Với việc đề xuất cấm xe máy và thay vào phát triển toàn bộ vận tải hành khách công cộng sẽ giảm tải được vấn nạn kẹt xe cũng như ô nhiễm môi trường.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM chia sẻ: ‘Xe máy là kẻ chiếm đường của TP. Do đó không nên xem xe máy là phương tiện giao thông nữa, cần loại ra khỏi “danh bộ” các loại xe được chạy trên đường. Chúng ta đừng nói bằng mỹ từ kiểm soát xe máy nữa mà phải nói thẳng là cấm.
Thủ phạm chính gây ra tắc nghẽn giao thông là xe máy. Xe buýt cũng không thể hoạt động được là do xe máy quá đông đúc. Cạnh đó, xe máy hoạt động rất cá nhân, nghĩa là không tuân theo luật giao thông và hành xử y như một con ngựa sắt chạy rông’.
Để có thể cấm xe máy một cách toàn diện ông còn cho biết trước mắt phải phát triển xe buýt, bởi không thể cấm xe máy nếu người dân không có phương tiện để thay thế.
Hiện nay xe máy là phương tiện giao thông phổ biến, lề đường đến vỉa hè của TP bị chiếm dụng tới 93% bởi xe máy. Theo thống kê ước tính TP có đến 7,4 triệu chiếc xe máy đang được hoạt động mỗi ngày.
Phản bác về đề xuất của PGS-TS Phạm Xuân Mai, ThS Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT cho biết: ‘không thể cấm xe máy vì xe máy mang lại lợi ích kinh tế-xã hội cho từng cá nhân, cộng đồng. Điều đó càng thể hiện rõ trong bối cảnh xe buýt chưa thật sự phát triển như mong muốn; metro chưa hình thành hệ thống; BRT, tramway mới ở dạng dự án, ý tưởng…
Để hạn chế xe máy, nên áp dụng các biện pháp kinh tế, tổ chức giao thông, kỹ thuật là chính. Ví dụ, nên áp dụng cho xe máy đi vào các tuyến đường theo ngày chẵn lẻ; theo biển số chẵn lẻ; thu phí xe cá nhân, xe máy vào các khu vực thường kẹt xe, khu vực trung tâm TP; thu phí đỗ xe thật cao ở khu vực trung tâm…
Song song với hạn chế xe máy, xe cá nhân thì phải phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng. Thậm chí các loại hình này phải đi trước một bước rồi mới hạn chế xe máy, xe cá nhân… Cạnh đó, từ hạn chế đến cấm xe máy, xe cá nhân thì phải có thời gian 16-20 năm, thậm chí là lâu hơn nữa. Không thể nói cấm thì mai cấm liền!’.
Ông Hà Ngọc Trường, Ủy viên Liên hiệp Các hội KH&KT TP.HCM, đưa ra bảy nhóm giải pháp trong đó đáng chú ý nhất là:
Tổ chức quản lý các loại xe máy đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe (COE) để hạn chế việc gia tăng phương tiện xe máy.
Hạn chế xe máy chạy theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố chính, khu vực đã có xe buýt, metro đáp ứng được nhu cầu đi lại của dân.
Cần đưa ra quy định niên hạn sử dụng xe máy và kiểm tra, loại bỏ những xe đã hết “date” mà vẫn lưu thông trên đường.
Ban hành lộ trình đến năm 2030 đi từ hạn chế đến cấm xe máy từ trung tâm lan ra đến ngoại ô để đến sau năm 2030 thì loại hẳn xe máy làm phương tiện đi lại ở TP…
https://sinhvienplus .vn/pgs-ts-pham-xuan-mai-de-xuat-cam-xe-may-vi-day-la-ke-chiem-duong-nen-khong-duoc-xem-la-phuong-tien-giao-thong