Những công trình đầu tiên của Sài Thành xưa vẫn sừng sững đến tận bây giờ

Khách sạn Continental, nhà hát Thành phố, Bệnh viện Chợ Quán, Bưu điện trung tâm… là những công trình đầu tiên được xây tại vùng đất Sài Gòn Gia Định với lịch sử hơn 300 năm.

Nhà hát lớn thành phố…

Được khởi công năm 1898 và hoàn thành năm 1900, Nhà hát Thành phố mang kiến trúc Tây Âu. Các phù điêu bên trong được họa sĩ tên tuổi người Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát Pháp cuối thế kỷ XIX.

Nằm ở một vị trí thuận lợi tại trung tâm thành phố, nhà hát được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn. Đây cũng là nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Flamboyant và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố này, tọa lạc trên con đường đắt đỏ trung tâm thành phố Sài Gòn bên cạnh là hai khách sạn lớn Caravelle và Continental.


Nhà hát về đêm

Nhà hát thành phố có kiến trúc cổ kính, uy nghi với 1 tầng trệt, hai tầng lầu, 1800 ghế, không khí thoáng, hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại, là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa Balê, dân tộc, Ôpêra cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.Ngoài ra, những đêm trình diễn thời trang đã thu hút bao khách thanh lịch ở Sài Gòn và nước ngoài, đặc biệt những nhà trình diễn thời trang quốc tế cũng chọn nhà hát Thành Phố làm nơi phô diễn những kiểu quần áo đặc sắc đang được thế giới ưa chuộng. Tại đây có thể tổ chức những buổi mít tinh, kỷ niệm những ngày lễ lớn, các hội thảo chuyên đề…

Ngay từ năm 1863 đã có những đoàn hát từ Pháp sang trình diễn cho quân viễn chinh Pháp xem, lúc đầu họ trình diễn tại ngôi nhà bằng gỗ của vị Ðô Ðốc tại Công trường Ðồng Hồ (Place de L’Horloge) ở góc Nguyễn Du- Ðồng Khởi hiện nay, sau đó một nhà hát tạm được lập ở vị trí khách sạn Caravelle ngày nay. Nhà hát lớn (Nhà hát Thành phố ngày nay) được khởi công xây dựng từ năm 1898. Ðầu năm 1900, nhà hát được khánh thành trọng thể. Mặt tiền của nhà hát được trang trí bằng nhiều tượng và tượng đắp nổi (như ở tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố) theo kiểu cách kiến trúc thời bấy giờ, giữa chiến tranh thế giới lần thứ I và chiến tranh thế giới lần thứ II, để đưa các đoàn hát từ Pháp sang trình diễn, thành phố phải trợ cấp nhiều. Vì thế nhiều người đã phản đối và có ý muốn biến nhà hát thành nhà hòa nhạc (salle de concert). Mặt tiền nhà hát bị đánh giá là quá rườm rà. Dự án sửa đổi đã được đưa ra vào năm 1943, sau đó mặt tiền nhà hát được sửa chữa lại như ta thấy ngày nay, sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, do hoàn cảnh chiến tranh, nhà hát không được tu bổ nhiều.

Kiến trúc của nhà hát lớn Sài Gòn là một đối trọng về mặt kiến trúc với Nhà hát lớn Hà Nội (cất năm 1911, kiến trúc theo mẫu Opéra Garnier tại Paris, 900 chỗ ngồi, kiến trúc sư Broger et Harloy). Nhà hát Sài Gòn giữ riêng nét đặc thù có một không hai. Tác giả của tòa kiến trúc này là các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret xây dựng năm 1900 theo lối kiến trúc “flamboyant” của thời Đệ tam cộng hòa Pháp. Cửa mặt tiền chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais cất cùng năm tại Pháp. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị cho âm thanh và ánh sáng. Ngoài tầng trệt còn 2 tầng lầu tổng cộng 1800 chỗ ngồi. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua ,tuy vậy, về phần trang trí ở mặt tiền nhà hát cũng có nhiều lời chỉ trích theo phong cách Pháp (sau được trang trí thêm theo phong cách Beaux Arts, rồi giản tiện hóa kiểu Art Deco), mặt tiền nhà hát được trang trí nhiều phù điêu và tượng đắp nổi (giống như Tòa Thị chính), nên bị chỉ trích là khá rườm rà và rối rắm. Vì vậy vào năm 1943, một số chi tiết trang trí này đã bị dỡ bỏ nhằm trẻ trung hóa phong cách kiến trúc.

