Nhờ Cô Vy, nhiều bạn trẻ không cần giấu bằng cử nhân đi làm công nhân: Xin hẳn vào biên chế

Ngày bình thường cầm bằng Đại học đi làm công nhân, nhiều bạn trẻ vô cùng ái ngại. Nhưng mùa dịch, các bạn đã tự tin hơn trước rất nhiều. Có lẽ đây là cơ hội hiếm hoi mà các bạn không cần giấu bằng hoặc tỏ ra xấu hổ.

Sau 4 năm học đại học ngành kế toán, chị Nguyễn Thị Hoa (23 tuổi, quê Phú Thọ) xin làm công nhân cho một công ty may ở KCN Nguyên Khê, Đông Anh (Hà Nội). Đi làm trong mùa dịch Covid-19, chị được công ty hỗ trợ ăn ở miễn phí.

Do công ty thiếu nhân sự, chị đã đăng ký làm tăng ca. Mỗi tháng thu nhập của chị từ 7-9 triệu đồng. Chị N.T.H chia sẻ: “Chưa tìm được việc phù hợp, tôi phải đi làm công nhân. Tình hình dịch bệnh kéo dài thế này, tôi chỉ cần có công việc là ổn rồi”.

Sau khi ra trường, H. vui vẻ đi làm công nhân (Ảnh: Dân Trí)

Cùng hoàn cảnh trên, chị M.T.T cử nhân ngành du lịch cũng đang làm công nhân ở KCN Quang Minh Hà Nội. Trước đó, chị M.T.T còn nhận làm nhân viên cho một công ty du lịch ở Hà Nội, dịch bùng phát công ty cho nghỉ việc.

Không xin được việc chị xuống khu công nghiệp xin làm thời vụ cho công ty điện tử. Ngày làm 8h/ngày cộng với tăng ca từ 2-3h/ngày, chị có mức thu nhập bình quân khoảng 10-12 triệu đồng/tháng.

Chị M.T.T chia sẻ: “Đồng nghiệp cùng phân xưởng của tôi có nhiều người từng là sinh viên của các trường cao đẳng, đại học. Mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng tựu chung các bạn đều khó khăn trong quá trình xin việc phù hợp với chuyên môn được học”.

Còn với chị Đ.T. Q (23 tuổi, cử nhân Quản trị kinh doanh, Đại học Thương mại Hà Nội) xác định công việc làm công nhân hơn một năm qua ở doanh nghiệp sản xuất điện tử trong KCN Bắc Thăng Long Hà Nội cũng chỉ làm tạm thời.

“Hơn một năm ra trường, tôi đã phải làm rất nhiều công việc. Tôi tạm thời đi làm công nhân để trang trải cuộc sống nhưng về lâu dài thì không ổn”, chị Q nói.

Chị Q. xác định chỉ đi làm tạm thời (Ảnh: Dân Trí)

Đánh giá về tình hình cử nhân tìm việc, anh Trịnh Đình Sơn, nhân viên một đơn vị chuyên cung ứng lao động cho nhiều doanh nghiệp ở KCN ở Bắc Ninh và KCN Bắc Thăng Long chia sẻ: “Hiện nay, các công ty đang thiếu người lao động. Khác với trước kia, giờ đây, cử nhân ra trường không cần giấu bằng cấp công ty vẫn nhận vào làm công nhân”.

Theo anh Trịnh Đình Sơn, trước kia sinh viên ra trường chủ yếu xin vào làm thời vụ. Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay do tác động của dịch Covid-19, sinh viên mới ra trường xin vào làm chính thức ở các công ty rất nhiều. Vào làm chính thức được đóng bảo hiểm xã hội, lương thưởng hấp dẫn đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều sinh viên.

Còn theo anh Trần Văn Thu (cán bộ phụ trách tuyển dụng của một đơn vị cung ứng tuyển dụng lao động Hà Nội), trước đây, nhiều công ty không thích tuyển cử nhân vào làm việc do e ngại tính chất tạm thời.

Hơn nữa, cử nhân có trình độ nhận thức tốt hơn sẽ đòi hỏi quyền lợi và “khó bảo” hơn so với lao động phổ thông.

“Nhưng nay do dịch bệnh, các công ty thiếu nhân sự nên việc chọn “đầu vào” cũng không đòi hỏi khắt khe. Cử nhân ra trường có chứng minh thư và có giấy tạm trú xác nhận đã ở 14 ngày quanh khu công nghiệp là có thể vào làm”, Anh Trần Văn Thu chia sẻ thêm.

Nhiều bạn trẻ không còn ngại ngùng khi đi xin việc (Hình minh họa: Báo Lao Động Thủ Đô)

Vậy mới thấy, kiếm tiền mùa dịch dã thật không dễ chút nào. Lúc này có việc làm, có thu nhập đã là điều may mắn nhất rồi. Chẳng ai còn quan tâm bạn học ở trường danh tiếng nào, xuất thân địa vị xã hội ra sao.

Ngoài kia, có anh giám đốc thất nghiệp đi bán vịt quay, có anh hướng dẫn viên du lịch Châu Âu lương tháng trăm triệu vẫn đồng ý đi làm phụ hồ. Có chị gái trợ lý giám đốc lương không dưới 50 triệu đi làm bảo vệ lương 5 triệu.

Vậy thì các bạn trẻ mới ra trường, cất tấm bằng cử nhân đi làm công nhân, chẳng có gì đáng xấu hổ. Tiền kiếm được do lao động chân chính, lại càng đáng tự hào.

Bây giờ tư duy, quan điểm của xã hội đã tiến bộ rất nhiều. Miệng đời hay hàng xóm vẫn bảo, nếu biết trước đi làm công nhân thì học Đại học làm gì cho phí tiền cho mẹ. T

hật ra, người có học đi làm công nhân khác với những thành phần lông bông đi làm công nhân.

Người có học sẽ có chí tiến thủ, họ có thể đi làm để lấy kinh nghiệm, hoặc trong quá trình làm nỗ lực phấn đấu lên chức quản lý hoặc cấp cao hơn, hoặc có thể công việc chỉ là tạm thời, tích lũy đủ năng lượng sẽ thay thế bằng việc khác. Nghĩa là họ luôn lo lắng cho tương lai của mình.

Còn mấy bạn trẻ lông bông, chán đời đi làm công nhân là tìm việc cho có, sống đời an phận. Dù được chỉ dạy cũng không hứng thú mà vươn lên. Với họ, hàng tháng nhận đủ lương để nuôi mình và nuôi gia đình, thế là mãn nguyện.

Suy cho cùng, việc học cao không đồng nghĩa với tương lai tốt, nó chỉ giúp con đường của bạn bớt chông gai. Muốn cải thiện cuộc sống, muốn hơn người thì phải nỗ lực, xuất phát điểm không quan trọng bằng việc cán đích. Ai bản lĩnh hơn sẽ là người chiến thắng.

Vậy nên các bạn trẻ đang thất nghiệp hãy gạt bỏ sĩ diện bản thân, hãy lao ra ngoài xã hội để lao động. Có thể lúc này bạn làm công nhân, bốc vác hay thợ xây… nhưng không có nghĩa bạn sẽ làm việc ấy cả đời. Nếu có chí vươn lên thì tương lai nhất định sẽ khấm khá.

Nguồn: Dân Trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *