Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế tối 17-7 cho biết thêm 1.612 ca mắc COVID-19, trong đó TP.HCM vẫn nhiều nhất với 1.017 ca. Trong ngày ghi nhận tổng số 3.718 ca.
Theo Bộ Y tế, trong 13 giờ qua (từ 6h đến 19h ngày 17-7) có 1.612 ca mắc mới (bệnh nhân 46293-47904), trong đó có 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1.600 ca ghi nhận trong nước tại 25 tỉnh thành.
Ảnh minh hoạ
Cụ thể, TP.HCM nhiều nhất với 1.017 ca, Đồng Tháp (139), Long An (134), Khánh Hòa (78), Đồng Nai (64), Đà Nẵng (33), Phú Yên (30), Bà Rịa – Vũng Tàu (23), Trà Vinh (15), Hưng Yên (13), Hà Nội (13), Gia Lai (5), Bình Thuận (5), An Giang (5), Hà Nam (5), Đắk Nông (4), Hải Phòng (3), Bình Phước (3), Quảng Ngãi (3), Bắc Ninh (2), Cần Thơ (2), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Ninh Thuận (1), Vĩnh Phúc (1); trong đó 1.279 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Trong ngày có 292 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi từ đầu mùa dịch là 10.312 ca.
Như vậy, gần 24 giờ qua (từ 18h30 ngày 16-7 đến 19h ngày 17-7), Việt Nam ghi nhận 3.718 ca mắc mới, trong đó có 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 3.705 ca ghi nhận trong nước. TP.HCM nhiều nhất với 2.786 ca, Đồng Tháp 180 ca, Long An 134 ca, Bình Dương 124 ca…
Ảnh minh hoạ
Với 1.612 ca mới này, số ca COVID-19 cả nước tính từ đầu dịch là 47.904 bệnh nhân, trong đó có 45.884 ca ghi nhận trong nước và 2.020 ca nhập cảnh. Riêng số ca mắc mới từ ngày 27-4 đến nay là 44.314, trong đó có 7.538 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế sẽ điều 2.000 máy thở cho TP.HCM
Sáng cùng ngày, Bộ Y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho TP.HCM để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Song song đó, bộ cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.
Đồng thời, bộ trưởng Bộ Y tế giao trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM và giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (hiện cũng là giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM) để có thể phân bổ trang thiết bị cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và các địa phương trong khu vực.
Ảnh minh hoạ
Để chủ động nguồn cung cấp trang thiết bị, vật tư tiêu hao, trong đó có oxy, chiều cùng ngày Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng các lãnh đạo Bộ Y tế đã họp với các nhà sản xuất, cung ứng oxy để nghe báo cáo và thảo luận về việc cung ứng oxy trong thời gian tới khi dịch bệnh gia tăng.
Chi viện đội ngũ y tế cho miền Nam
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 15-7, TP.HCM đã đón 24 đoàn công tác đến từ sở y tế các tỉnh, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện thuộc bộ, ngành và 11 trường cao đẳng, đại học với tổng cộng 4.473 người hỗ trợ TP trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trong số này có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên.
Bên cạnh các bệnh viện, sở y tế, còn có hơn 30 lãnh đạo các vụ, cục, viện, trường trực thuộc Bộ Y tế được điều động bổ sung cho bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, trực tiếp hỗ trợ TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của TP.HCM triển khai các hoạt động chống dịch.
Hiện Bộ Y tế đang duy trì hoạt động 7 đoàn công tác hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Các tỉnh này còn nhận được sự chi viện từ các bệnh viện tuyến trung ương và sở y tế các địa phương.
Ảnh minh hoạ
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo sẽ huy động 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành miền Nam.
Phát huy vai trò y tế cơ sở trong cách ly F0 tại nhà
TP.HCM đã bắt đầu thí điểm cách ly tại nhà các trường hợp F0, F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trả lời với TTXVN, cho biết việc thực hiện cho bệnh nhân cách ly tại nhà sẽ giúp gần gũi với gia đình, giảm bớt gánh nặng tâm lý. Đồng thời, những người đang ở khu cách ly tập trung sẽ có điều kiện được chăm sóc tốt hơn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của ngành y tế các địa phương sẽ có thêm nguồn dư để luôn sẵn sàng tiếp nhận, thu dung những bệnh nhân mới. Gánh nặng chăm sóc bệnh nhân với đội ngũ nhân lực y tế làm việc ở khu cách ly y tế, các bệnh viện, khu trung tâm hồi sức cũng được giảm tải.
Theo Thứ trưởng Trường Sơn, khó khăn của TP.HCM cũng như các địa phương khác khi đưa những trường hợp F0 xuất viện trở về theo dõi tại nhà là gánh nặng cho hệ thống y tế cơ sở. “Đối với mỗi địa phương, chúng tôi yêu cầu phải có sự theo dõi của hệ thống y tế cơ sở, các nhân viên y tế sẽ thăm hỏi, kiểm tra các trường hợp F0 mắc COVID-19 đã được đưa về nhà để theo dõi”, ông Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, hệ thống liên lạc thông qua đường dây nóng, qua hệ thống công nghệ giúp kiểm soát và phát hiện được các triệu chứng bất thường một cách nhanh nhất, từ đó tiếp tục theo dõi quá trình điều trị có thể không phải tại nhà, mà tại một cơ sở y tế phù hợp nhất. Đây là những khó khăn mà TP.HCM phải vượt qua để đảm bảo việc áp dụng thành công cách ly F0 tại nhà.
Từ ngày 15-7, TP.HCM đã bắt đầu thí điểm áp dụng đối với một số trường hợp cách ly F1 tại nhà sau thời gian cách ly tập trung, cũng như một số trường hợp cách ly F0 tại nhà. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ theo dõi, hỗ trợ kịp thời cho TP.HCM không chỉ trong công tác thực tiễn mà có thể điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình dịch trong thời gian tới để đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM thành công.
Nguồn: https://tuoitre.vn/toi-17-7-tp-hcm-co-1-017-ca-covid-19-moi-292-benh-nhan-khoi-benh-202107140620253.htm