Vào năm 1998, nhân dịp kỷ niêm 300 thành lập Thành phố Saigon chính quyền đương thời phục hồi chức năng cũ là nhà hát thành phố cũng như đã cho phục hồi một số trang trí như tượng 2 nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, hai cây đèn… trong đợt cải tạo và nâng cấp nhà hát. Tổng kinh phí trùng tu phục chế vào khoảng 25 tỉ đồng thời giá bấy giờ.

Giữa hai cuộc Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, việc đem gánh hát từ Pháp sang đây biểu diễn hoàn toàn do sự trợ cấp của chính quyền thành phố. Tuy có dự định nơi đây sẽ trở thành một khu trung tâm giải trí dành riêng cho những nhân vật sang trọng, nhưng Nhà Hát Tây càng ngày càng mất khách, vì các tay ăn chơi bị các hộp đêm, các quán ăn có nhạc và khiêu vũ giúp vui thu hút hầu hết… Sau thời gian đầu hoạt động sôi nổi, nhà hát chỉ còn sinh hoạt cầm chừng với các buổi ca hát, hòa nhạc và cải lương. Do có nhiều chỉ trích về kiến trúc rườm rà và chi phí tổ chức tốn kém, nên chính quyền thành phố đã từng có ý định chuyển nhà hát thành nơi hòa nhạc (Salle de Concert). Tuy nhiên, ý định này đã không được thực hiện. Thay vào đó, năm 1943 phần trang trí, điêu khắc ở mặt tiền nhà hát bị xóa bỏ (tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, hai cây đèn…) nhằm trẻ trung hóa phong cách kiến trúc. Tuy nhiên, vào năm 1944, nhà hát bị phi cơ Đồng Minh oanh tạc, làm hư hại hại nặng, phải ngưng hoạt động.

Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, do hoàn cảnh chiến tranh, nhà hát không được tu bổ nhiều. Năm 1954, nơi đây được sử dụng làm nơi ở tạm trú cho các thường dân Pháp từ miền Bắc di cư vào Nam theo Hiệp định Genève năm 1954. Năm 1955, nhà hát được tu bổ cải tạo nhưng lại được sử dụng với chức năng tòa Trụ sở Quốc hội (sau gọi là Hạ nghị viện) của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Sau năm 1975, Nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diện nghệ thuật. Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh Thành phố Sài Gòn, chính quyền thành phố đã cho tu bổ lớn với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu, với một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa… được phục chế.


Toàn cảnh Nhà Hát lớn ngày nay

Continental Palace – Khách sạn đầu tiên và hoành tráng nhất Việt Nam của Sài Gòn xưa

Mark PhillipYablonka, một phóng viên chiến trường người Mỹ, đã từng “ăn dầm nằm dề” ở Việt Nam từ thời chiến tranh đến sau khi đất nước thống nhất. Khách sạn mà ông yêu thích nhất là Continental.

Ông đặt cho nơi đây biệt danh là “Grand Lady của các khách sạn ở Sài Gòn”. Ông viết thêm rằng: “Nếu những bức tường của Hotel Continental biết nói, chúng sẽ kể cho bạn rất nhiều điều”.

Thực ra các “bức tường” chỉ là một cách nói cách điệu, mà chính vì có rất nhiều nhà văn, nhà báo từng ngụ tại khách sạn này nên những điều họ chứng kiến và kể lại trong các tác phẩm hay bài viết đã khiến khách sạn này được biết đến rất nhiều, hơn bất kỳ khách sạn nào tại Sài Gòn.

Continental là khách sạn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất thành phố. Tọa lạc trên đường Đồng Khởi – kéo dài từ bờ sông Sài Gòn đến Nhà thờ Đức Bà. Đây cũng là con đường sầm uất bậc nhất thời bấy giờ, có rất đông người Pháp cư ngụ.

Khách sạn này được ông Pierre Cazeau – nhà sản xuất vật liệu xây dựng và đồ gia dụng – khởi công năm 1878 và hoàn thành sau 2 năm. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris. Đây là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp của Pháp đến công tác và là chỗ tụ hội của du khách thập phương.

Sau ngày 30/4/1975, nơi đây được đổi tên thành Hải Âu. Đến năm 1989, công trình được tu sửa và lấy lại tên cũ Continental, rộng hơn 3.400 m2, cao 3 tầng. Khách sạn từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng thế giới.

Hiện, Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần phát triển ngành du lịch TP HCM.

Bệnh viện Chợ Quán – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được xây dựng năm 1862, lấy tên là Bệnh viện Chợ Quán, do một số nhà giàu hảo tâm người Việt đóng góp xây dựng và quản lý.
Bệnh viện tọa lạc trên một khu đất rộng gần 5 hecta tại làng Chợ Quán nằm giữa Sài Gòn – Chợ Lớn, phía trước có sông Bến Nghé chảy qua (nay gọi là kênh Tàu Hủ). Đây vốn là nền cũ trạm cứu thương của thực dân Pháp khi đánh đồn Kỳ Hòa (1861). Đến năm 1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền thời bấy giờ quản lý.

Từ 1862 – 1875, bệnh viện tiếp nhận điều trị các bệnh nhân hoa liễu và người tù bị bệnh.

Tháng 3/1974 bệnh viện mang tên mới là Trung tâm Y Khoa Hàn – Việt. Sau ngày 30/4/1975 nó được gọi bằng tên cũ. Đến ngày 5/9/1989, UBND TP HCM đổi thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trực thuộc Sở Y tế đến nay.

Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn – Nét Đẹp Vắt Qua 3 Thế Kỷ

Nằm ở trung tâm thành phố, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là điểm du lịch không thể thiếu đối với du khách nước ngoài khi đến đây. Với kiến trúc độc đáo, độ thẩm mỹ cao và lịch sử 130 năm của tòa bưu điện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của khách du lịch.

Tọa lạc tại số 2, Công trường Công xã Paris, Quận 1, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.


Toàn cảnh Bưu điện trung tâm Sài Gòn – Ảnh: HQN

Là một sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Gothic, Phục hưng và của Pháp; từ ngoại thất đến đồ trang trí nội thất của tòa nhà đều mê hoặc du khách khi đến đây.

Ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, Pháp đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Năm 1860, “Sở dây thép” Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập.

Ngày 13/1/1863, Sở dây thép Sài Gòn chính thức khánh thành và phát hành “con cò” (cách gọi con tem của người bản địa) đầu tiên. Một năm sau, người Sài Gòn bắt đầu gửi thư qua nhà “dây thép” (hệ thống bưu điện).


Mặt tiền Bưu điện trung tâm Sài Gòn – Ảnh: Sunny Merindo

Bưu điện được xây dựng khoảng năm 1886 – 1891, dựa trên thiết kế của Gustave Eiffel – một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp cùng với Foulhoux trợ lý của ông.


Bưu điện trung tâm Sài Gòn ngày xưa – Ảnh: thuyngastocks

Du khách đến đây một phần là để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của tòa bưu điện, một phần để đắm mình vào thế giới cổ đại, từ các hộp bưu điện tới bốt điện thoại. Và có thể thoải mái nghỉ ngơi trên băng ghế đánh bóng bằng vecni tồn tại hàng trăm tuổi.

Hệ thống viễn thông ngày nay đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, trong giai đoạn nửa đầu của thế kỷ 20 trở đi, hệ thống bưu điện vẫn chưa được biết đến nhiều ở Sài Gòn. Đó là lý do tại sao ngay từ khi xây dựng, tòa bưu điện đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của nhân dân Sài Gòn thời đó tới bấy giờ.


Bưu điện vẫn lưu giữ 14 bốt điện thoại chia làm hai bên sảnh chính để phục vụ người dân và du khách có nhu cầu liên lạc cũng như hoài niệm về một thời đã qua. – Ảnh: rob18bie

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn ngày nay là một trong những công trình kiến ​​trúc nổi tiếng nhất trong thành phố. Và dần dần trở thành một điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Vẻ đẹp độc đáo của tòa nhà Bưu điện cùng một công trình kiến ​​trúc nguy nga, Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn với 2 tháp chuông cao vút, đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Sài Gòn.


Diện mạo mới của tòa Bưu điện TP. HCM vào tháng 1/2015. – Ảnh: Jason Pineau

Nhà thờ gần 300 tuổi cổ xưa nhất Sài Gòn

Nhà thờ Chợ Quán (20 Trần Bình Trọng, quận 5) xây lần đầu vào năm 1700 – được xem là nhà thờ có lịch sử lâu đời nhất tại Sài Gòn.

Gọi Giáo xứ Chợ Quán là một họ đạo cổ vì lịch sử họ đạo gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của Đất nuớc và có tuổi gần đến ba thế kỷ.

Khi có nhiều di dân muốn khởi nghiệp trên vùng đất mới phía Nam hoặc trốn cảnh bắt đạo, bắt lính, xâu thuế, đói kém…nhiếu giáo dân xuất xứ từ khắp nơi tề tựu lại thành Họ đạo Chợ Quán, không biết có từ thời gian nào. Chỉ biết các bô lão nói rằng: nhiều di dân có cùng nghề, cùng lòng tin, tạo nên Xóm Bột, có chợ, có nhiều lều quán nên hình thành cái tên Chợ Quán.


Toàn cảnh nhờ thờ chụp trên cao

Nhà thờ Chợ Quán (đường Trần Bình Trọng, quận 5) khi mới xây dựng có kiến ​​trúc đơn giản, chỉ gồm một nhà nguyện nhỏ và một bàn thờ bên trong. Trong vòng một thế kỷ, nhà thờ bị tàn phá do chiến tranh, loạn lạc phải xây lại nhiều lần. Đến năm 1882, trên nền đất cũ, cha Hamm quyết định cho xây nhà thờ mới khang trang, kiên cố và tồn tại đến bây giờ.

Nhiều vị mục tử nhiệt thành đã đến đây chăn dắt con chiên, từ các vị thừa sai Dòng Phanxicô đến các giáo sĩ người Việt. Các cha thừa sai gặp nhiều khó khăn gian khổ khi truyền giáo. Gian nan nhất là cha José Garcia: vừa đối phó với hành động chống lại đạo Chúa, vừa bị bão cuốn đi tất cả công trình xây dựng, lại sợ quân Chân Lạp tấn công. Chưa hết, cha José còn bị quân của Võ Vương bắt giải ra Huế, rồi trục xuất về Philippines. (Sau này cha chỉ hoạt động ờ Hà Tiên và qua đời tại đây. Điều đó nói lên sự dũng cảm đáng khâm phục của các cha thừa sai khi truyền giáo trên đất Việt).


Toàn cảnh nhờ thờ chụp trên cao

Nhà thờ chợ Quán mang kiến trúc Gothic, mái lợp ngói đỏ. Công trình này phải xây trong 14 năm mới xong cơ bản và tiếp tục được bổ sung sau này. Tổng diện tích khu đất nhà thờ khoảng 16.000 m2.

Năm 1766, có Đức Cha Piguel đến dâng lễ tại nhà thờ Chợ Quán theo nghi thức Giám mục dành cho cả giáo dân và lương dân. Dịp này có 600 người được rửa tội và 7000 người được thêm sức. Nhiều người ùn ùn kéo đến, lòng sùng mộ của giáo dân suýt nữa đưa đến một lệnh cấm đạo khác.

Và cha Joseph Marie là vị mục tử thừa sai Phanxicô sau cùng coi sóc họ đạo, kêt thúc 115 năm hoạt động truyền giáo mà Dòng Phanxicô khởi đầu tại Đàng Trong.

Trong giai đoạn này, có sự chuyển tiếp quyền quản nhiệm mục vụ giữa các thừa sai Phanxicô và linh mục bản quốc. Sau đó, Tòa Thánh chú trọng đào tạo các giáo sĩ bản xứ, để dần dần tiến tới thành lập Giáo Hội địa phương do người địa phương trông coi, gia tăng và củng cố quyền hạn của Đại Diện Tông Tòa, tổ chức lại các đơn vị cơ sở là giáo điểm và giáo xứ, đào luyện những người chuyên trách việc dạy giáo lý.


