Thỉnh thoảng chị Thanh Nga lại đưa mẹ đi vi vu nước ngoài, qua Ấn Độ hay bay sang Mỹ chơi giải khuây tuổi già.
Mẹ chồng ở quê sợ sui gia khinh thường
Chị Hoàng Thị Thanh Nga (41 tuổi) – chủ tịch một thương hiệu kim cương nổi tiếng ở Quận 10, TP HCM đã về làm dâu bà Nguyễn Thị Mến (71 tuổi) được 15 năm.
Ngày đầu chị Nga về ra mắt, bà Mến ấn tượng bởi nước da trắng ngần, sự nhỏ nhẹ, dễ mến của cô con dâu tương lai. Sinh ra trong gia đình khá giả ở Sài Gòn, chị Nga sống trong nhung lụa từ nhỏ. Được bố mẹ cưng chiều nên cho tới tận lúc lấy chồng, chị Nga thừa nhận bản thân vẫn chưa biết nấu trọn vẹn nổi bữa cơm.
Ngược lại, bà Mến quê ở Cai Lậy, Tiền Giang, nhà đi mướn, quanh năm chỉ bám đồng áng, vườn tược. Gặp cô con dâu thành phố, bà e dè, chạnh lòng ít nhiều khi gia cảnh hai bên không tương xứng.
“Tôi người ở quê, con mình có học, cưới dâu cũng có học, mà ở thành phố nữa. Tôi nghĩ không biết sui gia rồi cô dâu bên đó có khinh thường gì không. Nhưng hạnh phúc của con mình, chuyện gì cũng phải cố gắng, miễn làm sao cho con hạnh phúc là được”, bà Mến tâm sự.
Nuôi 4 đứa con học đại học, gia đình bà Mến phải ở nhà thuê chật hẹp. Mỗi tháng, người mẹ nghèo tốn hơn 1 cây vàng, chạy vạy làng xóm để gửi tiền ăn học cho 4 đứa con trên thành phố.
Ngày con trai cả cưới con dâu đầu tiên, bà mẹ ở quê không có tiền mua nổi đôi dép. Thậm chí của còn không cho nổi con dâu 1 chỉ vàng bởi tiền đóng học cho con vẫn nợ để đó. Còn chị Nga ngày về làm dâu thấy mẹ chồng hiền nhưng lại nghiêm, có vẻ khó tính. Nhưng chính đức tính chịu thương chịu khó của mẹ chồng lại khiến chị rất nể.
Dâu được cưng chiều, không bao giờ phải làm bếp
15 năm, có hai đứa con đủ cả nếp tẻ, lại là doanh nhân điều hành một hãng kim cương lớn, công việc bận rộn khiến chị Nga không thể chăm sóc chu toàn việc gia đình.
Song bà Mến không trách mà lại rất hiểu và thương con dâu, thường xuyên lên trông nom các cháu giúp con và trông coi cả bên chỗ công ty chị Nga. Gần chục năm qua, chị Nga không bao giờ phải xuống bếp mổ gà, mổ cá, đến khoảng sân ở nhà rộng 100 mét vuông, bà Mến cũng tự tay quét, không để con dâu phải cầm chổi.
“Mẹ không bao giờ để em phải động tay nhổ lông gà, làm con cá gì hết. Mẹ vẫn trêu bảo: Tay con đẹp lắm, đừng có làm gì hết trơn.
Ngày Tết mẹ cũng làm hết, cái gì cũng làm sẵn. Mình về chơi, thấy cái sân mẹ quét không một cọng lá rụng, thấy cũng áy náy”, chị Nga thủ thỉ.
Bà Mến chiều con nhưng cũng rất nghiêm khắc. Cả hai mẹ con từng có quãng thời gian xa cách vì không đồng nhất cách dạy dỗ con cháu.
“Lúc đó con mình còn nhỏ, vợ chồng đi nước ngoài, em bé mới có 1-2 tuổi mấy, chắc cũng quậy hay gì đó. Bà nội thương nhưng không chiều đâu mà dạy dỗ con luôn, uốn nắn liền.
Hôm mình về, nghe kể là bà la cháu dữ lắm. Mình tự ái lắm, sao lại đi la con của mình, con mình ngoan như vậy. Đợt đó, cũng khó chịu 1 thời gian, ít nói chuyện lại với mẹ”, chị Nga nói.
Tuy giận là vậy nhưng chị Nga cũng nhanh quên, hai mẹ con lại vui vẻ, hòa thuận. Thấy mẹ làm việc vất vả, thỉnh thoảng chị lại đưa mẹ đi mua sắm quần áo, vi vu nước ngoài, qua tận đất Phật ở Ấn Độ hay bay sang Mỹ.
Nhờ có mẹ chồng quán xuyến việc nhà cửa, công việc chị Nga ngày càng làm ăn phát đạt. Kỷ niệm 15 năm về làm dâu, chị Nga tặng mẹ chồng chiếc nhẫn kim cương “khủng”.
“Thật sự rất là thương mẹ, không biết nói gì hơn vì mẹ giống như tấm gương, thương con cháu vô bờ bến. Mẹ không cho tiền cho bạc gì đâu nhưng mẹ quan tâm từng cái tí xíu mình xúc động ghê lắm…”, chị Nga hạnh phúc.
Nguồn: Mẹ chồng nàng dâu, Ảnh: FBNV