Nhà có ông ngoại là F0 nhưng lại có đến 4 trẻ nhỏ đều chưa tới tuổi tiêm vắc-xin. Không muốn bi quan nhưng cũng chẳng thể lạc quan nổi các mẹ ạ.
Hai tuần trước, đúng vào hôm thứ bảy, thấy ông ngoại (54 tuổi) sốt nhẹ 3 hôm không khỏi, mình mới nghĩ đến chuyện cho ông test thử Covid.
Lúc đó, nói test cho an tâm thôi chứ không hề nghĩ ba mình dương tính vì ông bà lúc nào cũng tuân thủ 5K nghiêm ngặt lắm. Chẳng ngờ đang lúc người lớn cười giỡn, mấy đứa cháu còn nhảy bổ vào người ông đòi bế thì ở bên kia phòng, mẹ báo: “Lên hai vạch rồi!”.
Vẫn chưa tin vào sự thật nhưng mặt ai nấy cũng đều biến sắc. Mọi người trong nhà bắt đầu mang khẩu trang. Sau đó, mình gọi cho người quen tìm mua loại que thử mới vì nghĩ que đã cũ có thể cho kết qua dương tính giả chăng.
Chẳng ngờ lần test thứ hai, que thử cũng lên hai vạch. Mẹ bắt đầu mất tinh thần vì nhà chưa từng có ai là F0 cả, chẳng biết phải làm gì trước và làm những gì. Còn mình phải cố trấn an mẹ và các em, rồi lại tìm cách liên hệ bên trạm y tế lưu động.
Sau khi lên đến trạm y tế xác nhận dương tính xong, ba mình về nhà và bắt đầu cách ly riêng.
Mối lo lớn nhất lúc này là cả 4 đứa nhỏ trong nhà đều chưa được tiêm phòng do chưa đủ tuổi. Trong đó, con gái mình vốn có tiền sử bệnh hen suyễn. Mặc dù đã tự trấn an bản thân phải bình tĩnh nhưng mọi thứ không như mình đã nghĩ.
Khi ông phát hiện dương tính là ngày thứ 4 phát sốt. Sau đó hai hôm, khoảng chừng ngày thứ 6, thứ 7 theo tiến trình bệnh thì ông ngoại có dấu hiệu trở nặng.
Cả đêm và cả ngày, ông sốt cao liên tục không hạ, có lúc run người và ho nặng tiếng. Mẹ và các em mình đồng thời cũng nói trong người không khỏe, đau họng và sụt sịt nước mũi. Trong 4 bé nhỏ thì có hai bé, một 2 tuổi, một 11 tháng bị ho, mệt lả và bỏ ăn. Hai bé lớn, con mình thì một bé 8 tuổi, sốt nhẹ, có ho.
Dù đã tìm hiểu kỹ mọi thứ và chuẩn bị trước tinh thần ai rồi cũng có nguy cơ thành F0 nhưng khi thật sự đã là người nhà của F0 mà nhà nhiều người nữa thì dù chuẩn bị bao nhiêu cũng dễ lung lạc. Nhưng mình vẫn cố bình tĩnh, tiếp tục những việc cần làm theo khuyến cáo.
Cho đến nay, đã qua 14 ngày ông ngoại thực hiện cách ly nhưng 4 cháu trong nhà và các thành viên còn lại vẫn không ai dương tính. Bản thân ông ngoại từ dương tính cũng âm tính sau 5 lần test.
Mình không khẳng định bản thân đã làm đúng hết trong mọi khâu cần thiết nhưng có một số ít kinh nghiệm có thể mách lại cho các mẹ khi nhà có F0 mà lại nhiều trẻ nhỏ sống chung.
Việc đầu tiên phải làm: Mua sẵn 7 vật dụng không thể thiếu
Nguồn ảnh: Internet
– Khẩu trang y tế dùng 1 lần (Khẩu trang lợi hại lắm nên đừng xem nhẹ mẹ nha. Mẹ tính số lượng cần dùng cho từng người, bao gồm trẻ nhỏ và người lớn, dùng đủ từ ít nhất 2 – 3 tuần)
– Găng tay y tế (dành riêng cho người bệnh và cho người chăm sóc trong 2 – 3 tuần khi nhận và mang thức ăn, vật dụng tiếp tế).
– Nhiệt kế và máy đo nồng độ oxy trong máu: Theo kinh nghiệm của cá nhân, nhiệt kế thủy ngân vẫn tiện nhất, người lớn tuổi và dùng trẻ nhỏ đều tốt; Máy đo nồng độ oxy cho người bệnh (khi người mắc Covid cần nhất phải luôn theo dõi nồng độ oxy trong máu dù không cảm thấy quá mệt chăng nữa)
– Thùng đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm có nắp đậy và túi nylon đựng rác.
– Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: Bộ đồ ăn, uống; khăn; bàn chải; thau đựng quần áo bẩn;…
– Các thuốc đang sử dụng cho người nhà và người bệnh: Người bệnh có bệnh đang điều trị thuốc gì thì phải chuẩn bị sẵn thuốc trong ít nhất 30 ngày. Thuốc hoặc toa thuốc với người nhiễm bệnh theo đơn bác sĩ kê hoặc túi thuốc được trạm y tế lưu động cung cấp. Với người nhà, trẻ nhỏ đang dùng thuốc gì cũng phải chuẩn bị sẵn sàng. Ngoài thuốc ra, cần trữ sẵn thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ, viên bổ sung Vitamin C; bình xịt khử khuẩn riêng cho từng phòng trong gia đình.
– Các loại trái cây, thực phẩm tăng cường sức đề kháng: Chanh, cam, quýt, lê, táo, nho, gừng, sả…
Việc thứ hai: Cách ly cả trẻ chưa nhiễm bệnh
Trả lời cho câu hỏi làm sao nhà có F0 mà trẻ không bị lây nhiễm, bác sĩ Bùi Nguyễn Hoàng Long – Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế TPHCM từng cho biết, đối với trẻ chưa nhiễm bệnh, tốt nhất là nên có người thân khác đón về chăm sóc. Nếu không được điều kiện lý tưởng như vậy thì người lớn cần dạy bé thực hiện nghiêm quy định 5K để hạn chế lây nhiễm.
Về việc này, nhà mình đã làm rất nghiêm. Nhà mình không có người thân trong thành phố nhưng có phòng riêng nên đã chọn ra 2 phòng cho các bé cách ly riêng. Hai bé nhỏ ở chung một phòng. Hai bé lớn ở chung một phòng, có người lớn chưa nhiễm bệnh chăm sóc.
Nguồn ảnh: westernmassnews
Bà ngoại thì đảm nhận nấu nướng và chăm sóc cho ông ngoại và không tiếp xúc với các cháu. Thậm chí còn chia nhau giờ ăn cơm để người lớn trong nhà tránh gặp nhau vì còn phải chăm sóc cho trẻ nhỏ.
Trong suốt thời gian này, dù ở phòng riêng, các bé nhỏ trên 2 tuổi cũng phải mang khẩu trang và rửa tay liên tục.
Mỗi buổi sáng, mình cho con tập thể dục ngoài ban công của phòng riêng, đổ mồ hôi thì vào tắm rửa và thay quần áo. Hàng ngày, ngoài 3 bữa chính ra thì các bé có thêm 2 cữ nước cam, 2 bữa ăn dặm giữa buổi gồm trái cây và rong biển sấy. Đặc biệt mình kiêng luôn đồ ngọt cho cả con và cho chính mình trong thời gian này vì đây là nguồn cơn của nhiều bệnh vặt ở trẻ nhỏ.
Việc thứ ba: Người chăm trẻ cũng phải tự chăm sóc mình
Muốn nhà có F0 mà trẻ không bị lây nhiễm, không chỉ chăm cho trẻ mà người chăm sóc trẻ cũng phải giữ gìn rất cẩn thận với những việc sau:
– Khẩu trang 24/24 (trừ giờ ăn thôi, chứ ngủ chung với con mẹ cũng mang vì không biết khi nào mình trở thành F0);
– Bổ sung viên vitamin C liên tục mỗi ngày, ngày 2 lần;
– Ăn uống đủ bữa, đúng giờ, không bỏ bữa và có bổ sung thêm trái cây, rau củ quả đầy đủ để tăng đề kháng cho cơ thể; đặc biệt phải kiêng ăn đồ ngọt, đồ quá mặn và đồ dầu mỡ;
– Khử khuẩn hai tay trước khi chăm sóc bé;
– Test sau mỗi 3 ngày.
– Giữ vững tinh thần lạc quan, truyền sự lạc quan này cho mọi thành viên trong gia đình.
Mình viết hơi dài một chút, các mẹ chịu khó đọc nha. Hy vọng các mẹ sẽ đủ bình tĩnh để giữ con trong vùng an toàn khi nhà có F0 nhé!
webtretho