Không ít bạn trẻ sau khi tốt nghiệp vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ. Họ thà thất nghiệp, ngồi chờ đợi cơ hội phù hợp chứ không chịu làm những công việc tay chân.
Dịch diễn biến phức tạp khiến không ít bạn trẻ ra trường nhưng chưa thể tìm được việc. Cũng từ đây, câu chuyện về việc nhiều người thà thất nghiệp chứ không chịu làm công việc chân tay được cư dân mạng “đào” lại gây tranh cãi.
Cư dân mạng tranh cãi về cách tìm việc của giới trẻ. (Ảnh: Chụp màn hình)
Cụ thể, câu chuyện kể về một người mẹ hơn 50 tuổi xin làm công việc tạp vụ. Dù quản lý nói đã đủ nhân viên nhưng bà vẫn kiên trì ngồi năn nỉ. Người mẹ cho biết trước đây từng làm ở một khách sạn lớn với mức lương hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khách sạn đóng cửa nên chị rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Khi quản lý thắc mắc, từng có mức lương hơn 10 triệu đồng ở khách sạn lớn bây giờ chỉ làm tạp vụ vài ba triệu đồng liệu chị có làm nổi không. Người phụ nữ đáp: “Giờ biết sao em. Người lớn tuổi như chị, giờ biết làm việc gì. Cũng phải đi làm kiếm tiền nuôi con chứ.” Thì ra chị có một đứa con 24 tuổi mới từ Pháp về nhưng ngồi chơi cả ngày. Nguyên nhân là do không làm được công việc chân tay cực khổ.
Một bạn trẻ trải nghiệm công việc dọn cống. (Ảnh: Dân Trí)
Câu chuyện này gây ra tranh cãi trong cộng đồng mạng. Một số người cho rằng, học hành bao năm trời bây giờ về nếu làm công việc tay chân sẽ khiến kiến thức bị bào mòn, lâu dần không có hướng đi. Thà đi xin việc không lương nhưng học hỏi được kinh nghiệm còn hơn suốt ngày chạy theo công việc tay chân kiếm tiền mà khiến kiến thức bản thân bị thụt lùi.
Một số khác lại nhận định, việc gì cũng được miễn là kiếm ra tiền. Đã 24 tuổi rồi, không thể ăn bám bố mẹ mãi như vậy được. Cư dân mạng khuyên anh chàng nên làm tạm một công việc nào đó cho qua giai đoạn khó khăn rồi dùng bằng cấp, kiến thức học được để xin vào công ty đúng chuyên môn.
Cư dân mạng nhận định công việc nào cũng được miễn nó chính đáng. (Ảnh: Chụp màn hình)
“Nói chung nếu không làm việc chân tay mà làm việc trí thức có thể gắn bó lâu dài thì họ sẽ chấp nhận một mức lương thấp vì đơn giản là việc đó tạo ra định hướng hàng chục năm sau cho cuộc đời họ.”
“Có nhiều người họ nghĩ dài hơn, họ chấp nhận việc không có thu nhập trong thời gian dài. Thời gian đó họ ở nhà học thêm các kỹ năng mềm khác để chờ đợi cơ hội có gì là sai. Còn hơn đi làm công việc chân tay có tiền nhưng kiến thức, kỹ năng thụt lùi.”
“Việc gì chả được, đói nghèo đến nơi không làm thì lấy gì mà ăn. Chẳng nhẽ lại định ăn bám với bố mẹ mãi hay sao.”
“Sĩ diện có ăn được không nhỉ, cuộc sống này chẳng có gì gọi là cái danh cả đâu nha. Danh không bán mà ăn được đâu nhé các em.”
Câu chuyện này khiến dân tình nhớ đến một chủ đề khác từng gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. VTV1 từng đưa tin về câu chuyện hai người trẻ chạy xe ôm là kỹ sư và thạc sĩ kinh tế. Chàng kỹ sư trẻ đã tốt nghiệp 2 năm nhưng làm tài xế công nghệ vì không tìm được việc. Không cần phải làm toàn thời gian nhưng mỗi tháng anh vẫn kiếm được khoảng 8 triệu đồng. Trong khi đó, thạc sĩ kinh tế vẫn làm việc chuyên ngành nhưng tranh thủ chạy vào thời gian rảnh để tăng thêm thu nhập.
VTV1 đưa tin về thạc sĩ kinh tế chạy xe ôm. (Ảnh: Chụp màn hình)
Câu chuyện thu hút sự chú ý và gây ra 2 luồng dư luận. Một số người cho rằng xe ôm là công việc chính đáng, giải pháp mưu sinh hiệu quả nếu chưa tìm được việc nên chẳng có gì đáng bị chỉ trích. Tuy nhiên, bộ phận khác khẳng định làm xe ôm sẽ khiến bản thân bị lãng phí chất xám và suy nghĩ ngắn đi.
Mỗi người đều có lựa chọn riêng cho công việc tùy thuộc vào hoàn cảnh của họ. Chính vì vậy ta không có quyền chỉ trích hay phê phán nếu họ làm việc đúng đạo đức và không vi phạm pháp luật. Còn bạn nghĩ gì về quan điểm tìm việc của giới trẻ hiện tại, hãy chia sẻ ý kiến ngay nhé.