Kể từ ngày 26.7, người dân tuyệt đối không ra đường sau 18 giờ; tất cả hoạt động trên địa bàn tạm dừng trừ trường hợp cấp cứu theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin tại cuộc họp tối nay
ẢNH: SỸ ĐÔNG
19 giờ ngày 25.7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tổ chức hội nghị mở rộng lần thứ 7 để thảo luận về các biện pháp phòng chống dịch trọng tâm trong thời gian tới. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm tại TP.HCM những ngày qua ở mức trên 4.000 ca, ngày 24.7 là 5.396 ca.
Cuộc họp theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM và 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Sau khi Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 12 vào ngày 22.7 về việc tăng cường một số biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng, UBND TP.HCM đã kịp thời có văn bản hướng dẫn trên nhiều lĩnh vực.
Ảnh minh họa
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói đây là thời khắc trọng đại của TP.HCM sau khi trải qua 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16 toàn thành phố, dù đã làm được nhiều việc nhưng vẫn còn nhiều việc chưa làm được. Hầu hết mục tiêu đề ra đều chưa đạt được nên TP.HCM cần có thêm thời gian để hạ quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị tập trung thảo luận một việc cơ bản là thực hiện những giải pháp nào để kiểm soát cho được tình hình bởi thành phố chỉ còn một con đường, nếu không kiểm soát được thì tình hình sẽ khó lường. Dù TP.HCM đã chuẩn bị cho tình huống thứ 3 nhưng đây là điều không mong muốn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các ngành, các cấp cùng nhau đem hết tâm huyết, hành động quyết liệt để mang lại kết quả cao nhất; đồng thời nhấn mạnh đây là cuộc họp mang tính chất “lịch sử”.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin một số nội dung chính của Chỉ thị 12 ngày 22.7
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Thông tin về một số biện pháp triển khai, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết kể từ ngày 26.7, người dân tuyệt đối không ra đường sau 18 giờ; tất cả hoạt động trên địa bàn tạm dừng trừ trường hợp cấp cứu theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24, tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành giãn cách xã hội tại khu dân cư, đường phố. TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, những trường hợp chống đối có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính. Đồng thời, điều tra, khởi tố các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh nếu có đủ yếu tố.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tại địa phương sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng, thờ ơ, chậm giải quyết người dân dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh. Chính quyền địa phương tập trung lực lượng siết chặt khu phong tỏa ở mức “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; và cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân, hoặc áp dụng hình thức đi chợ thay.
https://thanhnien. vn/thoi-su/tphcm-nguoi-dan-khong-ra-ngoai-tu-18-gio-den-6-gio-sang-hom-sau-ke-tu-ngay-mai-1420302.html