 4 và lớp 2. May là các bé đều học giỏi và tâm lý bình thường. Xấp giấy khen năm học vừa rồi của 3 bé chính là báu vật, được bọc trong túi nilon rồi cất giữ kĩ trong một chiếc hòm.

Năm học này, cả 3 bé phải học online, người mẹ bấm bụng đi mua một chiếc điện thoại thông minh, nhưng hỏi ra giá tận hơn 3 triệu đồng. Không có tiền, đành phải sang nhờ hàng xóm, phụ huynh, bạn học của con để cả 3 em được đi học ké.

Người mẹ tại Nhà văn hóa thôn để phơi thóc và tước rơm (trái) – Cô con gái út vất vả khiêng chiếc rương từ nhà hàng xóm về, sau khi kết thúc buổi học online (phải). Ảnh: Nguyễn Nhất – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Nhớ lại năm trước, cũng có học online, con gái lớn đến nhà bạn học nhờ nhưng phụ huynh không đồng ý cho học cùng con họ. Thế là người mẹ phải chở con gái về nhà trên chiếc xe đạp cà tàng, con tủi thân, lòng mẹ nặng trĩu.

Thấy con bị đuổi về, mẹ chỉ có thể động viên là để mẹ đưa con đi nhà khác xin học nhờ. Còn bé gái nhỏ nhất thì mỗi lần sang nhà hàng xóm học, bé sẽ vác theo cái rương sắt cũ để kê làm bàn học.

Cái rương to gần bằng bé, nhìn em cứ khệ nệ vác đi vác về mà thấy thương. Cả 3 chị em hiện đã có chỗ học nhờ, chị cả và em út thì học ké hàng xóm, con trai giữa thì học nhờ nhà bạn cùng lớp. Nghe vậy cũng mừng cho các em, không bị đuổi về nữa.

Ước mơ của chị lớn là sau này thành bác sĩ, còn của bé út là thành cô giáo, nhưng đó có lẽ là cả một quãng đường rất dài và khó khăn. Người mẹ cho biết chị tự nhủ sẽ cố gắng hết sức nuôi các con ăn học đàng hoàng. Mẹ chỉ mong các con có tương lai tốt đẹp hơn bố mẹ.

Đây cũng không phải trường hợp hiếm, đã từng có ông bố rơi nước mắt trên sóng truyền hình. Thấy con mình thiệt thòi, không đủ thiết bị học online, sợ con mất bài vở, nhưng đang giãn cách không thể chạy ra mua cho con điện thoại để học. Bố đành bất lực, chỉ biết bật khóc.

Năm trước, những học sinh nhà ở sâu trong rừng đước ở ấp đảo Thiềng Liềng thì không thể học trực tuyến mà thầy cô phải in bài tập và mỗi tuần các em lại băng rừng ra ấp nhận bài về làm, làm xong lại băng rừng đi nộp. Ảnh minh họa, nguồn: P.H – Thanh Niên

Đầu tháng 9, báo Thanh Niên cũng có bài viết kể hoàn cảnh các em học sinh khóc ròng không có điện thoại học trực tuyến. Bài viết đề cập đến những em học sinh nghèo ở Cần Giờ, nghe phụ huynh than thở mà thấy rầu:

“Khổ quá các cô, các chú ơi! Nhà giờ tiền ăn hằng ngày còn không có, lấy đâu ra tiền mua điện thoại cho con học trực tuyến. Chắc cho con nghỉ học quá”.

Thật sự thương các em, trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ thiệt thòi nhất là những đứa trẻ. Học trực tuyến mà thiếu máy móc thật sự rất khó, đâu phải em nào cũng may mắn được đi học ké nhà hàng xóm.

Chỉ mong sắp tới, mọi thứ dần ổn định, trường học an toàn hơn và các em sớm được đến trường, tiếp tục thực hiện những giấc mơ làm cô giáo, bác sĩ.

Webtretho

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *