Những ngày này, chủ đề tiền thưởng Tết chính là vấn đề được người lao động quan tâm hàng đầu. Trải qua nhiều tháng chống dịch vất vả, không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn thuận lợi để có tiền thưởng rủng rỉnh cho công nhân viên.
Giống như lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khác, ông Chu Thái Út, giám đốc công ty gỗ tại quận 10, TP.HCM cũng đang “đau đầu” với bài toán cân bằng giữa lợi nhuận của đơn vị nhưng vẫn đảm bảo một cái Tết đủ đầy cho người lao động.
Người lao động phải đeo khẩu trang trong quá trình làm việc để phòng dịch. (Ảnh: Dân Trí)
Chia sẻ trên báo Dân Trí, ông Út cho biết, trong suốt 15 năm gây dựng doanh nghiệp, mục tiêu của ông luôn là làm thế nào để người lao động được nâng cao thu nhập. Những năm trước, thu nhập của công nhân đều tăng đều 5-10% qua mỗi năm, tuy nhiên 2 năm này việc này không thể thực hiện vì lý do dịch bệnh.
Nhìn tin nhắn gửi đến tới tấp hỏi về lương thưởng Tết, ông Út lại lo lắng: “Mọi năm, tôi luôn lo xong việc thưởng Tết trước 15 tháng Chạp nhưng năm nay tôi trả thưởng vào ngày làm việc cuối cùng trước khi công ty nghỉ Tết. Năm nay thực sự rất khó khăn, ai làm doanh nghiệp sẽ hiểu cảm giác của tôi, nhiều khi muốn giải thể công ty cho đỡ đau đầu.”
Sau nhiều tháng tạm nghỉ, đến nay nhiều doanh nghiệp đã trở lại làm việc. (Ảnh: Thanh Niên)
Theo lời ông Út, hơn nửa số đơn hàng trong 2 năm qua đã bị hủy bỏ, hiện công ty chỉ hoạt động 50% công suất, tiền cũng chưa thể thu về do nhiều đối tác xin khất qua Tết. Đứng trước tình cảnh ấy, người đứng đầu doanh nghiệp quyết định bán đi một mảnh đất để có tiền lo thưởng cho công nhân. Tuy nhiên, nếu sắp tới vẫn không thu hồi được thêm thì ông Út dự định sẽ phải cầm cố nhà hoặc vay nóng tiền.
Tương tự, ông T.D.D., giám đốc một công ty may ở Thủ Đức cũng thở dài cho biết, tình hình của ông cũng không khá khẩm hơn là bao: “Tình hình khó khăn như năm nay thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải đứng trước nguy cơ giải thể hoặc chăm lo lương, thưởng Tết cho người lao động như mọi năm. Không ít doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động và không ít doanh nghiệp cũng đang lay lắt duy trì sản xuất”, báo Dân trí dẫn lời ông D.
Do dịch vẫn còn phức tạp nên bà con cần chú ý các biện pháp an toàn khi di chuyển về quê bằng xe công cộng. (Ảnh: Dân Sinh)
Cách đây vài ngày, câu chuyện ban lãnh đạo một công ty ở Thái Bình quyết định tạo bất ngờ cho công nhân viên bằng cách buộc quà ở sau xe cũng nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Ngay sau đó, ông Trịnh Thanh Định, Chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp đã lên tiếng xác nhận hình ảnh đó đúng là xuất phát từ nhà máy thuộc công ty mình.
Theo lời ông Định, tổng số phần quà công ty trao tặng là 18.332, mỗi phần trị giá gần 1,4 triệu đồng và chia làm 2 đợt. Đợt 1 vào ngày 8/1, gồm: một thùng đồ uống cồn, một thùng nước ngọt, 10 kg gạo; đợt 2 vào ngày 15/1, gồm ba hộp bánh, một chai dầu ăn loại 2 lít, một gói bột ngọt và một chai đồ uống có cồn.
Hàng nghìn phần quà được buộc đằng sau xe của công nhân. (Ảnh: Vietnamnet)
Nói về lý do quyết định để sẵn ra xe cho công nhân, ông Định cho biết: “Để tiện cho công nhân đem quà về nhà, công ty chủ động bố trí người đi đến từng xe để chằng buộc cẩn thận. Năm ngoái chúng tôi triển khai hình thức tặng quà này tại một số nhà máy, thấy được tính khả dụng, đảm bảo sự an toàn, giúp người lao động đi lại dễ dàng nên năm nay làm đồng bộ”.
Ngoài phần quà ấm lòng trên, được biết, công ty vẫn sẽ chi lương tháng 13, thưởng 2 triệu đồng cùng lì xì cho công nhân trước khi bước vào kỳ nghỉ đón năm mới.
Liên quan đến câu chuyện lương thưởng Tết cho công nhân, ông Nguyễn Anh Thư (Chủ tịch công đoàn một công ty ở quận 7, TP.HCM) cho rằng cả người lao động lẫn doanh nghiệp đều cần chia sẻ, thông cảm cho nhau.
Tiền thưởng Tết là khoản nhiều lao động mong chờ sau 1 năm làm việc. (Ảnh: Người Lao Động)
“Doanh nghiệp thì phải có người lao động và ngược lại. Đây là mối quan hệ cùng nhau phát triển, không phải xin xỏ hay nhờ vả ai. Do đó, doanh nghiệp cần phải có mức thưởng phù hợp với mức lợi nhuận để người lao động vui vẻ, tiếp tục làm việc hiệu quả. Không thể lợi nhuận 100 đồng mà chi thưởng chỉ 5 – 10 đồng được. Lương, thưởng thấp thì công nhân không làm việc hết công suất, doanh nghiệp sẽ lụi tàn dần”, báo Dân Trí dẫn lời ông Thư.
Có thể thấy, đối với những người chèo lái doanh nghiệp, bài toán cân bằng lương thưởng và lợi nhuận không hề dễ dàng. Mong rằng dù trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng sẽ tìm được ra tiếng nói chung để cùng đón một cái Tết trọn vẹn, an lành!
Nguồn: https://www.yan.vn/cong-ty-gap-kho-khan-vi-giam-doc-san-sang-ban-tai-san-lo-thuong-tet-289405.html