Bên trong thánh đường rộng, sơn màu vàng nhạt với các mái vòm cong, những cột đá thẳng tắp thường thấy trong nhà thờ.

Khi nhà Nguyễn lên ngôi (1802-1820) thì họ đạo Chợ Quán trãi qua thời gian thử thách lớn lao mà Giáo Hội Việt Nam cũng phải gánh chịu dưới quyền bính của nhà Nguyễn.


Mặt chính diện nhà thờ được thiết kế tinh xảo kiểu kiến trúc Gothic với các mái vòm nhọn kết nối liên tục. Phía trước cửa chính là khuôn viên rộng, trồng nhiều cây xanh.

Trong thời gian từ 1834-1859, khi vua nhà Nguyễn tỏ rõ ý chống lại đạo Công giáo thì cuộc bách hại đạo cũng bắt đấu. Họ đạo Chợ Quán không được sinh hoạt bình thường. Giáo dân vừa lo cho thân mình,vừa phải bảo vệ các cha nên phải di chuyển đây đó rất cực. Có lúc Chợ Quán không còn nhà thờ, cha phải lẫn trốn trong nhà dân,hoặc phải giả dạng người thường trong đám cưới hay đám ma, còn thánh lễ được cử hành vào ban đêm. Giáo lý do cha mẹ dạy cho con cái…nhưng các quới chức vẫn trợ giúp các cha và cộng đoàn giáo dân một cách tích cực. Khi quân Pháp xâm lăng Sài Gòn thì triếu đình nhà Nguyễn gia tăng tìm giết nguời có đạo,nhiều giáo dân Chợ Quán bị bắt đi phân sáp vào 18 thôn vườn trầu, nhưng chính những người này tạo điều kiện cho nhiều người biết đến Chúa và làm nòng cốt phát triển thành các họ đạo về sau như Hóc Môn, Bà Điểm, Tân Hưng và Chợ Cầu.


Cung thánh trang trí đơn giản nhưng trang nghiêm với bức tượng Chúa trên cây thánh giá. Toàn bộ thánh đường được thiết kế cho 1.500 giáo dân dự lễ.

Khi quyền bính chính trị lần lượt rơi vào tay người Pháp thì người Công Giáo được truyền đạo và giữ đạo tự do. Họ đạo Chợ Quán được phục hồi và phát triển về nhiều mặt, có sự trợ giúp đắc lực của các nữ tu Hội Dòng Mên Thánh Giá Chợ Quán. Niềm tin của giáo dân được củng cố, các hội đoàn được thành lập, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, truyền giáo để tăng trưởng số giáo dân, mở rộng để phát triển những họ đạo mới như Chánh Hưng, Bình Xuyên, Mai Khôi…

Với chiều dài thời gian, họ đạo đã có nhiều vị mục tử được sai đến chăm sóc và đến nay nhà thờ được xây dựng là ngôi thánh đường thứ tám, theo thứ tự các năm 1720,1727,1733,1775,1789,1793,1862 và 1896. Như thế ngôi thánh đường còn lại đến nay là nhà thờ thứ tám, do công của ba linh mục Nicolas Hamm (Tài) (1883),Jules Errand (Ý) (1887-1891) và Lucien Mossard (Mão) (1891-1898),được khánh thành vào năm Bính Thân 1896. Cha Nicolas Hamm được an táng trong nhà thờ, bên bàn thờ Đức Mẹ.

Duy Phan – 18/10/2020

Bài viết được tham khảo:
Lịch Sử Nhà Hát Lớn Sài Gòn
Continental Palace – Khách sạn đầu tiên và hoành tráng nhất Việt Nam của Sài Gòn xưa
Bệnh viện Chợ Quán – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn – Nét Đẹp Vắt Qua 3 Thế Kỷ
Nhà thờ gần 300 tuổi cổ xưa nhất Sài Gòn
VIETKINGS – Niên lịch Việt Nam (46): 123 năm Nhà thờ Giáo Xứ Chợ Quán– Nhà thờ cổ nhất Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
8 CÔNG TRÌNH ĐẦU TIÊN CỦA SÀI GÒN XƯA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *