Nghiên cứu mới: Vắc xin AstraZeneca, Pfizer giảm dần hiệu quả trước biến thể Delta sau 3 tháng

Nghiên cứu từ các nhà khoa học nước Anh, khả năng bảo vệ của hai loại vắc xin Covid-19 là Pfizer và AstraZeneca trước biến thể Delta giảm dần trong 3 tháng.

Biến chủng Delta rất nguy hiểm, chúng lây lan mạnh và có khả năng khiến cơ thể con người nhanh chóng trở nặng sau khi nhiễm bệnh. Mới đây, nghiên cứu mới của Đại học Oxford (Anh) đã phân tích được khả năng bảo vệ của 2 loại vắc xin ngừa Covid-19 là Pfizer và AstraZeneca trước loại biến thể trên.


 AstraZeneca là một trong những loại vắc xin đang được sử dụng ở Việt Nam. (Ảnh: Dân Sinh)

Theo Thông tấn xã Việt Nam, nhóm nghiên cứu này thu thập 3 triệu mẫu dịch mũi của các tình nguyện viên tại Anh đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer hoặc AstraZeneca. Qua nhiều thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện 3 tháng sau khi tiêm liều thứ 2, hiệu quả của hai loại vắc xin này trong việc ngăn chặn lây nhiễm do biến thể Delta giảm xuống.

Cụ thể, hệ miễn dịch chỉ còn khoảng 75% với Pfizer và 61% nếu tiêm AstraZenneca. Trước đó, tỷ lệ đã giảm từ mức tương ứng 85% và 68% trong 2 tuần đầu sau khi tiêm liều thứ 2. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng hiệu lực của 2 loại vắc xin trên có mức bảo vệ ngang bằng trong khoảng 4 đến 5 tháng sau khi tiêm liều 2.

Ngoài ra, nghiên cứu còn cho biết thêm, người đã tiếp cận vắc xin nếu nhiễm Covid-19 vẫn có tải lượng virus cao ngang bằng so với trường hợp chưa tiêm. Bởi vậy, trong bối cảnh biến thể Delta đang diễn ra phức tạp, một số nước đã lên kế hoạch tiêm chủng vắc xin mũi thứ 3 cho mọi người vào tháng tới.


Khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 có biển chuyển nặng tại TP.HCM. (Ảnh: Người Lao Động)

Trước đó, theo Zing News, các nhà khoa học ở Singapore cũng đã thực hiện nghiên cứu trên 2 nhóm người bao gồm 84 trường hợp đã chích ngừa (71 người thêm đủ 2 mũi) và 130 ca chưa được tiêm chủng. Loại vắc xin được sử dụng là Moderna và Pfizer.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tải lượng virus trong cả 2 nhóm đều ngang bằng nhau. Tuy nhiên, nhóm người đã tiêm vắc xin sẽ bớt nguy hiểm, ít rơi vào trạng thái nặng hay phải thở oxy nếu nhiễm Covid-19. Ngoài ra, các triệu chứng được thể hiện ở người chưa tiêm chủng có tỷ lệ cụ thể là sốt 73,9%; ho 60, 8%; đau họng 33,1%; khó thở 13,1%.  Trong khi đó, người đã tiêm vắc xin có tỷ lệ bị sốt là 40,9%; ho 38%; đau họng 25,4%; khó thở 1,4%. Như vậy, có thể thấy rằng việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 là vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân giảm thiểu mức thấp nhất các biến chứng.


Công nhân tại Bình Dương được tiêm chủng ngừa Covid-19. (Ảnh: Báo Bình Dương

Trong cuộc họp chiều ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết vào quý 4 năm 2021 sẽ có khoảng 20 triệu đến 50 triệu liều vắc xin về Việt Nam mỗi tháng. Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng các loại vắc xin gồm Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Vero Cell. Ông Thuấn cũng hi vọng từ nay đến đầu năm 2022, ngành y tế sẽ bao phủ vắc xin cho khoảng 75% dân số.

Ảnh minh hoạ

Delta là một biến thể của virus SARS-CoV-2 rất nguy hiểm. Bởi vậy, mọi người nên tiếp cận vắc xin kịp thời nếu có cơ hội để hạn chế những rủi ro không đáng có. Mong rằng với những kiến thức trên, bà con sẽ hiểu rõ hơn về dịch và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng.

Nguồn: https://www.yan.vn/hieu-qua-cua-cac-loai-vac-xin-truoc-bien-the-delta-nhu-the-nao-274154.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *