Tình hình nCoV diễn biến phức tạp, cùng với đó là các khu chợ tự phát phải tạm ngưng hoạt động, một số chợ truyền thống cũng tạm đóng cửa vì liên quan ca nhiễm dẫn đến sự thay đổi thói quen đi chợ của người dân thành phố, ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống. Giá cả của nhiều mặt hàng đã có sự biến động khiến không ít chị em nội trợ đắn đo suy nghĩ để cân đối bữa ăn gia đình giữa mùa nCoV.
Thông tin cụ thể, theo Zing, TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động chợ đầu mối Hóc Môn 7 ngày và tạm ngưng một số gian hàng trong chợ đầu mối Bình Điền. Nhiều chợ truyền thống liên quan đến ca nhiễm nCoV như: Hòa Hưng (quận 10), chợ Thái Bình (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 6), Phạm Thế Hiển (quận 8), Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), Sơn Kỳ (quận Tân Phú)… cũng đã tạm ngưng kinh doanh vì liên quan đến các ca nhiễm nCoV.
Người dân TP.HCM đi chợ trong bối cảnh tình hình nCoV có diễn biến phức tạp – Ảnh: Zing
Ngày 28/6, tại một số chợ truyền thống như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), Xóm Chiếu (quận 4)… lượng khách hàng đến chợ giảm mạnh so với trước. Theo ghi nhận, giá các loại thịt tại chợ giữ mức ổn định, tuy nhiên mặt hàng rau, củ quả lại tăng giá mạnh.
Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 20.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6; dưa leo lên 30.000-35.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; đậu cove giá 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; rau mùng tơi 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt 25.000-30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg…
Trong khi đó, thịt heo tại chợ có giá ổn định, sườn non 150.000-170.000 đồng/kg, ba rọi 120.000-130.000 đồng/kg, nạc vai có giá 110.000-125.000 đồng/kg…
Mặt hàng thịt không có nhều sự thay đổi về giá, trong khi giá rau tăng mạnh – Ảnh: TNO
Theo một tiểu thương kinh doanh rau, củ tại chợ Xóm Chiếu, do nCoV nên vận chuyển khó khăn, tài xế chở hàng về đều bị cách ly khiến chi phí thuê xe cao hơn, hàng hóa vì thế đều tăng cộng thêm nhiều chợ bị đóng cửa, lượng mua dồn về đây, nhất là mặt hàng rau xanh vốn được dùng hàng ngày dẫn đến giá tăng cao.
Tại một số chợ xuất hiện ca nhiễm, hoặc trong khu vực có diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng siết chặt công tác phòng nCoV, bố trí lại hoạt động chợ truyền thống khiến lượng khách hàng đến chợ giảm hẳn so với trước.
Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, hiện 800 hộ kinh doanh chỉ còn khoảng 20-30 quầy hàng gồm bò, gà, heo và trái cây được phép kinh doanh. Toàn bộ 4 lối vào chợ hiện đã được rào lại, chỉ còn 2 lối ra vào yêu cầu khai báo y tế bắt buộc, đo nhiệt độ và xịt khử khuẩn. Ban quản lý chợ cho biết từ khi giảm gian hàng buôn bán, lượng khách ra vào giảm mạnh.
Nhiều chợ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống nCoV, bắt buộc đeo khẩu trang khi vào chợ – Ảnh:TNO
“Lượng khách đến mua thịt heo 3 ngày nay giảm khoảng 70-80%. Người đi chợ thường mua đồ tích trữ sẵn cả tuần nên người mua giảm rõ rệt. Lượng thịt hôm nay tôi lấy vào giảm còn 1/3 mà đến 11h trưa vẫn như còn nguyên”, một tiểu thương bán thịt heo tại chợ nói.
Tương tự, các chợ khác cũng thực hiện việc giãn cách nghiêm ngặt. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 4), Tân Định (quận 1)… đều yêu cầu khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, một số cửa hàng được giăng dây để giữ khoảng cách giữa người bán và người mua.
TP.HCM hiện có 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi. Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt khoảng 2.175 tấn/đêm, trong đó thịt gia súc đạt khoảng 175 tấn, 1.100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản. Chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây các loại dao động ở mức 3.300-3.500 tấn/đêm.
Lượng hàng về chợ đầu mối Hóc Môn trung bình trước khi bùng phát nCoV khoảng 2.600- 2.700 tấn/đêm, gồm thịt gia súc, rau củ quả, trái cây, được cung cấp cho các chợ truyền thống, các khu công nghiệp, siêu thị thuộc TP.HCM, các tỉnh lân cận. Tổng lượng hàng tại 3 chợ đầu mối tại TP.HCM đáp ứng 70% thị trường thành phố.
Không biết các mẹ thế nào chứ nhà em cứ cách 2,3 ngày mới đi chợ một lần, còn những thực phẩm nào có thể bảo quản lâu dài thì mua số lượng nhiều để dùng dần. Để đảm bảo an toàn, mọi người khi đi chợ nên tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế cũng như các quy định của địa phương để đảm bảo an toàn./.
Nguồn: Zing, TNO
Webtretho