Một người mẹ vì quá thương con nên nuông chiều cả những sở thích vô lý để rồi ai nghe câu chuyện cũng phải tức giận.
“Cháu ơi, cháu ơi”, tiếng của người phụ nữ cũng tầm tuổi mẹ tôi đang gõ ngoài cửa.
Kéo cửa lên thấy một bác cũng tầm ngoài 50 rồi, bác bảo đi khắp cả đoạn đường còn mỗi quán này mở cửa (vì cũng khá khuya rồi).
“Cháu bán cho bác cái điện thoại tầm 3 đến 4 triệu, nhưng phải là Iphone gì đó cháu nhá”.
Tôi cũng hơi thắc mắc vì mấy người già thường thì ít ai hỏi Iphone lắm. Hỏi ra bác mới nói là mua cho con trai, vì nó thi trượt cấp 3 chính quy, giờ phải mua cho nó để nó chịu đi học bổ túc.
Hôm nay 31/8 rồi mới đi mua được cho nó. Tiền cũng phải đi vay vì chưa đến lương, nhưng sợ nó dỗi nó không đi học nên nay phải đi mua ngay đêm nay, mai tập trung rồi. Tự nhiên thấy bác ấy kể mà nghe cay cú thật, chẳng hiểu lớp trẻ giờ nghĩ gì nữa.
Ngày xưa bản thân mình ba mẹ nghèo muốn cho nghỉ học để đi làm mà vẫn thuyết phục bằng được để xin đi học rồi đi làm thêm.
Cố gắng cầm cái bằng cấp ba rồi xin đi thoát ly. Chỉ mong thành công để cho bố mẹ biết là mình làm được.
Vậy mà giờ có những cái trường hợp, không mua xe máy cho thì bỏ học. Còn có những quả đòi tự tử luôn. Chẳng hiểu bây giờ chúng nó nghĩ cái gì nữa luôn mọi người ạ…”.
Đây là lời tâm sự của một chủ cửa hàng điện thoại trên mạng xã hội. Đêm khuya, người mẹ gọi cửa và muốn mua chiếc điện thoại cho con trai. Đọc xong câu chuyện ai cũng bức xúc. Cậu con trai thành tích học tập kém, phải đi học bổ túc nhưng vẫn đòi điện thoại. Nếu bố mẹ không mua cho thì chẳng chịu tập trung.
Học hết cấp 2 đã 15 tuổi nhưng dường như cậu bé này vẫn chưa có những suy nghĩ trưởng thành, biết thương bố mẹ và lo lắng cho chính bản thân mình.
Tuy vậy, dân mạng cũng nhận ra rằng cách chiều con của người mẹ đã quá sai lầm. Đáng lẽ, mẹ nên nghiêm khắc dạy bảo con thì bà lại chọn chiều chuộng. Bây giờ con trai đòi điện thoại nhưng lớn hơn chút lại đòi xe máy, đòi những thứ đắt đỏ hơn thì sao.
Vậy mới nói, dạy con đừng bao giờ chiều chuộng quá mức. Đôi khi, sự chiều đó không phải là cách thương mà là hại con và hại cả chính phụ huynh.