4.000-5000 F0 cộng đồng được phát hiện mỗi ngày khi tăng tốc xét nghiệm, TP HCM đang tập trung điều trị tại nhà, các bệnh viện phải sẵn sàng giường trống để nhận bệnh chuyển đến khi cần.
Thành phố ghi nhận hơn 64.300 ca dương tính mới sau 7 ngày “vét” F0 tại các địa bàn, đồng nghĩa với việc nhu cầu điều trị là khổng lồ. Dự đoán trước tình hình này, từ cuối tháng 7 ngành y tế đã xây dựng kịch bản điều trị F0 tại nhà – giải quyết bài toán quá tải ở các bệnh viện. Chiến lược này đặc biệt được đẩy mạnh giữa tháng 8, khi số ca nhiễm tại thành phố lên hơn 150.000, trung bình mỗi ngày 241 ca tử vong.
Tính đến ngày 31/8, hơn 83.000 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó hơn 59.000 F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và hơn 24.000 F0 sau xuất viện về tiếp tục theo dõi. Số F0 điều trị tại cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là hơn 20.000 người. Theo đó, thành phố đang tập trung điều trị F0 theo hai trụ cột với mô hình tháp 3 tầng, gồm: tăng cường cách ly điều trị tại nhà, khu cách ly phường xã, quận, huyện (tầng 1); nâng công suất điều trị tại các bệnh viện (tầng 2, tầng 3).
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hơn 400 Trạm y tế lưu động, 312 Tổ phản ứng nhanh ở tất cả phường, xã đang quản lý, điều trị F0 ở tầng một. Khi người dân có kết quả test nhanh dương tính, họ sẽ phân loại theo sức khoẻ và cơ sở vật chất để quyết định cách ly tại nhà hay đưa vào các khu cách ly tập trung quận, huyện.
Điều kiện để F0 ở nhà là dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì. Nếu chưa thoả điều kiện này, F0 phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi một. Đặc biệt, đây phải là những người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không suy hô hấp, chỉ số SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút.
Thành phố đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc phát cho F0, bao gồm 50.000 gói thuốc kháng virus molnupiravir dùng cho F0 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt. Họ sẽ được Trạm y tế lưu động phối hợp các Tổ quân y, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện… chăm sóc, tư vấn liên tục. Nếu F0 có dấu hiệu chuyển nặng, cần cấp cứu, đội phản ứng nhanh sẽ có mặt xử trí hoặc chuyển đến viện.
“Vấn đề tối thượng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 là phải đủ oxy. Đó là lý do thành phố triển khai trạm y tế lưu động, mang bình oxy nhỏ đến cho người dân. Tầng 1 là tầng rất quan trọng để giảm áp lực cho tầng 2 và 3”, ông Hưng nói. Sau một tháng triển khai, nhiều quận huyện (quận 1, 5, 6, 11, Tân Bình, Tân Phú, quận Gò Vấp, Bình Tân, Phú Nhuận, huyện Hóc Môn) đạt tỷ lệ 60-90% F0 điều trị tại nhà.
Nhân viên y tế phường 3, quận 8, đến thăm khám, đo sPO2, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, ngày 29/8. Ảnh: Quỳnh Trần.
Với những F0 tại nhà hay tại khu cách ly tập trung quận huyện, nếu có dấu hiệu trở nặng, sẽ được đưa vào một trong 74 bệnh viện (thuộc tầng 2 mô hình điều trị), có tổng cộng hơn 49.000 giường. Tầng này đang điều trị khoảng 37.500 F0. Chủ trương được đặt ra là “tăng xuất viện người khỏi bệnh, tăng chuyển viện người bị nặng” để luôn có sẵn giường trống cho F0 tầng một khi cần, giảm tử vong.
Hôm 28/8, Sở Y tế tiếp tục có công văn đề nghị các bệnh viện thuộc tầng 2 tăng cường chuyển bệnh hai chiều, tiếp nhận các F0 có bệnh lý nền hoặc cần thở oxy. Những nơi này phải rà soát tất cả người bệnh không triệu chứng đã được điều trị ổn định để chuyển về các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến của TP Thủ Đức và những quận huyện khác, đảm bảo sẵn sàng giường trống tiếp nhận các trường hợp mới.
Sở Y tế TP HCM đang tiếp tục phân bổ thuốc Remdesivir đến các bệnh viện để sử dụng cho người bệnh Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng. “Thực tế cho thấy số ca tử vong ở tầng 2 nhiều nhất nên ngành y tế yêu cầu các quận huyện phải phát hiện sớm bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng để chuyển lên tầng 3 (trung tâm ICU do các bệnh viện lớn phụ trách). Như vậy, số lượng người tử vong sẽ giảm”, ông Hưng nói.
Tại tầng 3, thời gian qua TP HCM cùng Bộ Y tế phối hợp vận hành nhiều trung tâm ICU, hàng nghìn y bác sĩ, máy móc từ nhiều nơi được huy động về. Hiện, tầng này có 8 bệnh viện tuyến cuối, chuyên hồi sức chuyên sâu, điều trị F0 nặng và nguy kịch với gần 3.900 giường, đang điều trị 2.736 bệnh nhân thở máy và 15 người can thiệp ECMO.
Ngoài nhiệm vụ “giành lại mạng sống” cho F0, các trung tâm hồi sức còn phải hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn xuống các bệnh viện thuộc tầng 2 đối với các trường hợp trở nặng. Từ đó, các bác sĩ sẽ kịp cứu F0 hoặc quyết định có hay không chuyển từ tầng 2 lên tầng 3.
Nhân viên y tế điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 – TP HCM (TP Thủ Đức), thuộc tầng 3. Ảnh: Thành Nguyễn.
Lãnh đạo TP HCM cho rằng phương thức điều trị tại nhà và cộng đồng giúp người bệnh có tâm lý thoải mái, sẽ mau khoẻ. Họ được tiếp cận với thuốc từ đầu, điều trị kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng nên sẽ kéo giảm số ca tử vong. Nếu làm tốt, có thể 70-80% bệnh nhân F0 sẽ hồi phục trong thời gian ngắn.
Chiến lược điều trị lần này được cho là có hiệu quả, song TP HCM đang tính toán điều chỉnh bản đồ chống dịch cho phù hợp với thực tế khi kết thúc các đợt xét nghiệm vào ngày 6/9.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá số ca tử vong tại TP HCM đang giảm do triển khai tích cực các biện pháp dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi xét nghiệm diện rộng.
TP HCM đang điều trị 40.133 bệnh nhân; trong đó có 2.449 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính từ đầu năm đến nay có 107.216 người đã khỏi bệnh, 8.869 trường hợp tử vong.
Theo https://vnexpress.net/moi-ngay-tang-hon-4-000-f0-tp-hcm-dieu-tri-the-nao-4348400.html?