Số ca mắc COVID-19 đợt dịch này đã gần 10.000, thay đổi chiến lược chống dịch thế nào?

Số ca COVID-19 đã tăng nhanh trong đợt dịch thứ 4 (tính từ 27-4 đến nay), với số mắc trong gần một tháng rưỡi qua cao hơn gấp đôi so với thời gian gần một năm rưỡi (từ tháng 1-2020 đến tháng 4-2021). Có cần thay đổi chiến lược chống dịch?

Tính đến tối nay 9-6, tổng số ca mắc COVID-19 ghi nhận được tại Việt Nam tính từ đầu mùa dịch là 9.565 ca, trong đó riêng từ 27-4 đến nay là 6.384 ca. Trong gần một tháng rưỡi, số mắc liên tục lập các “kỷ lục”, số địa phương ghi nhận ca bệnh lên tới 38 tỉnh thành, trong đó có nhiều tỉnh thành có hàng ngàn ca mắc, phải phong tỏa nhiều nhà máy, công sở, làng xóm.

Ảnh minh hoạ

Bộ Y tế phải lập 2 bộ phận thường trực chống dịch cùng lúc tại Bắc Giang và Bắc Ninh, với 2 thứ trưởng thường trực chủ trì chống dịch cùng địa phương, đây là điều chưa bao giờ xảy ra trong các đợt dịch trước.

Theo nhận định của các bác sĩ, chủng virus gây bệnh đợt này (chủng Ấn Độ) cũng làm bệnh tiến triển xấu nhanh, đã có những ca tử vong ở người trẻ, không có bệnh nền.

Vắc xin trước hết

Trong nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6-2021 vừa ban hành tối 8-6, lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc chiến lược chống dịch mới với vai trò của “vắc xin” trước “5K” và sau đó là đẩy mạnh các biện pháp công nghệ, mục tiêu chống dịch là sức khỏe của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong đợt dịch này, Hà Nội không giãn cách, nhưng kể từ khi ghi nhận chùm ca bệnh tại Công ty T&T và Times City, các quán cà phê, quán ăn, hàng trà đá… đã phải ngưng nhận khách dùng tại chỗ, chỉ cho bán mang đi.

Tình trạng này đã kéo dài hơn 2 tuần, chưa rõ thời điểm mở lại bình thường và dù không bị yêu cầu đóng cửa, hầu hết nhà hàng, cà phê đều đóng cửa vì bán mang đi không đủ doanh thu để duy trì.

Ảnh minh hoạ

Đây là đợt đóng cửa thứ 2 của ngành dịch vụ ăn uống tính từ đầu năm và nhiều người, nhiều ngành dịch vụ hiện đã kiệt quệ. Nếu không “tấn công dịch” như yêu cầu của Thủ tướng, mà thủ thế dịch đến thì ngăn cộng với 5K, thỉnh thoảng dịch vụ ăn uống, trường học, phòng gym, rạp chiếu phim, địa điểm du lịch, bệnh viện… lại phải đóng cửa.

Vì thế, vắc xin lần này đã được đưa lên trước biện pháp 5K. Nhưng khó một điểm là hiện vắc xin về rất chậm và tỉ lệ tiêm chủng mới đạt 2% dân số có chỉ định tiêm ngừa (theo con số báo cáo ngày 9-6 của Bộ Y tế). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết “vắc xin về đến đâu sẽ tiêm hết đến đó”, nhưng tiến độ tiêm được đánh giá là chậm.

Muốn đạt miễn dịch cộng đồng, tỉ lệ được tiêm ngừa phải đạt 70%. Nguồn vắc xin thì rất bị động bởi nhu cầu thế giới tăng cao, Việt Nam chỉ có thể hy vọng nếu sớm có vắc xin nội địa, chủ động nguồn vắc xin tiêm ngừa. Có hy vọng khi vắc xin nội có thể được đăng ký lưu hành vào đầu quý 4 tới.

Thay đổi như thế nào?

Hôm 28-5, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn thực hiện cách ly F1 tại nhà thí điểm ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Đây sẽ là hình thức được áp dụng nếu xảy ra ổ dịch lớn tại khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, số lượng người phải cách ly lớn, với yêu cầu chỉ áp dụng tại các vùng có giãn cách/cách ly xã hội, hộ gia đình có đủ điều kiện để cách ly, nơi cách ly có biển cảnh báo…

Ảnh minh hoạ

Đợt dịch đầu năm nay (kéo dài nhất tại Hải Dương), nông sản của Hải Dương ế thừa phải kêu gọi giải cứu, nhưng đợt dịch này tại Bắc Giang là nóng nhất, lại xảy ra đúng mùa vải chín, nhưng Bắc Giang vẫn bán vải thiều với giá không giảm nhiều so với năm 2020, vải thiều vẫn đều đặn đi các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu, không phải kêu gọi “giải cứu”.

Đó là nhờ cách làm rất năng động của Bắc Giang. “Chúng tôi vẫn đưa vải đi các tỉnh thành đều, không vướng mắc ngày nào, nhà nào có người diện F1 có dán chữ chú ý ở cửa, huyện sẽ khoanh vùng, giao hàng xóm đi bán vải giúp, nhà ai không có người F1 thì thôn có chứng nhận cho mỗi gia đình một người đi bán vải” – chủ điểm cân vải Cương Hoài tại Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết.

Chủ điểm cân này cũng cho biết dù đang mùa dịch nhưng ngày nào điểm cân này cũng có 2 xe 15 tấn/xe đi TP.HCM. “Chúng tôi không có vải ế, những xe tải nhỏ chở vải đi chợ nội đia muốn đắt hàng dán chữ giải cứu, nhưng về đến Lục Ngạn chính quyền huyện yêu cầu bóc hết vì vải vẫn bán bình thường, không có ế” – chủ điểm cân cho biết.

Ảnh minh hoạ

Ông Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – chia sẻ trong 2 đợt dịch gần đây, Hà Nội đã xét nghiệm nhanh hơn, rộng hơn để đánh giá nguy cơ, sau khi có kết quả xét nghiệm thì phong tỏa chặt nhưng quy mô phong tỏa hẹp, như vậy vẫn đảm bảo phong tỏa để phòng dịch nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.

“Thực hiện 5K lúc nào cũng tốt, bên cạnh tiêm vắc xin và áp dụng các biện pháp công nghệ, khai báo y tế…” – ông Phu nói.

Nguồn: https://tuoitre. vn/so-ca-mac-covid-19-gan-10-000-thay-doi-chien-luoc-chong-dich-the-nao-20210609193125101.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *