Chỉ vì quá tin vào lời xì xầm của dân làng mà ông cụ đã bỏ lỡ “món hời” trời ban.
“Cơ hội tốt chỉ đến một lần, nếu như để lỡ mất thì sẽ rất khó có được lần hai”. Câu nói đơn giản nhưng khá đúng đối với nhiều người. Và câu chuyện về cụ ông làm nông dưới đây sẽ là ví dụ rõ ràng nhất.
(Ảnh: loinoihay)
Một ông cụ cả đời vất vả để dành tiền giờ mua được miếng đất nhỏ xây nhà. Trong lúc đào móng, ông bất ngờ phát hiện bên dưới có một chiếc quan tài khá to màu đỏ máu. Dù đã được chôn khá lâu nhưng lớp sơn không hề hấn gì, giữa quan tài có đính một chiếc gương đồng nhìn khá sang và bí ẩn.
Nghe tin, người dân trong làng tò mò kéo đến tận nhà ông cụ để tận mắt chứng kiến chiếc quan tài lạ. Họ xì xầm bàn tán với nhau rằng việc tìm thấy một chiếc quan tài màu đỏ hay còn được gọi “huyết quan” là một điềm xui xẻo. Để hóa giải điềm xui xẻo này chỉ có cách là hủy nó đi. Thế là ông cụ vốn cả đời làm nông, ít được tiếp cận với kiến thức khoa học đã không thể giữ được chính kiến trước số đông dân làng.
Ông sợ sệt châm lửa đốt đi, trong lòng chộn rộn vừa lo lắng vừa tiếc nuối. Tuy nhiên, có lẽ vì chiếc quan tài quá xịn nên ngọn lửa cháy rất lâu mà vẫn chưa đốt hết được cỗ quan tài thành than. Một nhóm khảo cổ đã lặn lội đến tìm hiểu. Thì ra nơi chôn chiếc quan tài màu đỏ kia khá gần với một ngôi mộ cổ từ thời nhà Thanh. Bên trong ngôi mộ có rất nhiều trang sức quý giá.
Kiểm tra những tàn tích còn sót lại sau khi đốt chiếc quan tài màu đỏ, các nhà khảo cổ cho biết gỗ dùng đóng quan tài có tên là “gỗ hoàng đế”. Đây là một loại gỗ có chất lượng tuyệt đỉnh, nước không thể thấm và côn trùng không thể làm hang. Thế nên chủ nhân của chiếc quan tài kia phải xuất thân hàng quý tộc mới có thể được chôn cất bằng quan tài làm từ gỗ quý đến vậy. Giải thích về lớp sơn màu đỏ máu, có thể người bên trong qua đời khi đã được 80 tuổi trở lên nên được sơn màu đỏ “mừng thọ”.
Dù đã xảy ra từ năm 2005 nhưng chuyện này đến nay vẫn khiến người dân và giới khảo cổ Trung Quốc bàn tán không ngớt. Ở thời điểm cách đây khoảng 15 năm, chiếc quan tài mà ông lão làm nông nói trên tìm thấy được giới chuyên gia định giá khoảng 500.000 nhân dân tệ (tính ra khoảng 1,8 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Số tiền quá khủng đối với một người dân cả đời làm nông.
Tất nhiên, ông cụ đã rất tiếc nuối và suy sụp khi biết rằng mình đã tự tay hủy đi khối tài sản lớn trời ban. Chỉ vì không nhiều hiểu biết cộng với tâm lý sợ sệt, quá tin vào quan niệm lạc hậu của dân làng (đồn đại “huyết quan” là điềm xui xẻo) mà ông cụ đã bỏ lỡ cơ hội có lẽ sẽ không bao giờ đến lần hai.
Việc người dân vô tình đào được đồ có giá trị khảo cổ học trước nay không phải là hiếm. Có người tự nguyện nộp lại cho các cơ quan có thẩm quyền và được tri ân bằng những lời cảm ơn, bằng khen, những món quà mang ý nghĩa vật chất, tinh thần. Có người lại âm thầm giấu đi, bán kiếm tiền… Tùy pháp luật mỗi nước quy định mà việc sở hữu, bán lại cổ vật, hủy hoại cổ vật có bị xem là vi phạm pháp luật hay không. Cũng may cho ông cụ là thời điểm đó có lẽ chính quyền chưa truy cứu gắt gao việc ông không trình báo về chiếc quan tài mà đã hủy hoại nó đi.
Câu chuyện xa xôi từ đất nước Trung Quốc cũng ẩn chứa bài học đắt giá dành cho mỗi chúng ta. Trước những chuyện hệ trọng, dù là trong công việc, yêu đương, kết hôn, bạn bè… bạn hãy suy nghĩ thật kĩ khi đưa ra quyết định kẻo bỏ lỡ may mắn lớn trong cuộc đời mình, lúc đó dù có hối hận cỡ nào cũng không thể quay lại được.
(Nguồn thông tin tham khảo và ảnh: ETtoday)