Những câu chuyện bi hài, ‘cười ra nước mắt’ khi người trẻ nghĩ tới việc tiếp tục phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 thêm 14 ngày.
Nhiều người than tóc, râu mọc dài nhưng không thể đến tiệm hớt tóc, cạo râu
P.X
Thay vì kết thúc giãn cách xã hội vào 0 giờ ngày 15.6, TP.HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần cho đến 0 giờ ngày 30.6.
Rầu rĩ, buồn bã vì dịch…
Dù ủng hộ quyết định này, thế nhưng Lê Trần Vũ, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ‘nói mà như mếu’: “Không biết khi nào mới đi cắt tóc được. Tóc đã dài lắm rồi. Mấy nay trời nóng nực nữa. Rất là khó chịu”.
Vũ kể dù muốn về quê nhưng cũng không thể. Bởi lẽ Vũ quê ở Đà Nẵng, là địa phương có quyết định cách ly tập trung 21 ngày toàn bộ người về từ TP.HCM. “Mong sao dịch bệnh sớp chấm dứt, để cuộc sống trở lại như trước. Mà nhất là được… đi cắt tóc”, Vũ buồn bã nói.
Nhiều cơ sở kinh doanh tiếp tục phải đóng cửa
Chuyện của Vũ không ngoại lệ. Khi có nhiều người trẻ lên mạng ta thán việc râu đã dài, tóc đã bờm xờm nhưng chẳng biết phải làm sao. “Râu thì tự cạo được. Nhưng tóc không thể tự hết. Mà đang dịch giã, quán nào cũng nghỉ hết. Chắc chắn sau giãn cách xã hội thì việc đầu tiên mà mình làm sẽ là ra tiệm cắt tóc”, Lê Thành Danh (công nhân cơ sở nước uống đóng chai trên đường Dương Đình Cúc, H.Bình Chánh), cho biết.
Ngoài chuyện tóc, người trẻ còn rầu rĩ trước việc TP.HCM phải tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 trong 14 ngày nữa. Theo đó, họ cho biết đã nửa tháng thòm thèm cảm giác lê la quán xá, uống một ly cà phê, nghe nhạc… Nhưng bây giờ phải tiếp tục trì hoãn ước mơ đơn giản đó.
“Uống cà phê, ngồi tán gẫu với bạn bè ngay tại quán thú vị hơn nhiều so với việc mua mang đi hay tự chế uống ở nhà. Đành đợi thêm ít nhất 14 ngày nữa”, Lê Trung Dũng, nhân viên công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, kể với giọng rầu rầu.
Nhiều người trẻ khác những tưởng lệnh giãn cách xã hội sẽ được gỡ bỏ sau 0 giờ ngày 15.6 nên lập những kế hoạch: rủ nhau đi ăn, cùng nhau đi uống trà sữa… “Nhưng giờ thì bao nhiêu cái hẹn tiếp tục phải… hẹn tiếp. Mong là được nhanh chóng thực hiện những lời hẹn ấy với bạn bè”, Lê Thị Phương Dung (26 tuổi, nhà ở đường Bình Long, Q.Bình Tân), chia sẻ.
Việc TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội, đồng nghĩa những dịch vụ không thiết yếu, trong đó có các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà, phải tạm dừng hoạt động. Điều này khiến những ‘tín đồ’ của gym, fitness, yoga…) cảm thấy buồn. “Lúc trước, đều đặn hàng ngày, sau giờ làm là mình đi tập gym. Nửa tháng nay, phòng tập ngừng hoạt động, dù tự tập ở nhà nhưng không thể bằng việc có người hướng dẫn, nên cơ nhão nhoẹt. Mong lắm ngày phòng gym được mở trở lại”, Huỳnh Hoài Phong (32 tuổi, nhà ở đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú), nói.
Ngán ngẩm với… ‘đắp mộ cuộc tình’
Với những người khởi sự kinh doanh, dù cho biết rất đồng tình với việc TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội. Thế nhưng họ cũng không giấu được những buồn lo.
Sáng 14.6, chị Phan Phương Phương (30 tuổi, ở đường số 5, Q.Bình Tân) đến Spa để dọn dẹp, sửa soạn với hy vọng ngày mai (15.6) sẽ được mở quán kinh doanh lại. “Nhưng đến trưa thì biết thông tin thành phố chưa gỡ bỏ giãn cách xã hội nên hơi buồn. Và mình phải viết bảng thông báo tiếp tục nghỉ”, Phương nói.
Cũng theo Phương, việc kinh doanh đình trệ khiến cuộc sống chao đảo. “Mỗi tháng mình phải bù lỗ hơn 15 triệu đồng để lo chi phí tiền thuê mặt bằng và trả lương nhằm giữ nhân viên”, Phương nói.
Tình cảnh của Phương cũng là nỗi niềm chung của những người trẻ đang kinh doanh. Họ cảm thấy điêu đứng khi công việc kinh doanh thoi thóp và chưa biết đến khi nào mới trở lại bình thường. Anh Đỗ Đức Mạnh (chủ tiệm internet trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Bình Tân), nói: “Sáng nay tôi cũng đến lau chùi máy móc vì cứ tưởng ngày mai được mở lại quán. Đâu ngờ lại tiếp tục giãn cách xã hội phải đóng cửa thêm 14 ngày. Mong dịch Covid-19 mau được kiểm soát để kinh doanh lại bình thường”.
Trong khi đó, có người lại tỏ ra ngán ngẩm khi trong 14 ngày tới có thể sẽ lại phải tiếp tục chịu đựng việc bị ‘tra tấn’ bởi nạn karaoke tại gia.
Trần Thị Thùy Mai (27 tuổi, nhân viên PR một công ty trên đường Âu Cơ, Q.Tân Bình) cho biết từ khi TP.HCM giãn cách xã hội đã phải làm việc trực tuyến. “Nhưng bằng đó thời gian, ngày nào tôi cũng mất tập trung vì không thể làm việc được bởi nhà bên cạnh cứ hát hò. Sáng cũng hát mà chiều cũng hát. Nghĩ tới 14 ngày tới có thể sẽ tiếp tục chịu đựng nghe họ hát mà thấy… mệt mỏi vô cùng”, chị Mai than vãn.
Theo: thanhnien