Kể từ khi xuất hiện đến nay, Omicron đã tạo nên một làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những ngày gần đây, biến chủng nguy hiểm này còn được ghi nhận nhiều ở bệnh nhi – nhóm đối tượng có sức đề kháng thấp.
Số trẻ em nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ tăng cao. (Ảnh: CNBC)
Số ca nhập viện của các bệnh nhi nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục ở Mỹ
CNBC đăng tải, từ dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ có thể thấy, hiện nay biến chủng Omicron đang ngày càng khiến cho nhiều trẻ em nhập viện hơn, thậm chí còn gần đạt đến mức kỷ lục. Mỗi ngày, nước Mỹ có hơn 370 trẻ em nhập viện. Nếu so với dữ liệu từ tuần trước, con số này đã tăng 66%.
Bên cạnh đó, theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), chỉ trong vòng 7 ngày (tính từ 17/12/2021 đến 23/12/2021), nước Mỹ đã có gần 199.000 trẻ em nhiễm Covid-19. Đáng nói, số bệnh nhân dưới 17 tuổi nhập viện liên quan đến Covid-19 trung bình trong vòng 7 ngày từ 21/12/2021 đến 28/12/2021 là 378 ca/ngày. Đây là mức kỉ lục, thậm chí còn vượt qua cả biến chủng Delta.
Bên trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Nature)
Tốc độ lây lan khủng khiếp của Omicron cũng khiến cho nhiều người không khỏi lo ngại. Bởi qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đã nhận thấy rằng biến chủng mới này nhân bản với tốc độ nhanh hơn 70 lần ở phế quản so với Delta.
Tuy nhiên, chia sẻ với AFP, nhà bệnh lý học tại Bệnh viện Nhi khoa Texas, Jim Versalovic nói: “Dựa trên những dữ liệu chúng tôi đã thu thập cho đến nay, Omicron không làm tăng tỷ lệ ca bệnh diễn biến nặng, nhưng đang lây nhiễm cho nhiều trẻ em hơn. Và do vậy, chúng ta đang chứng kiến nhiều trẻ em nhập viện vì Covid-19 hơn”.
Nhiều trẻ em tại Mỹ phải nhập viện vì liên quan đến Covid-19. (Ảnh: MSN)
Bên cạnh đó, ông Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh rằng: “Nhiều trẻ em nhập viện có liên quan tới Covid-19, chứ không phải vì Covid-19. Vì vậy có thể xảy ra trường hợp một bệnh nhi nhiễm cùng lúc nhiều bệnh, phải nhập viện, chứ không phải mắc Covid-19 là nguyên do chính của việc nhập viện.”
Nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho một em nhỏ. (Ảnh: Reuters)
Đẩy mạnh công tác tiêm vaccine cho trẻ em
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều quốc gia đã phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo mọi thành viên trong một gia đình nên đi tiêm vaccine, bởi người lớn cũng có khả năng lây virus cho con cái.
Ông Henry Bernstein, bác sĩ nhi khoa tại hệ thống bệnh viện Northwell Health ở New York nhấn mạnh: “Không còn thời gian để trì hoãn việc tiêm vaccine”. Ngày 30/12/2021 vừa qua, CDC Mỹ cũng đã đưa ra báo cáo về tác dụng phụ của vaccine ở nhóm tuổi 5-11. Dự kiến những tháng tới, quốc gia này sẽ cấp phép tiêm vaccine cho trẻ từ 0-5 tuổi.
Nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh công tác tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em. (Ảnh: The New York Times)
Lưu ý khi điều trị F0 trẻ em tại nhà
Hiện nay, tại Việt Nam cũng có rất nhiều trẻ nhỏ mắc Covid-19. Nhiều em đủ điều kiện được tự cách ly, điều trị tại nhà. Trong khoảng thời gian này, các bậc phụ huynh cũng cần phải có những hiểu biết cơ bản để chăm sóc F0 trẻ em. Nhờ đó mới có thể giúp con thoải mái, không bị diễn tiến bệnh nặng.
Trong đợt dịch vừa qua, nhiều trẻ em đã bị ảnh hưởng vì Covid-19. (Ảnh: VOV)
Cụ thể, chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh (Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo, tất cả các bậc phụ huynh khi chăm con mắc Covid-19 phải luôn để ý, theo dõi kĩ lưỡng biểu hiện sức khoẻ của trẻ. Nếu thấy bé bú kém, nôn ói, không tỉnh táo, khó thở, co giật, sốt cao, đỏ mắt… thì rất có thể bệnh của trẻ đã diễn tiến đến thể nặng.
Ngoài việc theo dõi dấu hiệu bệnh, cha mẹ cũng phải cập nhật thường xuyên các chỉ số sức khoẻ cho con, ví như nhịp thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp và SpO2 (nếu có). Trong trường hợp, nhịp thở của trẻ trên 40 lần/phút (với nhóm 1-5 tuổi) và trên 30 lần/phút (với nhóm 5-12 tuổi), SpO2 dưới 95% (ở tất cả nhóm tuổi) phải báo ngay cho nhân viên y tế để có thể xử lý kịp thời, tránh tình huống xấu nhất xảy ra.
Cha mẹ nên thường xuyên đo sức khoẻ cho con. (Ảnh: Sức Khoẻ Gia Đình)
Trong trường hợp bé có dấu hiệu sốt cao (trên 38,5 độ C), mẹ nên cho con uống thuốc hạ sốt theo liều lượng nhà sản xuất quy định. Để đảm bảo an toàn nhất, các bậc phụ huynh có thể xin ý kiến trước từ nhân viên y tế hoặc các chuyên gia. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cha mẹ cũng nên bổ sung thật nhiều nước và điện giải cho con.
Đồng thời để bé mặc những trang phục rộng rãi, khô thoáng, thường xuyên làm vệ sinh mũi họng sạch sẽ. Nếu được, trẻ cũng có thể tập thể dục những bài vận động đơn giản, nhẹ nhàng. Bác sĩ Ninh khuyến cáo thêm: “Cha mẹ cần bình tĩnh để có thể hỗ trợ tâm lý, động viên và trấn an tinh thần cho con”.
Trẻ em đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn sức khoẻ, phòng tránh Covid-19. (Ảnh: Sức Khoẻ và Đời Sống)
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất khó lường. Vì vậy, không chỉ trẻ em mà tất cả mọi người đều phải chủ động bảo vệ sức khoẻ bản thân, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng ngừa Covid-19.
Nguồn: https://www.yan.vn/so-tre-nhap-vien-vi-omicron-tang-nhanh-bo-me-luu-y-khi-cham-con-la-f0-287562.html