Nghe công ty thông báo nghỉ Tết Dương lịch 3 ngày, tôi vội vàng đặt vé máy bay, háo hức soạn đồ đạc để chuẩn bị về quê.
Hơn 4 tháng ở trong phòng trọ khi TP.HCM giãn cách xã hội vì tình hình cô vy phức tạp, mỗi ngày bố mẹ đều gọi vào hỏi thăm tình hình với giọng điệu vô cùng lo lắng, sợ con bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân da diết nên tôi luôn ước ao được về nhà, bên cạnh bố mẹ, ông bà. Vì vậy tranh thủ những ngày được nghỉ, tôi liền lên kế hoạch về quê ở miền Trung để gặp gỡ gia đình.
Vừa soạn quần áo vào valy, tôi vừa nhắn tin khoe với mẹ vì đặt được vé khứ hồi giá rẻ. Mẹ hỏi sao trước khi muốn về lại không báo với ai, tôi bảo muốn để cho cả nhà cảm thấy bất ngờ. Một hồi lâu sau, tôi nhận được tin nhắn của mẹ,
“Mẹ và bố rất nhớ con, cũng mong sớm gặp con. Gần nhà mình lúc trước cũng có người từ thành phố về, trong đó có một số trường hợp nhiễm bệnh và lây cho người nhà, buộc cả nhà phải đi cách ly tập trung. Bố mẹ nếu có bị gì thì đi cách ly tập trung cũng không lo, nhưng nhà mình còn ông bà nội cao tuổi, nếu có vấn đề gì thì bố mẹ không biết lo liệu ra sao, rồi các bác lại nói bố mẹ không chăm sóc tốt cho ông bà. Con chịu khó ở lại thành phố đón năm mới lần này, nếu tình hình ổn hơn thì Tết Nguyên đán này hãy về con nhé. Ở lại thành phố, cần ăn món gì ở quê, con nhắn để mẹ bảo bố mang ra nhà xe gửi vào cho con”.
Các bạn sinh viên về quê đón Tết Nguyên đán – Ảnh: VNE
Đọc tin nhắn của mẹ, tôi thất thần buông điện thoại, nằm vật ra giường. Nỗi nhớ nhà khiến tôi lên kế hoạch về quê mà không suy nghĩ đến những chuyện khác, như việc hàng xóm sẽ có cái nhìn không thiện cảm đối với người ở thành phố về vì họ nghĩ có thể mang cô vy về quê, rồi xa lánh cả gia đình, mẹ tôi đi chợ cũng sẽ ngại khi các bà cứ bàn tán xung quanh. Rồi ông bà nội, bố mẹ tôi, đều là những người lớn tuổi, mang trong người những bệnh của người già, nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì khó mà lường trước được các triệu chứng xảy ra. Cảm thấy bản thân quá vội vã, chỉ nghĩ cho niềm vui của mình mà quên đi sức khỏe của người thân trong gia đình.
Ở TP.HCM trong những tháng cô vy diễn biến phức tạp, tôi đã chứng kiến nhiều điều quá xót xa, những con hẻm được rào chắn, những ngôi nhà bị giăng dây, nhiều gia đình trong một khu phố cùng đi cách ly tập trung, những gia đình không còn mẹ, không còn cha, không còn ông bà và cũng có những gia đình không còn con, cháu, ra đi vì cô vy. Đối với nhiều gia đình, còn khỏe mạnh, còn đông đủ để có thể sum vầy trong những bữa cơm đã là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Trải qua thời điểm khó khăn, tôi thấy mình vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn công việc để mưu sinh nơi thành phố, đó cũng là một may mắn so với nhiều người.
Ở lại thành phố để đón năm mới, xa gia đình trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì có buồn đó, nhưng tôi nghĩ đó là điều tốt khi người thân được an toàn, khỏe mạnh.
Tôi còn trẻ, còn nhiều dịp để về nhà, nhiều dịp lễ trong năm, không về dịp này thì sắp xếp về dịp khác.
Tôi lẳng lặng hủy vé máy bay, lấy đồ trong valy xếp vào tủ, băn khoăn chưa biết có nên đặt vé trước cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán này.
Sau một hồi phân vân, tôi quyết định đợi đến gần đó, khi bố mẹ báo tình hình ở nhà rồi đặt cũng không muộn, có gì thì chịu đón một cái Tết xa nhà, dù là lần đầu tiên, buồn nhưng an toàn là được.
Ảnh phải: Mọi người mua sắm để trang trí Tết cho gia đình – Ảnh: Baotintuc
Tôi nhắn vài dòng cho mẹ yên tâm, nghỉ Tết Tây có 3 ngày, về nhà thì cũng hơi cập rập, ở lại thành phố cho đỡ đi lại vất vả, có gì Tết Nguyên đán con dành trọn 9 ngày cho gia đình.
Sau khi thuyết phục mẹ là tôi không buồn khi chưa được về, tôi nhắn cho một số bạn bè, hỏi xem bạn nào sẽ ở thành phố đón Tết Dương lịch, để có thể hẹn nhau gặp mặt, han huyên tâm sự để vơi đi nỗi buồn khi đón tết xa nhà.
Một năm có quá nhiều biến động, cô vy đã khiến cho cuộc sống nhiều người đảo lộn, có đau thương, mất mát nhưng cũng có những sự sẻ chia đến ấm lòng.
Năm nay còn khỏe mạnh đã là một niềm hạnh phúc lớn, qua năm sau cùng nhau cố gắng làm việc để có thể gon góp những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống, manh hạnh phúc đến với gia đình./.
webtretho