“Quán nửa khuya” phút hàn huyên tâm sự của 2 người tri kỉ đã tạo nên một tuyệt tác để đời

Nhạc sĩ Tuấn Khanh tên thật là Trần Trọng Ngọc sinh năm 1933 tại Nam Định. Sau năm 1950 ông về Hà Nội sống cùng với người anh cả và cũng từ đây ông được tiếp xúc với âm nhạc.

Anh của ông đã dạy cho ông bộ môn vĩ cầm. Năm 1953 ông đạt giải nhất của Đài phát thanh Hà Nội về giọng hát. Sau năm 1955 ông tản cư vào Sài Gòn và làm việc tại Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây ông đã gặp gỡ nhạc sĩ Hoài Linh. Hai người đã hợp tác chung trong 1 số tác phẩm : Quán nửa khuya, Hai kỉ niệm một chuyến đi.

Sự bất ngờ ở đây là nhạc sĩ Tuấn Khanh lúc bấy giờ chỉ nổi tiếng với dòng nhạc tiền chiến như : Hoa soan bên thềm cũ, Chiếc lá cuối cùng….. vậy mà giờ lại hợp tác sáng tác nhạc bolero trữ tình. Theo tiết lộ của nhạc sĩ Tuấn Khanh thì ông chỉ viết phần nhạc, còn phần lời hoàn toàn do nhạc sĩ Hoài Linh viết dựa trên ý tưởng của ông.

Ra đời năm 1960 “Quán nửa khuya” cũng khá thành công dưới ngòi bút của nhạc sĩ Hoài Linh đã thể hiện đầy đủ nội dung mà nhạc sĩ Tuấn Khanh muốn truyền tải đến cho người nghe. Nói về ca khúc nhạc sĩ Tuấn Khanh có kể rằng : hồi ông còn ở quê có 1 quán cà phê nhỏ ở chợ Ô Mễ (Thái Bình) thường mở cửa đến 2 giờ sáng, nên được gọi là quán nửa khuya. Quán bán cà phê và cháo gà, khách đến với quán thường là những người lính từ chiến khu được nghỉ phép về thăm gia đình. Họ thường hẹn bạn bè ra quán này để hàn huyên tâm sự.

Thời điểm đó những câu chuyện nói về chủ đề tản cư hay hồi cư đều phải kín kẽ, sợ tai vách mạch rừng ảnh hưởng đến bản thân. Nhưng ở quán này vấn đề đó được nói tự do mà không sợ có người nghe lén. Nhớ về quãng thời gian ấy ngày nào nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng băng qua cánh đồng từ quán trở về nhà lúc 2 giờ sáng.


Toàn bộ ca khúc là cuộc hàn huyên tâm sự giữa 2 người bạn với nhau. Họ kể cho nhau nghe về tất cả những chuyện đã xảy ra kể từ ngày chia tay dưới mái trường. Ra trường mỗi đưa 1 phương “Tôi là người tha hương đi bốn phương / Anh là người quân nhân vui gió sương” mỗi người 1 công việc, 1 thân phận nhưng khi gặp nhau họ chỉ là những người bạn thân thiết, thoải mái tâm sự, thoải mái nói chuyện “câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay”. 

Sau câu chuyện về công việc thì họ chuyển qua hỏi han nhau về cuộc sống và về chuyện đời tư. Từ ngày “gót chân in ngàn muôn lối sông hồ”  thì những cuộc tình cũng bắt đầu nảy nở nhưng “Hoa nào mà không phôi pha sắc hương?Ân tình nào mà không gây vấn vương?” hoa nào nở rồi cũng phải tàn cũng giống trải qua biết bao cuộc tình nhưng giờ cũng chẳng đến đâu. Hai người thoải mái kể cho nhau nghe về những cuộc tình mà họ đã từng trải qua.

Sau khi trút hết bầu tâm sự thì trời cũng đã gần sáng, đôi bạn đành chia tay nhau trong bùi ngùi, luyến tiếc “Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé/Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về/Siết chặt tay để ghi phút phân kỳ tiễn người đi.”. Tôi và anh mỗi chúng ta lại trở về với thân phận và cuộc sống hiện tại “Sa trường anh lại đi vui gió sương/Sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương” nhưng trong lòng mỗi người sẽ luôn nhớ mãi về những phút giấy hiếm hoi mà mình đã gặp nhau ngày hôm nay. Chúc anh nơi sa trường luôn bằng an, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ cho mảnh đất quê hương mình.

Phù Sa
27/11/2020 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *