Người nhiễm biến thế Delta sẽ mang nồng độ virus cực kỳ cao, từ đó dẫn đến việc virus thải ra ngoài nhiều hơn, dễ lây cho người khác.
Hiện nay, biến thể Delta đang khiến nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn, trong đó có Việt Nam. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, so với chủng gốc, biến thể Delta lây lan nhanh và mạnh hơn rất nhiều lần.
Trong các biến thể của nCoV hiện nay, chủng Delta là đáng lo ngại nhất. (Ảnh: Sascha Steinach)
Cụ thể, báo VnExpress đưa tin, ngày 15/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gửi công điện đến các địa phương. Công điện nêu rõ, thời gian ủ bệnh với người nhiễm biến thế Delta khá ngắn, khả năng phát tán virus và tốc độ lây lan cũng tăng cao.
So với chủng nCoV trước đây, bệnh nhân nhiễm biến thể Delta có nồng độ virus trong dịch hầu họng cao hơn gấp khoảng 1.000 lần. Chính vì thế, khi Delta xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ nhân nhanh trên niêm mạc hô hấp khiến dịch tiết người bệnh mang đậm đặc virus, dễ dàng truyền sang người khác. Thực tế, các nghiên cứu trên thế giới cũng đã công bố kết quả tương tự vào hồi cuối tháng 7.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam giải thích kỹ hơn về mặt lâm sàng cho biết, người nhiễm biến thể Delta sẽ tiến triển bệnh nhanh hơn so với nCoV. Nếu như chủng virus đầu tiên phát hiện ở Vũ Hán mất 7-10 ngày để khiến bệnh nhân chuyển nặng thì Delta chỉ cần 4-5 ngày cũng có thể làm F0 bắt đầu có các dấu hiệu tăng nặng như khó thở, viêm phổi ,…
Chính vì lý do này, cộng thêm với việc nồng độ virus dày đặc nên dễ dẫn đến quá tải y tế, nguy cơ không qua khỏi cao hơn.
Các nhà khoa học vẫn đang tích cực nghiên cứu về Covid-19. (Ảnh: AFP)
Bác sĩ Hà nói thêm, nồng độ virus cao, đồng nghĩa với việc F0 sẽ thải ra virus nhiều hơn, đặc biệt trong môi trường kín, Delta càng lây lan với tốc độ nhanh.
Bên cạnh cách thức lây truyền qua giọt bắn và bám trên bề mặt vật dụng như nhiều khuyến cáo trước đó được đưa ra, nhiều nhà khoa học còn chỉ ra rằng nCoV có thể lây truyền qua không khí.
Do có trọng lượng nhỏ nên những hạt khí dung (giọt bắn nhỏ hơn 5 micromet) sẽ nằm trong không khí, phát tán ra xa, chỉ cần hít phải những hạt đó là chúng ta sẽ nhiễm bệnh.
Đáng nói, Delta có nguy cơ lây nhiễm ngoài trời cao hơn so với chủng cũ, nhất là với nhóm chưa tiếp cận vaccine. Theo bác sĩ Hà, các hạt khí dung này không chỉ dừng lại ở khoảng cách 2m, mà nó còn đi xa được đến 6-7m và không gian càng kín thì nồng độ virus càng cao.
Thậm chí, có những hạt khí dung nhỏ còn tồn tại được trong không khí hàng tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn nếu có môi trường thuận lợi. Vì vậy, chúng ta luôn được khuyến cáo rằng nên mở cửa thông thoáng để nồng độ virus (nếu có) loãng đi.
Giữ khoảng cách nơi công cộng là biện pháp quan trọng giúp hạn chế lây lan dịch. (Ảnh: AFP)
Các loại vaccine đang sử dụng trên thế giới hiện nay vẫn được công nhận có hiệu quả với biển thế Delta. Mặc dù không bảo vệ 100% nhưng nó vẫn giảm tối đa nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc không qua khỏi. Vì thế, hãy sớm trang bị cho mình “lá chắn” bảo vệ này.
Nguồn: https://www.yan.vn/bien-the-nguy-hiem-nhat-cua-ncov-nong-do-virus-gap-hang-ngan-chung-cu-276661.html