“Tôi thiếu nợ; Tôi đã chích đủ 2 mũi vắc xin và muốn được ra đường đi làm…”. Và rất nhiều bạn đọc khác mong muốn TP.HCM nới lỏng giãn cách sau bài viết “TP.HCM sau ngày 30.9: Có được ra đường đi làm chưa?”
Rất nhiều người dân đang mong TP.HCM trở về nhịp sống bình thường mới sau ngày 30.9
ẢNH BẢO VY
Bình luận về bài viết “TP.HCM sau ngày 30.9: Có được ra đường đi làm chưa?” đăng trên Báo Thanh Niên sáng nay 21.9, bạn đọc tên Hung Nguyen viết: “Sau hơn 3 tháng giãn cách. Người tôi bị trees. Bị suy dinh dưỡng. Râu ria rậm rật. Đầu tóc bù xù. Quần áo xộc xệch”. Không chỉ nêu về thể trạng cơ thể, tâm lý như bạn đọc này, cả trăm bạn đọc khác chia sẻ, họ mong muốn được ra đường đi làm sau ngày 30.9, vì họ đã cạn tiền, thiếu nợ.
Chia sẻ của những lao động gặp khó khăn
Bình luận của bạn đọc Bình được nhiều người thích nhất phía dưới bài viết của Báo Thanh Niên: “Ai cảm thấy 30.9 chưa đảm bảo thì có quyền ở nhà. Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được nửa tháng mà cũng bắt nằm nhà thì chích để làm gì? Tôi dân lao động, không có của ăn của để, tiền tiết kiệm đã hết sạch. Nếu cứ kéo dài như thế thì để chúng tôi về quê chứ ở đây hết tiền rồi…”.
Bạn đọc giấu tên đồng cảm: “Bị đuổi luôn rồi bạn ơi, đang tá túc ngày đây mai …chỗ nào thì chưa biết, đồ đạc gởi người quen mỗi chỗ 1 chút, cơm nước thì kiếm chỗ từ thiện xin, tắm rửa giặt giũ thì cách 2 ngày/lần. Cũng may trong hoàn cảnh này còn có người quen giúp đỡ chứ đơn độc chắc không sống nổi”.
Rất nhiều lao động ở TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19
ẢNH BẢO VY
Một bạn khác chia sẻ: “Tiền nhà tiền điện nước tiền net tiền ăn tiền học, chưa tính những người thiếu nợ ngân hàng. Còn ai thấy ở nhà dư dả thì ở tiếp. Ai tiêm 2 mũi thì ra đường mưu sinh”. Hay bạn Ly cũng cùng “cảnh ngộ”:
“Thợ tóc đóng cửa gần 4 tháng nay, cũng chẳng được hỗ trợ ngàn nào, tiền mặt bằng vẫn phải trả một nửa. Đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, về quê cũng không được”.
Hay Anh Kiet Truong giãi bày: “Tôi chạy xe công nghệ hiện giờ vẫn còn đang ở nhà. Tiền gạo thực phẩm, mọi thứ đã hết. Những ngày còn lại sống bằng gì đây?”.
Bàn về chuyện TP.HCM sau ngày 30.9 có được ra ngoài đi làm không, độc giả Van Anh Nguyen cho biết quan điểm: “Mình mong được đi làm lại.
Mọi người chỉ cần tiêm 1 mũi, thực hiện 5K, có giấy chứng nhận của công ty. Người lao động chỉ được ra ngoài trong khung giờ làm việc hoặc ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Người lao động được đi làm lại sẽ tự kiếm được tiền và tự chăm lo cho bản thân và gia đình, giảm gánh nặng cho nhà nước.
Bạn đọc Minh Tam Huynh chia sẻ trong phần bình luận rất dài: “Người lao động “tay làm hàm nhai” không lao động thì không đủ chi phí để trang trải sinh hoạt phí. Họ rất mong được đi làm để kiếm tiền sinh sống. Cách ly thì nhà nước trợ cấp.
Tuy nhiên mức trợ cấp chỉ duy trì sinh hoạt tạm thời chứ không đủ chi tiêu cho gia đình. Nào là tiền nhà, điện, nước, điện thoại, chợ búa 2-3 bữa ăn hàng ngày.
Nhiều người mong được ra đường để mưu sinh vì đã cạn tiền sau mấy tháng ở trong nhà
ẢNH MINH HỌA BẢO VY
Con nhỏ thì sữa bú, tả bỉm, thuốc men, con lớn thì chi phí tập sách, internet, dụng cụ… học hành. Chắc chắn rằng hơn 50% người lao động đã kiệt quệ, không chết vì dịch bệnh sẽ chết vì nghèo đói, do vậy họ đã vượt quá mức chịu đựng rồi.
Hãy nhanh chóng tiêm vắc xin ngừa bệnh, loại nào cũng được, miễn có là được, họ không có lựa chọn như những người “dư ăn dư để” đâu, họ mong được tiêm chủng để ra đường lao động.
Tôi nghĩ mong muốn đó không có gì là quá đáng, mong rằng chính quyền nhanh chóng phủ vắc xin, nhanh chóng mở cửa khi có thể để bà con kiếm miếng ăn”.
