Làn sóng dịch thứ 4 này chắc không cần phải nói nữa ai cũng cảm nhận nó ảnh hưởng đến từng nhà, từng người rồi. TP. HCM bùng phát chưa từng có, đại djch đã cướp đi người thân, sự sống của rất nhiều người.
Sáng nay, mình vừa đọc được trên báo đưa tin về trường hợp một người phụ nữ qua đời tại nhà trọ khi đang được yêu cầu cách ly để chờ kết quả chính thức. Chẳng biết tới bao giờ, chúng ta mới thôi không còn phải chứng kiến những điều đau lòng như vậy nữa.
Được yêu cầu cách ly tại nhà sau khi có kết quả test nhanh dương tính, người phụ nữ qua đời ở phòng trọ
Báo chí đưa tin: Ngày 10/8, công an thị xã Tân Uyên phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đang làm rõ nguyên nhân qua đời của bà N.N.N (48 tuổi, quê ở Kiên giang). Người này đang thuê trọ tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên. Ngày 7/8, bà N có kết quả test nhanh dương tính với nCoV.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn ở Bình Dương. Ảnh: Internet
Sau đó, bà N được yêu cầu về cách ly ở phòng trọ. 2 hôm sau, bà được lấy mẫu xét nghiệm PCR. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm khẳng định, tới ngày 10/8 bà N có triệu chứng khó thở rồi qua đời.
Lực lượng chức năng đã đến nhà trọ của bà N phun khử khuẩn, xác minh và làm rõ vụ việc.
Theo Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp cho biết: tới 20h30 ngày 10/8, địa phương vẫn chưa nhận được kết quả khẳng định PCR của bà N. Chính quyền đang hỗ trợ hoàn tất thủ tục để lo hậu sự cho bà.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo BS. Trương Hữu Khanh (BV Nhi đồng 1, TP. HCM) cho biết, nếu bạn dương tính hoặc là F0 mà chưa kịp tới bệnh viện thì hãy nhớ những việc sau:
+ Giữ bình tĩnh, không hoảng loạn. Bởi sự hoảng loạn có thể làm bạn bị tâm lý, dễ gây khó thở. Đồng thời, việc bình tĩnh còn giúp đánh giá chính xác tình hình sức khỏe cũng như yếu tố nguy cơ của bản thân để có cách xử lý phù hợp.
+ Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người nhà.
+ Ở riêng một căn phòng, không chung chạ với người nhà.
+ Không ăn chung, ngủ chung, sinh hoạt chung, nếu được thì không sử dụng nhà vệ sinh chung. Nếu dùng nhà vệ sinh chung thì phải vệ sinh rồi chờ một lúc người tiếp theo mới vào.
+ Nếu là người trẻ, khỏe không bị béo phì, mắc bệnh nền thì thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Bình tĩnh sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị đi cách ly.
+ Uống nhiều nước, cố gắng ăn nhiều nếu bị mất khứu giác, vị giác; ngủ đủ giấc và đặc biệt phải giữ vệ sinh sạch sẽ.
Đặc biệt, khi có những dấu hiệu sau, cần phải liên hệ ngay cho nhân viên y tế:
Khó thở: khi bạn đang nằm ngửa thấy khó thở quá phải ngồi dậy hay đang ngồi phải ngồi thẳng dậy để dễ thở hơn.
Nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút.Đau hoặc tức ngực thường xuyên.Nếu có thiết bị đo SPO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) hãy chú ý khi nó xuống dưới 95%.F0 không còn tỉnh táo.Môi, da, móng tay nhợt nhạt, thậm chí là tím tái.
Nếu thực hiện nghiêm túc thì chỉ tầm 8 – 10 ngày là bệnh sẽ lui dần. Nếu đang nằm ngửa thở dễ mà khó thở, hoặc đang ngồi mà cảm thấy khó thở, tự nhiên thấy ngộp thở, choáng váng thì có thể bệnh đã trở nặng, phải gọi bác sĩ ngay. Tuy nhiên, đó cũng có thể là vì bạn quá hoảng loạn. Lúc này, hãy tập thở hít từ từ bằng mũi cho tới khi bụng phình lên rồi thở từ từ ra cho tới khi xẹp bụng xuống. Làm như vậy tầm 15 – 20 nhịp.
+ Với người trên 65 tuổi, có bệnh nền là F0 thì phải liên hệ ngay với cơ quan y tế. Nếu chưa đi được thì cũng nên ăn uống, nghỉ ngơi, tập thở như trên. Nhưng nếu không tập thờ được thì nên nằm xuống để cơ thể được nghỉ ngơi.
Bình Dương hiện đang là vùng dịch lớn thứ 2 cả nước với số ca nhiễm là gần 33.000. Mấy ngày liên tiếp, địa phương này đều ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm trở lên, có những hôm còn hơn 3.000 ca nhiễm.
Hôm 5/8, chủ tịch tỉnh Bình Dương dự báo số ca nhiễm có thể tăng lên 30.000 ca trong 2 tuần tới. Thế nhưng, số ca nhiễm chạm mốc nhanh hơn chỉ sau 4 ngày.
Ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn đặt ra thách thức lớn với năng lực y tế của tỉnh.
Hiện nay, Bình Dương có 16 cơ sở điều trị F0 với hơn 17.000 giường hoạt động theo mô hình ‘tháp 3 tầng’. Bình Dương cũng đang được 32 đoàn y bác sĩ từ các nơi chi viện. Năng lực xét nghiệm đạt mức 25.000 mẫu đơn PCR/ngày (tương đương với 250.000 mẫu gộp 10).
Bình Dương thực hiện chia địa bàn thành 3 vùng để dập dịch. Những ‘vùng đỏ’ gồm Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một đang được chính quyền tập trung lực lượng để khoanh vùng, tăng tốc xét nghiệm.
Những ‘vùng vàng’ được tỉnh chỉ đạo nhanh chóng làm sạch F0 để chuyển sang vùng an toàn như Bến Cát, Bàu Bàng. Còn lại là ‘vùng xanh’ được yêu cầu quyết tâm giữ vững làm vùng đệm cho các địa phương phía Nam.
Bình Dương là tỉnh tiếp giáp với TP. HCM với 2,5 triệu dân. Đây là một trong những trung tâm công nghiệp lớn phía Nam với 50.000 doanh nghiệp và hơn 1,2 triệu công nhân. Nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy, xí nghiệp cũng là yếu tố khiến mầm bệnh dễ dàng xâm nhập và tạo thành các ổ dịch lớn. Điều này cũng gây thêm khó khăn cho Bình Dương khi tiến hành dập dịch.
Nguồn: Tổng hợp
Webtretho (https://www.webtretho.com/f/benh-thuong-gap/test-nhanh-duong-tinh-nguoi-phu-nu-48t-dang-o-nha-cho-ket-qua-pcr-thi-qua-doi-thay-kho-tho)
Tham khảo: https://tuoitre.vn/nguoi-phu-nu-nghi-mac-covid-19-tu-vong-khi-cho-ket-qua-pcr-2021081018102602.htm