Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lo ngại việc phải ra vào bệnh viện. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến số ca bệnh sốt xuất huyết nặng gia tăng.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, từ tháng 7 -8 đã có bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Tình trạng các ca bệnh năm nay nặng hơn các năm trước vì người bệnh sợ Covid-19 không đến khám.
Rất nhiều bệnh nhân ở nhà tự điều trị, chỉ khi nặng hơn, tiểu cầu giảm nhiều mới được người nhà đưa vào viện cấp cứu.
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết mà chỉ có phương án chữa trị là theo dõi, giảm nhẹ triệu chứng, chăm sóc tốt cho người bệnh. Để điều trị đúng, tránh biến chứng nặng, bạn cần nắm các triệu chứng lâm sàng của bệnh trong từng giai đoạn.
Thời kỳ ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh thông thường sẽ kéo dài 3 – 14 ngày, dài hay ngắn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Ở thời kỳ này rất khó để nhận biết sốt xuất huyết vì thường không có triệu chứng hoặc có nhưng rất mờ nhạt.
Khởi phát
Ở thời kỳ này bệnh nhân sẽ có cảm giác mệt mỏi, đau nhức ê ẩm khắp toàn thân, đau các khớp rồi sau đó là sốt cao đột ngột.
Khi sốt nhiệt độ cơ thể tăng nhanh đến 39 – 40 độ C kèm các biểu hiện như chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy bụng, đau vùng thượng vị và hạ sườn phải, có khi có cảm giác đau sau hố mắt hoặc đau vùng trán.
Ở trẻ em có thể có biểu hiện co giật khi sốt cao. Thường thì trẻ sẽ sốt liên tục trong 2 – 7 ngày nhưng cũng có trẻ sốt qua 2 pha, sốt 1 – 2 ngày đầu sau đó cắt sốt vào ngày 3 – 4 rồi lại sốt vào ngày 5 – 6.
Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn này thường xảy ra từ ngày thứ 3 – 7 sau khi sốt. Bệnh diễn biến nặng hay không tùy thuộc vào mỗi người. Nếu thấy có những triệu chứng này thì nên tới bệnh viện ngay:
– Xuất huyết dưới da rải rác ở mặt trước cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi hay mạng sườn.
– Chảy máu mũi, lợi, đi tiểu ra máu (biểu hiện của xuất huyết niêm mạc) với phụ nữ thì kinh nguyệt có thể kéo dài hoặc có sớm.
– Xuất huyết nội tạng nếu bệnh diễn biến nặng hơn.
– Tràn dịch màng phổi, màng bụng khiến da bị căng, phù nề mí mắt và gan to (nguyên nhân là tăng tính thấm thành mạch do thoát huyết tương).
– Bứt rứt, khó chịu, tím tái lạnh các đầu chi, mạch nhỏ khó phát hiện cũng do ảnh hưởng từ việc thoát huyết tương.
– Cơn đau bụng từng đợt và có xu hướng tăng lên.
– Nôn nhiều hơn.
– Lượng nước tiểu giảm và người bệnh trở nên lừ đừ.
Đối với trẻ em, nếu sốt liên tục trên 39 độ C trong 2 ngày đầu thì cần thăm khám ngay.
Bác sĩ Hương khuyến cáo cách phòng dịch sốt xuất huyết hiệu quả nhất là người dân ngủ màn, diệt loang quăng bọ gậy, đến viện sớm và không chủ quan.
Nguồn: https://phunutoday.vn/so-ca-sot-xuat-huyet-nang-gia-tang-vi-nhieu-nguoi-so-covid-19-khong-di-kham-mach-ban-cach-nhan-biet-som-nhat-d303706.html