Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Dương lịch, bước sang năm 2022. Bằng giờ này các năm trước, mọi người đang rục rịch chuẩn bị về quê ăn Tết hoặc háo hức tổng kết thành quả làm được sau 1 năm. Thế nhưng, năm nay lại khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều thứ trầm lắng đi khá nhiều.
Bên cạnh đó cũng có không ít người vẫn đang loay hoay vì sau nhiều năm xa quê, làm lụng vất vả mà chẳng dư ra đồng nào, nhìn lại mới thấy mình chưa sở hữu tài sản đáng giá gì trong tay.
Nhịp sống hối hả, tất bật ở Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Niên)
Nhiều năm bám trụ Sài Gòn, làm hoài mà vẫn trắng tay
Chia sẻ với chúng tôi, bạn G.B. (25 tuổi, quê Nghệ An, ngụ quận 4, TP.HCM) cho biết, cô bạn sống ở Sài Gòn từ khi lên đại học, đến nay đã 7 năm. Dù có công việc ổn định, lương đủ lo cho bản thân, thỉnh thoảng biếu bố mẹ nhưng B. chưa tiết kiệm được khoản nào.
“Với số tiền kiếm được, mình cũng từng lên kế hoạch, nhẩm tính mỗi tháng phải để ra được từ 3-5 triệu đồng, nhưng chẳng hiểu sao đi làm đã 3 năm mà đến mua máy tính, điện thoại mình vẫn phải trả góp”, B. nói và cho biết thêm hiện cô đang ở nhà thuê. Dù không quá túng thiếu nhưng nếu chẳng may cần một khoản tiền lớn thì không biết lấy ở đâu.
“Tiền nhà, tiền điện nước, sinh hoạt, chi tiêu,… rất nhiều khoản luôn, chưa kể còn các khoản hiếu, hỉ phát sinh. Nếu tình trạng làm hoài mà vẫn chẳng dư thế này kéo dài có khi sang năm mình về quê, ở nhà kiểu gì chi phí cũng đỡ hơn”.
Ship hàng là công việc làm thêm nhiều người chọn lựa. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Trong khi đó, bạn Q.A. (26 tuổi, nhân viên văn phòng, quê Cà Mau, hiện đang trú tại Thủ Đức) tâm sự, cô nhận ra rằng một phần nguyên nhân khiến cô không dư tiền là do thói quen mua sắm online quá tay: “Đợt dịch vừa qua mình gần như không có thu nhập, khoản tiền phòng thân cũng chỉ đủ tiêu hơn 1 tháng là hết, sau đấy mình phải nhờ chi viện từ anh trai, ngại lắm nhưng không biết phải làm sao.”
Hình ảnh sinh viên háo hức về quê ăn Tết những năm trước. (Ảnh: VOV)
Tương tự, anh D.C. (28 tuổi, quê Kiên Giang, trú tại huyện Nhà Bè) cho biết, suốt 8 năm ở Sài Gòn anh đã làm đủ việc từ buôn bán, chạy bàn, đến cả shipper… Vất vả là vậy nhưng vừa qua, khi cần mua một chiếc xe máy mới để phục vụ công việc anh mới giật mình nhận ra mình không có khoản tiết kiệm nào.
“Nghĩ mà buồn, mình cũng chịu khó làm chứ có lười biếng gì đâu. Hơi xui chút thôi nên buôn bán mới lụi bại. Hiện tôi đang chạy xe ôm công nghệ và shipper, thu nhập mỗi ngày cũng ổn nhưng chẳng hiểu sao ráo mồ hôi là hết tiền. Có lẽ là bởi giá cả bây giờ leo thang dữ quá, cái gì cũng đắt”, anh C. thở dài.
Chuyên gia gửi lời khuyên
Nói về câu chuyện người trẻ thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy túi”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp, giảng dạy tại Trường ĐH Văn Lang TP.HCM nêu quan điểm trên báo Thanh Niên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, trong đó phần lớn là do các bạn trẻ phóng khoáng quá đà với các dịch vụ, nhu cầu cá nhân.
Cũng chính vì tâm lý này mà nhiều người sẵn sàng nợ tín dụng ở mức từ vài triệu đến hàng chục triệu mỗi tháng và bỏ qua việc dự phòng tài chính.
Ngoài ra, thạc sĩ Điệp còn nhắc đến sự phát triển công nghệ, nhất là các app mua sắm khiến người trẻ Việt dù lên kế hoạch khá tốt nhưng lại hạn chế kĩ năng quản lý chi tiêu cá nhân: “Giới trẻ dù làm việc quần quật cả năm nhưng cuối cùng vẫn không dư đồng nào, tài khoản tiết kiệm gần như bằng 0, đơn giản vì họ bị chi phối và cuốn theo những thứ rất hấp dẫn của xã hội hiện đại”, thạc sĩ nói.
Chân dung thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp. (Ảnh: Thanh Niên)
Từ đó, nữ thạc sĩ gửi lời khuyên chúng ta nên hạn chế suy nghĩ “vừa làm, vừa hưởng thụ thì cuộc đời mới vui vì đời người chỉ có một lần”. Đồng thời, các bạn trẻ nên thiết lập nhật ký chi tiêu và dừng việc chọn mua sắm là cách để giải tỏa căng thẳng.
“Thay vì tiêu tiền, giới trẻ nên tham gia đầu tư sớm, bởi đầu tư cần thời gian. Nếu có tư duy quản lý tài chính và đầu tư ngay từ khi kiếm được những đồng lương đầu tiên, giới trẻ chắc chắn sẽ an nhàn khi hưu trí. Chỉ cần tư duy nhạy bén và biết cách nắm bắt mọi cơ hội tiềm năng, chắc chắn mỗi năm các bạn trẻ sẽ có một khoản tiền tiết kiệm trong khả năng của bản thân”, thạc sĩ Điệp nhắn nhủ.
Mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó, vì thế thay vì than vãn tại sao làm quần quật cả năm mà vẫn không dư đồng nào, chúng ta nên xem lại chính mình để điều chỉnh nhé!
Nguồn: https://www.yan.vn/noi-long-nguoi-tre-cuoi-nam-van-chang-co-tien-du-ca-nam-lam-cham-chi-285807.html?fbclid=IwAR3HqDPKLb-UsAYKG_a21g8XSiUz0cfxuvxSYnRNM05JAlplp6hJxQlXpt8