Suốt nhiều năm nay thầy Nguyễn Đức Nghĩa, Phó trưởng bộ môn Giải phẫu, ĐH Y Hà Nội vẫn lên lớp chỉ với một hộp phấn màu không mang theo laptop chứa bài giảng điện tử, nhưng vẫn có thể biến môn học khó nhằn trở nên trực quan, dễ nhớ.
Thời gian gần đây thầy Nghĩa bỗng được nhiều sinh viên ngành y biết đến qua mạng xã hội. Thầy Nghĩa chia sẻ “phương pháp giáo dục của mình có hơi cổ, vì nhiều giáo viên trong thời gian gần đây đã liên tục ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các bài giảng”. Tuy nhiên việc vẫn theo phong cách giảng dạy “cổ truyền” của thầy Nghĩa lại có những lý do rất hợp lý.
Trong suốt 20 năm giảng dạy thầy Nghĩa từng thử qua nhiều phương pháp giảng dạy, nhưng thầy nhận ra, một bài giảng dù được thiết kế đẹp và cầu kỳ đến đâu, nếu không có kỹ năng truyền tải tốt thì cũng không mang lại hiệu quả tiếp nhận cao.
Bên cạnh đó, với bộ môn giải phẫu “giảng viên cứ chiếu slide và nói liên tục; học sinh lại vội vã chép vào vở, thậm chí là dùng smartphone để chụp lại bài giảng nhưng về nhà không mở ra đọc. Rốt cuộc, kiến thức thu về cũng chẳng được bao nhiêu.
Bài giảng vốn kéo dài 4 tiết thì giờ đây, thầy cô chỉ cần hơn 2 tiết là đã có thể xong bài. Khoảng thời gian còn lại sẽ rất lãng phí trong khi người học cần được giảng giải nhiều hơn”.
Để sinh viên dễ hình dung hơn, thầy Nghĩa còn đầu tư mua phấn màu xịn, bám bảng, không dễ gẫy vụn. “Đôi khi, một viên phấn loại tốt có thể đắt gấp đôi hộp phấn thông thường, nhưng tôi nghĩ đó cũng là đầu tư có ích trên “con đường ăn chơi” trong giảng dạy”.
Thầy nghĩa cũng cho biết chính vì cách dậy giảng đến đâu, vẽ đến đó mất thời gian hơn, nên đôi khi thầy cũng bị “cháy giáo án”. Chính cách dạy đặc biệt này, đã khiến nhiều sinh viên ra trường nhiều năm vẫn nhớ tới những bài giảng và nhớ tới tên thầy Nghĩa.
Nguồn: Vietnamnet