Với bản tính cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ông Nguyễn Tấn Dũng (51 tuổi), ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã biến vùng đất đồi khô cằn thành một trang trại kinh tế tổng hợp cho thu nhập khá.
Theo chân ông Dũng, chúng tôi thăm mô hình trang trại tổng hợp rộng hơn 8ha của ông, với hệ thống chuồng trại được đầu tư quy mô, khoa học và vườn bơ xanh trĩu quả trên vùng đất đồi.
Mỗi năm, ông Nguyễn Tấn Dũng thu về hơn 800 triệu đồng từ việc nuôi heo, gà.
Cách đây hơn 20 năm về trước, ông Dũng làm nghề tài xế và kinh doanh tự do. Tuy nhiên, do đam mê ngành nông nghiệp, nên sau khi tích góp được vốn liếng, ông Dũng đã mua lại hơn 8ha đất đồi ở địa phương để làm trang trại. Trên diện tích này, những năm đầu, ông trồng keo và chăn nuôi dê, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao.
Không chấp nhận mô hình kinh tế “giậm chân tại chỗ”, ông Dũng đã đi tham quan, học hỏi nhiều nơi và thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Nhờ liên kết với một công ty chăn nuôi, ông mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi heo thịt. Ông Dũng chia sẻ: “Lúc đó, ai cũng bảo tôi tự nhiên đem tiền bỏ lên núi. Nhưng sau thời gian học hỏi, tìm hiểu nhiều nơi, tôi nhận thấy người nông dân muốn làm giàu từ chính những cây trồng, vật nuôi quen thuộc, phải biết mạnh dạn đầu tư đúng cách, đúng chỗ”.
Theo ông Dũng, khi liên kết với công ty, người chăn nuôi phải đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản; có hệ thống xử lý chất thải và khu vực nuôi phải cách xa khu dân cư… Trong thời gian nuôi, công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho trang trại.
Từ khi ký kết hợp đồng liên kết chăn nuôi, mỗi năm, trang trại của ông Dũng duy trì nuôi đều đặn khoảng 2.000 con heo thịt, trọng lượng khi xuất bán khoảng 120 – 150kg/con. Cứ 1kg heo hơi, ông Dũng được công ty trả 3.000 đồng tiền công nuôi, nếu nuôi đạt yêu cầu, tỷ lệ heo chết thấp, công ty sẽ thưởng hoa hồng. Do vậy, bình quân mỗi năm, trừ hết chi phí, ông Dũng thu về gần 500 triệu đồng từ chăn nuôi heo. Ông Dũng cho biết: “Không nên làm theo kiểu được ăn cả, ngã về không. Nếu làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ phụ thuộc vào sự biến động của thị trường, còn khi liên kết với công ty, việc của tôi chỉ cần tập trung chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi. Đây là một cách làm công, nhưng chủ động được lợi nhuận và phát triển kinh tế bền vững, lâu dài”.
Thành công với chăn nuôi heo thịt, ông Dũng tiếp tục liên kết với công ty mở rộng sang chăn nuôi gà thương phẩm. Mỗi năm, ông thả nuôi 4 lứa, mỗi lứa 15.000 con. Theo tính toán của ông, với mức tiền công mà công ty trả từ 8 – 12 nghìn đồng/con, mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 400 triệu đồng.
Ngoài 2ha đất đồi làm khu vực trại chăn nuôi heo, gà, hiện ông Dũng đã cải tạo phần diện tích đất đồi còn lại của gia đình trồng hơn 5ha keo lai và gần 150 gốc cây bơ. Bằng ý chí quyết tâm phát triển kinh tế trang trại theo mô hình liên kết chăn nuôi, đã giúp ông Dũng thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
“Ông Dũng là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền của địa phương. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho 4 lao động trong và ngoài địa phương, với mức thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng, mà ông còn nhiệt tình hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật, giúp đỡ nông dân địa phương vươn lên phát triển kinh tế”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mộ Đức Nguyễn Nữ Hoàng Anh cho biết.