Trên mạng xã hội, hình ảnh cụ ông khắc khổ với thân hình gầy gò và đôi mắt mù ngồi bán vé số bên lề đường Yên Ninh (Ninh Thuận) được chia sẻ rộng rãi. Biết chuyện đời của ông, nhiều người càng không thể kiềm được xúc động.
Hành nghề ăn xin hơn 60 năm qua, ông Nguyễn Văn Minh (73 tuổi, ngụ ở thị trấn Khánh Hải, H.Ninh Hải, Ninh Thuận) đã quen thuộc với cây đàn cùng những bài ca thu hút khách qua đường. Năm lên 7 tuổi, sau một trận bệnh nặng, đôi mắt của ông Minh mất đi thị lực và mọi thứ hóa thành màn đen trước mặt. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn lại thêm việc mù lòa, ông Minh lặn lội vào Sài Gòn ăn xin kiếm sống qua ngày từ năm 13 tuổi.
Cơ duyên khiến ông gắn bó với cây đàn guitar cùng những bản nhạc cũng do một người từng quen trên đường mưu sinh đã đưa ông Minh đến trường dành cho người khiếm thị. Tại đây, ông chọn học đàn để có thể mưu sinh và từ đó đời mù lòa phần nào nhẹ nhàng hơn nhờ vào tiếng guitar bập bùng bên tai.
Sau đó, ông quay lại Ninh Thuận và ôm đàn đi hát rong giữa phố phường mưu sinh. Tình cờ, ông gặp một phụ nữ có chung hoàn cảnh và từ đó nương tựa nhau để sống. Kết quả, họ có chung 5 người con (2 trai và 3 gái). Hạnh phúc gõ cửa với người đàn ông khiếm thị nhưng cũng đặt lên vai ông gánh nặng mưu sinh. Một mình, ông Minh phải nuôi 7 miệng ăn trong nhiều năm liền.
Người qua đường giúp đỡ ông Minh. (Ảnh Thanh niên)
“Suốt cả cuộc đời sống bằng nghề hành khất để nuôi 5 con trưởng thành cũng là một một kỳ tích với tôi”, ông Minh chia sẻ.
Với người bình thường, nuôi một hai con đã là cả vấn đề. Đằng này người đàn ông khiếm thị, mưu sinh bằng tiếng đàn và lòng trắc ẩn của người qua đường lại có thể gánh gồng nuôi cả nhà 7 miệng ăn trong nhiều năm liền. Phải có con, vất vả kiếm tiền nuôi từng đứa khôn lớn mới thấu hiểu nước mắt, mồ hôi của người đàn ông khiếm thị đã đổ ra trong mấy chục năm liền. Dường như hiếm có tượng đài nào đủ cao cả, thiêng liêng và đẹp đẽ bằng khoảnh khắc người cha khiếm thị hành khất nuôi các con trưởng thành.
Có con, tưởng chừng quãng đời về già của ông Minh sẽ đỡ cực nhọc phần nào. Nhưng buồn lắm, các con của ông tuy trưởng thành, ai cũng có gia đình riêng nhưng vì cuộc sống vẫn khó khăn nên không thể đỡ đần gì nhiều cho cha già. Chứng kiến cảnh ông Minh kham khổ, ngồi bên lề đường với thân hình gầy gò, đôi mắt trắng dã không nhìn thấy xung quanh, nhiều người khó lòng kiềm được nước mắt.
(Ảnh Thanh niên)
Cái khổ đã đeo bám người đàn ông này từ lúc ông mất đi thị lực, từ lúc trai tráng đến ngày da nhăn tóc bạc vẫn chưa thể ngơi nghỉ. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Đôi khi câu nói này như tiếng thở dài để mọi người chép miệng tự an ủi trước cái nghèo cái cực của số phận.
Ở tuổi xế chiều, ông Minh chọn lề đường làm nơi kiếm sống, lấy tiếng đàn vừa là công vụ mưu sinh vừa là người bạn ôm ấp xoa dịu nỗi buồn mấy thập kỷ đã qua. Nhìn vào câu chuyện của ông để một lần nữa thấy hiện lên quá đẹp về hành trình sống đối mặt nghịch cảnh, vươn lên bằng chính sức lực của mình.
Chỉ mong người làm con tự thức tỉnh bản thân, nghĩ đến công ơn dưỡng dục vất vả và tình thương lẫn hy sinh của cha mẹ nuôi mình khôn lớn. Tháng 7 âm lịch đang về, cũng là một mùa Vu Lan báo hiếu nhắc nhở bổn phận của mọi người với bậc sinh thành. Đã từng có câu chuyện khiến nhiều người nghẹn ngào về cụ bà già yếu bị con dâu và cháu nội chở đến căn nhà hoang tại Cà Mau bỏ suốt một đêm.
Nước mắt muôn đời chảy xuôi, cha mẹ nuôi con bằng tình thương lai láng đến mức đáng nể nhưng đừng để xảy ra cảnh đau lòng “con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”. Dù cuộc sống có khó khăn thế nào nhưng chỉ cần có lòng hiếu kính mẹ cha thì chắc chắn sẽ tìm được cách báo đáp, phụng dưỡng.
Nguồn tham khảo: Thanh Niên