Ủng hộ mở cửa phục hồi kinh tế, sống chung với dịch
Nhiều bạn đọc ủng hộ TP.HCM sau ngày 30.9 nên nới lỏng giãn cách, sống chung với dịch, dần dần phục hồi kinh tế.
Nguyễn Kendy nói: “Cần phải có vắc xin phủ thần tốc, mong Bộ y tế triển khai khẩn cấp vấn đề này”.
Bạn đọc Lâm Lợi viết: “Tỉ lệ tiêm vắc xin của TP.HCM đã chiếm số lượng cao, mũi 1 93%, mũi 2 đã 28% nên chính quyền thành phố cần mở cửa để người lao động được đi làm. Góp phần vào phát triển kinh tế, vẫn tuân thủ 5K và tự ý thức sự nguy hiểm. Cần nới lỏng giãn cách, người dân đã đồng hành với thành phố chống dịch hơn 3 tháng rưỡi rồi, không thể nào “Zero Covid” nên chuyển sang sống chung với dịch”.
Bạn Pham Huu Phuoc cho rằng: “Thẻ xanh 2 mũi, giao doanh nghiệp và các cơ sở kiểm tra và phải chịu trách nhiệm của đơn vị về số lao động này. Cũng như các phương tiện máy bay tàu thủy chịu trách nhiệm kiểm tra, còn người dân cử ra đường như bình thường. Ai muốn đi làm thì doanh nghiệp sẽ kiểm tra nhân viên và chịu trách nhiệm với nhà nước về nhân viên của mình”.
Nhiều người lao động đang gặp khó khăn sau các đợt dịch Covid-19
ẢNH BẢO VY
Bạn Sơn Nguyễn viết: “Chích đủ 2 mũi cho mỗi công dân thì nên mở cửa lại… Như Châu Âu đã làm theo cách như vậy mới hồi phục kinh tế”.
Độc giả Trung Đào Quang cho rằng: “Đã xác định sống chung với dịch thì người dân phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, sống chung với dịch chứ không phải sống trong sợ hãi. Nếu tiếp tục đóng của thì hệ quả kinh tế vô cùng to lớn”.
Bình tĩnh, không nóng vội mở cửa
Ở góc độ khác, nhiều bạn đọc cho rằng nên từ từ mở cửa, TP.HCM chưa nên đồng loạt hết giãn cách một lúc sau ngày 30.9.
Như bạn NPHONG nói: “Nếu với điều kiện đủ 2 mũi và F0 đã khỏi sau 14 ngày thì số này trong dân cũng không nhiều mà đa phần là lực lượng tuyến đầu (đã tham gia rồi).
Sau 30.9 thành phố nên mở cửa cho lực lượng này tham gia trước, rồi những ai đủ điều kiện tham gia tiếp theo, như thế sẽ tránh đồng loạt cùng một lúc tham gia hoạt động lại – rồi sẽ ổn thôi, vừa làm vừa theo dõi để tính bước tiếp theo.
Một bạn khác tranh luận: “Vấn đề là để có thể cho người dân ra đường cần phải có chính sách rõ ràng, vùng nào an toàn và không an toàn. Đâu phải cứ đủ 2 mũi là cho ra đường, anh không thấy tiêm 2 mũi vẫn dính covid và vẫn chết ở các nước Châu Âu sao?”.
Nhìn nhận ở góc độ việc làm, tài khoản Jeremy Thành viết: “Chắc gì mở cửa mà người lao động có việc làm. Bởi vì khi dịch còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Để mở cửa hoạt động lại thì Bộ Y tế hay chính quyền sẽ áp những yêu cầu và quy định gắt gao cho doanh nghiệp. Khi đó các chủ doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế mở cửa hoặc hoạt động cầm chừng, tránh rủi ro và phát sinh thêm chi phí.
Nhiều người cho rằng nên mở cửa thành phố dần dần, không nên nóng vội
ẢNH MINH HỌA BẢO VY
Ngoài ra người dân (những người có thu nhập hay của ăn, của để) vẫn sẽ hạn chế ra ngoài đường để chi tiêu hay mua bán dịch vụ dẫn đến thị trường chưa hồi phục. Nên việc “mở sau” khi mọi thứ ổn định và chắc chắn hơn thì cơ hội sẽ tốt hơn cho cả doanh nghiệp và người lao động”.
Đồng quan điểm này Huynh Trung Toan cho hay: “Theo tôi nghĩ cứ bình tĩnh, đánh giá đúng hiện trạng thực tế. Vội vàng là coi như 3 tháng vừa rồi công sức bỏ không à. Mình chưa nhiễm bệnh thì có tâm lý chủ quan. Khi bị nhiễm rồi thì bảo hồi đó biết ráng thêm vài tuần. Con Covid này không đùa với nó được đâu”.
Bạn đọc Nguyen Tuan cũng nhìn nhận vấn đề TP.HCM sau ngày 30.9 có được ra ngoài đi làm chưa như sau: “Đồng cảm cho nhau.
Người muốn ra đường kiếm ăn, người vẫn còn lo lắng cho bản thân, đâu cũng là cái lý, có cái tình chia nhau. Tôi mong giảm xuống còn chỉ thị 19, hoặc chỉ thị 15 chứ không mở nhanh quá được”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/tphcm-sau-ngay-309-toi-thieu-no-toi-muon-duoc-ra-duong-di-lam-lam-roi-1452977.html?