Cơm từ gạo trắng có chứa rất nhiều tinh bột, đường. Ăn nhiều cơm có thể tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường. Tuy nhiên, vì sao người Nhật ăn nhiều cơm mà tỷ lệ béo phì thấp, lại sống lâu bậc nhất thế giới?
“Tây ăn bánh mì, ta ăn cơm” là câu truyền miệng nhiều người vẫn nói về thói quen ăn uống của các nước Châu Á. Với nhiều nước trong đó có Việt Nam hay Nhật Bản, cơm từ gạo trắng là điều quan trọng bậc nhất trong bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng, ăn nhiều cơm hoặc thực phẩm từ gạo lại có thể làm tăng nguy cơ béo phì và các chứng về tim mạch.
Bởi vậy, người Việt khi giảm cân thường cắt giảm tinh bột bằng cách bỏ cơm. Tuy nhiên, vì sao người Nhật ăn cơm thường xuyên mà không tỷ lệ béo phì lại thấp, không những thế tuổi thọ còn thuộc top đầu hành tinh?
Người Nhật ăn cơm mỗi ngày, hiếm khi cắt cơm song lại có tỷ lệ béo phì thấp, lại sống thọ lâu.
Người Nhật thích ăn cơm nguội
Một trong những thói quen phổ biến của người Nhật là ăn cơm nguội thay vì cơm nóng. Nếu xơi cơm nóng hổi, họ sẽ chờ nguội bớt mới ăn. Khi đó, cấu trúc hạt gạo đã có sự thay đổi, có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường vào trong. Do đó, lượng đường trong máu được giữ ở mức ổn định, không tăng vọt.
Mặt khác, ăn cơm nguội giúp người Nhật kiểm soát được cơn thèm ăn, no lâu hơn và hạn chế tiêu thụ calo.
Người Nhật chủ yếu ăn nhạt, ưa đồ luộc hơn đồ chiên rán
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hầu hết người Nhật đều có thói quen ăn các món nhạt. Trong quá trình nấu nướng, họ ít dùng muối và hạn chế nêm gia vị. Người dân ở xứ hoa anh đào thích giữ vị nguyên bản của thức ăn. Thực phẩm khi chế biến cũng nêm nhạt nhất có thể để làm nổi bật hương vị vốn có.
Bên cạnh đó, người Nhật còn ưu tiên luộc, hấp thức ăn thay vì chiên rán hay nướng. Đồ hấp, luộc giữ được vị ngon, giảm được nguy cơ gây ung thư hơn. Họ quan niệm, đồ ăn càng đơn giản thì lượng vitamin, khoáng chất, dưỡng chất giữ lại được càng nhiều. Mà ăn đồ luộc, hấp thì không lo béo phì như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
Đồ luộc, canh đậu hay các món nhạt là đồ yêu thích trong bữa cơm hàng ngày của người Nhật.
Chỉ ăn một lượng cơm nhỏ mỗi bữa, ăn no 8 phần
Người Nhật không cắt giảm tinh bột, ăn cơm mỗi ngày nhưng không tăng cân, béo phì là do có sự hạn chế và số lượng. Mỗi bữa, họ chỉ ăn một lượng cơm nhỏ, bù lại dùng nhiều món ăn phụ như thịt, cá hay rong biển, đậu…
Và bí quyết ăn không béo của phụ nữ ở đây là chỉ ăn no 8 phần. Người Nhật nói chung đều cho rằng, ăn quá no sẽ gây bệnh, ảnh hưởng tới dạ dày và hệ tiêu hóa. Thói quen ăn no căng còn có thể làm tăng mỡ máu, tăng cân, thậm chí gây ra tiểu đường. Vì thế họ chỉ ăn no vừa phải, có sự cân đối về lượng cơm và thức ăn kèm.
Đa số chỉ ăn no 8 phần, sau khi ăn còn thường xuyên vận động.
Người Nhật vận động thường xuyên sau khi ăn cơm
Sau khi ăn cơm, người Nhật không ngồi một chỗ mà thường vận động nhẹ nhàng. Họ có sở thích đi bộ. Người Nhật thường áp dụng phương pháp đi bộ 10.000 bước mỗi ngày để rèn sức khỏe, tiêu hóa tốt hơn. Có nghiên cứu còn chỉ ra rằng đây là một trong số những yếu tố khiến tuổi thọ trung bình của người Nhật cao nhất thế giới.