Một loại thuốc điều chế từ thực vật “bỏ quên” đã lâu, nay được dùng để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Một loại thuốc điều chế từ thực vật “bỏ quên” đã lâu, nay được dùng để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Dường như đã đi lạc vào miền “cổ tích”, viên thuốc xuyên tâm liên nay đã trở lại!

Xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ
ẢNH: SHUTTERSTOCK

Ngay cả bản thân người viết, từ lâu đã quên mất vị của loại thuốc này, dù rằng thời bao cấp trong khoảng 20 năm, sau 1975 cho đến 1995, rất nhiều biểu hiện bệnh lý đã được các thầy thuốc ở trạm y tế xã kê cho loại thuốc này đem về uống. Chỉ còn nhớ là vị của nó rất đắng. Hẳn nhiều bạn đọc lớn tuổi còn nhớ thời ấy, trong một giai đoạn thiếu thuốc trầm trọng, thứ gì cũng nhờ đến xuyên tâm liên, xem như là “thần dược”!

Tưởng đã quên, ai ngờ cây thuốc này trong thời buổi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều quốc gia đã đưa nó vào danh mục nghiên cứu và bào chế, sản xuất cho người bệnh dùng.

Cung ứng trước mắt cho TP.HCM 1 triệu viên

Sáng 24.7, nhiều tờ báo đưa tin hoặc dẫn lại cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết bộ này và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã đồng ý đưa viên thuốc xuyên tâm liên vào hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, thuộc giai đoạn nhẹ và vừa, theo chỉ dẫn phác đồ điều trị kết hợp Đông và Tây y.

Ông Thịnh cũng cho biết, hiện nguồn thuốc xuyên tâm liên ở Việt Nam chưa sẵn để dùng, nên Bộ Y tế đang chỉ đạo thúc đẩy sản xuất dạng viên để đáp ứng cho nhu cầu hỗ trợ điều trị.

Cũng theo PGS Nguyễn Thế Thịnh, Cục quản lý Y dược cổ truyền đang động viên một doanh nghiệp (đã được cấp phép từ 2010) cấp tập sản xuất để cung ứng. Đồng thời, Cục cũng đang đề xuất cấp phép thêm cho 1-2 công ty cùng tham gia sản xuất. Trước mắt, khoảng 1 triệu viên thuốc xuyên tâm liên sẽ được chuyển vào TP.HCM nội trong tuần tới.

Khẳng định tăng cường hệ thống miễn dịch

Chiều 24.7, trao đổi với lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hiệp hội dược liệu TP.HCM, ông khẳng định: “Xuyên tâm liên có các tác nhân kích thích miễn dịch và kháng virus tự nhiên, một số trong số đó có thể hoạt động để khôi phục sự cân bằng miễn dịch hoặc cân bằng nội môi. Có thể an toàn để sử dụng cả trước và trong khi nhiễm virus Covid-19”.

Điều đặc biệt nhấn mạnh với chúng tôi, lương y Đinh Công Bảy cho rằng: “Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, dễ bị nhiễm Covid-19 hơn do hệ thống miễn dịch đã bị tổn thương. Trong trường hợp này, điều quan trọng là phải nâng cao khả năng miễn dịch của các đối tượng để giảm thiểu khả năng lây nhiễm virus. Qua nghiên cứu, hoạt chất andrographolide và 14-deoxy-11,12-didehydroandrographolide có khả năng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch”.

Lương y Đinh Công Bảy
NVCC

Những tác dụng đã được nghiên cứu từ lâu của xuyên tâm liên của ngành đông y dược cổ truyền đã chỉ ra hoạt chất chiết xuất từ cây xuyên tâm liên: andrographolide và các dẫn xuất có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, hạ sốt, an thần, ức chế sự phát triển của các tế bào khối u, bảo vệ gan, lợi mật, ức chế kết tập tiểu cầu, chống huyết khối, chống nọc rắn, và cải thiện chức năng miễn dịch. Và đặc biệt, khi đề cập đến tinh chất của xuyên tâm liên, khi chiết xuất sẽ cho ta một dẫn chất của andrographolide tan trong nước là sản phẩm cộng với Na bisulflt được dùng làm thuốc hạ sốt.

Chỉ dẫn về công dụng và cách sử dụng hoạt chất chiết xuất từ xuyên tâm liên, lương y Đinh Công Bảy nói: “Xuyên tâm liên hiện nay đã được thử nghiệm lâm sàng trên người, thời gian dùng thuốc thường không quá hai tuần, với liều lượng thông dụng, thì không dễ xảy ra tác dụng phụ, dù có phản ứng khó chịu nhưng sau khi ngừng thuốc sẽ nhanh chóng trở lại bình thường”.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh khi trả lời báo chí cũng nói: “Xuyên tâm liên có thể chế tạo nhiều kiểu khác nhau, hoặc xay luôn thô rồi đóng chai, hai là tạo chiết với các hàm lượng khác nhau. Liều dùng tùy theo hướng dẫn của từng doanh nghiệp đăng ký, ví dụ viên thuốc 200 mg sẽ khác 250 mg, 300 mg. Liệu trình điều trị bình thường của một người khoảng 10 ngày, tức khoảng 100 viên”.

Như vậy, bên cạnh sự tăng cường hệ thống điều trị hiện thời bằng các phương pháp hiện đại, sử dụng phác đồ đã được nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm của Tây y, việc đưa vào sử dụng một loại thuốc với nguồn dược liệu dồi dào hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nước ta, hy vọng rằng cây xuyên tâm liên sẽ hỗ trợ phần nào trrong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta.

Xuyên tâm liên, còn có tên là: công cộng, nguyễn cộng, hùng bút, cây lá đắng, cỏ đắng, lam khái liên, lãm hạch liên, khổ đảm thảo, nhất kiến hỷ, kim hương thảo, kim nhĩ câu, Ấn Độ thảo… Chiretta, Green Chiretta, Creat, Kariyat, King of bitters sinta, Halviva, Roi des armers (Pháp)…, tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees, thuộc họ Ô rô – Acanthaceae. Xuyên tâm liên có ở Ấn Độ, phân bố nhiều nước ở châu Á nhiệt đới như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và những nơi khác, các nhà dược học cũng tìm thấy chúng ở châu Phi và Nam Mỹ. Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là những nơi trồng nhiều xuyên tâm liên nhất.

Các nghiên cứu khuyến cáo rằng, phụ nữ có thai và cho con bú, hoặc nam giới và phụ nữ muốn sinh con, nên thận trọng không dùng xuyên tâm liên lâu dài hoặc liều lượng nhiều chế phẩm từ andrographolide. Những người đang dùng thuốc chữa cao huyết áp, chống đông máu warfarin và aspirin giảm đau, không được dùng phối hợp xuyên tâm liên. Với những bệnh nhân đái tháo đường đang dùng thuốc hạ đường huyết hoặc những người có vấn đề về thận, gan thì tốt nhất không nên dùng xuyên tâm liên.
Lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hiệp hội dược liệu TP.HCM

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/co-tich-xuyen-tam-lientro-lai-1420059.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *