TP.HCM: Một nhân viên y tế gánh trên vai 17.000 người, nỗ lực hết mình để “quét sạch” dịch Sau 5 tháng dịch đầy ám ảnh, các nhân viên y

Sau 5 tháng dịch đầy ám ảnh, các nhân viên y tế cơ sở vẫn đang “gồng” mình để hỗ trợ sức khỏe cho bà con.

Trong những ngày qua, số người nhiễm Covid-19 tại TP.HCM đang tăng dần, mỗi ngày ghi nhận trên 1.000 ca mắc mới. Trước bối cảnh này, ngành y tế cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng, thế nhưng lực lượng “áo trắng” cũng gặp không ít khó khăn, áp lực.

 Nhân viên y tế phường chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nhân viên y tế phường chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tuổi Trẻ đưa tin, Bình Chánh đang là khu vực có tỉ lệ nhiễm Covid-19 cao. Trong đó, xã Vĩnh Lộc A là nơi đông dân cư nhất với 170.000 người, đồng nghĩa với việc chăm sóc sức khỏe của bà con sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhân lực tại các trạm y tế tại khu vực này thì lại rất ít.

Theo bác sĩ Phan Thanh Tùng – Trưởng Trạm y tế Vĩnh Lộc A cho biết, đơn vị này chỉ có 10 người gồm 1 bác sĩ và 9 nhân viên (hộ sinh, điều dưỡng,…). Như vậy, cứ mỗi nhân viên y tế phải chăm sóc sức khỏe cho khoảng 17.000 bà con. Mặc dù tháng 11 không còn là cao điểm dịch nhưng có những ngày, nhân viên của trạm phải hỗ trợ tiếp nhận tới 300 bệnh nhân mắc Covid-19.

 Một nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ. (Ảnh: Thanh Niên)
Một nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ. (Ảnh: Thanh Niên)

Từ công tác tiêm chủng mở rộng, khám lao, điều trị ‘bệnh thế kỷ’, chăm sóc người già… Rồi trong đỉnh dịch khó khăn nhất là thiếu nhân sự lấy mẫu, điều tra dịch tễ, tiêm chủng vaccine. Và để đáp ứng nhu cầu của người dân, một người choàng nhiều công việc khác nhau, không khác gì một bác sĩ đa khoa ở bệnh viện” – vị trưởng trạm y tế chia sẻ.

Người này cũng cho biết, hơn 6 tháng qua, 10 nhân viên (bao gồm cả trạm trưởng) đều chưa được về nhà. Thậm chí có cả cặp 2 vợ chồng cùng công tác tại đơn vị, nhiều tháng không được gặp con. Vì mục tiêu chống dịch, họ chung sống với nhau, cùng ăn uống, sinh hoạt tại chỗ và “ôm nỗi nhớ” gia đình.

Điều dưỡng Lại Thị Trúc tâm sự: “Lúc mang chiếc balô quần áo đi chống dịch, con còn chưa biết đi, sau 6 tháng xa cách cũng là lúc con chập chững đi vững nhưng không có cha mẹ bên cạnh. Mỗi lần về nhà, mua sữa cho con, vợ chồng tôi chỉ dám để trước cửa nhà nhìn con, rồi lại lẳng lặng đi. Xa lâu quá rồi, con không nhận ra mẹ nữa“.

Không kém gì đội ngũ y bác sĩ tại Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A, “chiến binh áo trắng” làm việc ở phường Đông Hưng Thuận (Quận 7) cũng gặp nhiều khó khăn. Được biết, phường này có hơn 30.000 cư dân nên 7 nhân viên y tế gồm bác sĩ và điều dưỡng làm việc ngày đêm. Thậm chí, khi trở thành F0 nhưng có tải lượng virus thấp, họ vẫn phải đi làm để hướng tới mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài áp lực về nhân sự, nhiều bác sĩ hoặc điều dưỡng làm việc tại trạm y tế phường hoặc xã đôi khi còn cảm thấy bất lực. Cụ thể, chị Nguyễn Phương Liên – Trưởng Trạm y tế phường 4 (Quận 3) tâm sự rằng, nhiều khi thấy bệnh nhân nguy kịch, nhân viên của trạm muốn cứu chữa ngay nhưng chuyên môn hạn chế, thuốc men và thiết bị không đầy đủ. Trước tình huống đó, họ buộc lòng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, trong tâm trí thì lo lắng không ngừng.

 Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bà con trên địa bàn quận, huyện. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM)
Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bà con trên địa bàn quận, huyện. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM)

TP.HCM đã trở về với cuộc sống “bình thường”, thế nhưng, ngành y tế thành phố vẫn đang nỗ lực làm việc, hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Họ chưa được “ăn ngon ngủ yên”, hi sinh để mọi người có cuộc sống bình yên hơn. Bởi vậy, hi vọng mọi người sẽ ý thức tự chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, thực hiện đúng quy định 5K như khuyến cáo của Bộ Y tế.

Nguồn: https://www.yan.vn/tphcm-da-binh-thuong-moi-nhieu-nhan-vien-y-te-van-chua-duoc-gap-con-283854.html?fbclid=IwAR1-halxzSEFYKkJTHJkBy4WGd5w1-Cj72by2IQpYAhmjjnK4ESx2nURk1g

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *