Vừa tốt nghiệp kỹ sư điện tử – viễn thông của Đại học Bách Khoa TP. HCM, chàng trai Huỳnh Thanh Dư đã cất tấm bằng để đăng ký đi thực tập sinh nông nghiệp ở Israel. Quyết định này của Dư khiến không ít bạn bè và người quen ngạc nhiên.
“Mình sinh ra ở Đồng Tháp, dù được khuyên phải học thật giỏi để ‘thoát cái nghèo’, trong thâm tâm mình vẫn muốn làm việc với cây cỏ, đất, nước.
Mình muốn đến Israel vì quốc gia này nổi tiếng với nền nông nghiệp dù điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt”, chàng trai giải thích.
Con người Israel thông minh, làm việc cần mẫn. Con ông chủ của cậu mới 14 tuổi nhưng cứ ngày nghỉ là ra đồng, làm việc tuy chậm nhưng bền bỉ từ sáng đến tối muộn. Hơn hết, Dư học được về “sự cho đi”.
Hai vợ chồng trẻ từng có năm tháng học tập và làm việc tại Israel (Ảnh: VNE)
Cũng tại đất nước Do Thái, Thanh Dư quen với Thanh Mi, cô bạn tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thực phẩm cùng đại học nhưng trước đó chưa hề biết nhau.
Họ thường xuyên chia sẻ về những chuyến đi, kiến thức và về khao khát thực hiện một điều gì đó về nông nghiệp khi trở về Việt Nam.
Một năm trong lò luyện cũng kết thúc, hai “chiến binh” trở về nước và gặp lại nhau. Đến lúc này họ mới chính thức yêu.
Đôi trẻ cùng nhau đi trải nghiệm cách làm nông ở một số nông trại và tham gia nhiều khóa học trước khi quyết định mở một nông trại dược liệu, cuối năm 2019.
“Em vốn có thói quen sử dụng thảo mộc để chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa dược liệu được xem như ‘vàng xanh’ của Việt Nam. Đã có nhiều nông trại rau củ quả rồi, làm dược liệu là con đường có phần khác biệt”, Thanh Mi, cô gái Phú Yên, giải thích lý do đi theo mô hình này.
Hai người kết hôn và chọn Đồng Tháp, quê nhà của Dư để gây dựng nông trại. Họ dùng số vốn tích cóp được, thuê một mảnh ruộng 6.000 m2, cách TP Cao Lãnh 7km. Giữa tháng Giêng mà nắng như đổ lửa, cả cánh đồng đất sét cứng như đá, máy xới cũng bó tay.
Người dân địa phương lắc đầu ngán ngẩm vì cho rằng kế hoạch của cặp vợ chồng trẻ quá viển vông. Bố mẹ hai bên thì than: “Làm kỹ sư không muốn lại đi bán mặt cho đất”. Ngay đến cả người bạn từng đi tu nghiệp ở Israel cũng nói: “Không thể làm được đâu”.
Cất bằng kỹ sư, vợ chồng trẻ vui vẻ làm nông dân (Ảnh: VNE)
Những ngày đó, đôi vợ chồng trẻ dùng cuốc vỡ từng cục đất khô cứng, làm đến đâu họ bón phân, trồng cây tới đấy. Chỉ sau vài ngày ngoảnh đi ngoảnh lại, atiso đỏ, đậu biếc, sả, một số giống hoa… đã đâm chồi.
“Hồi đi tu nghiệp, ông chủ mình luôn nhắc mọi người: ‘Hãy sử dụng cái đầu để làm việc”, Mi nhớ lại và càng quyết tâm hơn.
Tuy nhiên, thành công không đến một cách dễ dàng như họ tưởng. Vụ đầu tiên, hai vợ chồng dùng 2.000 m2 để trồng đậu đen xanh lòng nhưng lượng phân không đủ nên hạt nhỏ, sâu, chỉ lọc được một ít để dùng.
“Lúc đó hai đứa rất buồn. Nhưng vẫn động viên nhau rằng mục đích hướng đến là trồng dược liệu, nên trồng đậu chỉ để cải tạo đất”, Dư chia sẻ.
Tới tháng 8, trang trại đã cho nguồn thu từ các sản phẩm như siro, trà atiso đỏ, đậu biếc, bạc hà… Chỉ sau 10 tháng, mảnh đất sét cứng như đá một năm trước giờ đã được bao phủ hoàn toàn bởi màu xanh của hơn 20 loại dược liệu.
Các sản phẩm bước đầu đã cho thu nhập đủ trang trải và cung cấp kinh phí cho việc nghiên cứu sản phẩm mới.
Đôi trẻ cũng ước mơ một ngày không xa sẽ mang sản phẩm của mình ra nước ngoài. “Niềm vui lớn nhất hiện giờ là đọc phản hồi của khách hàng về sản phẩm, họ thấy khoẻ hơn, ngủ ngon hơn, giàu năng lượng”, đôi vợ chồng nói.
Vùng đất hoang vu nay đã được phủ xanh (Ảnh: VNE)
Lặng nghe câu chuyện của hai vợ chồng trẻ, bỗng thấy câu nói của ông bà xưa quá chí lý: “ Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Và trong cuộc sống này, hiếm có ai đủ dũng cảm như họ, chấp nhận buông bỏ lối mòn, cùng nhau hướng tới đam mê.
Bỏ quê lên phố học Đại học, sau bao năm bôn ba, họ lại quay trở về quê hương để làm giàu cho mảnh đất đã sinh ra và nuôi sống mình.
Nhưng hành trình ấy quá vất vả, bởi con đường họ chọn là nghề nông, mẹ cha lắc đầu, bạn bè khó hiểu, tương lai kỹ sư xán lạn biết bao, sao lại lao vào con đường đầy bụi rậm.
Tuy nhiên, mấy ai hiểu cho đúng nghĩa thế nào là theo đuổi ước mơ. Trong định kiến của xã hội, giàu có là phải làm giám đốc, kỹ sư, bác sĩ, phải bám trụ cùng thành phố.
Bây giờ nông nghiệp được mùa mất giá, được giá mất mùa, quanh đi quẩn lại, mất nhiều hơn được.
Chưa kể, làm nông là chấp nhận đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Trong khi bao người trẻ khao khát được làm văn phòng, được ngồi máy lạnh, cuối năm lĩnh thưởng, cuối tháng lĩnh lương, tha hồ mua sắm. Đã thế, hai bạn trẻ còn xin đi du học ở Israel, trong khi người khác khoe du học Mỹ, Úc, Âu.
So sánh như thế, để thấy đôi vợ chồng trẻ đặc biệt đến cỡ nào, đi ngược số đông, đi ngược dòng “xe cộ” để theo đam mê của mình. Những ai thiển cận sẽ thấy họ dại, họ khờ, họ sướng không muốn lại muốn khổ.
Nhưng nếu ngẫm xa hơn, xã hội này muốn phát triển nhất định phải có những con người như thế. Bởi Việt Nam là đất nước thuần nông, là đất nước của ngô khoai, của lúa gạo. Nếu ai cũng mơ mộng viễn vông làm ông này bà nọ, lấy ai làm nông dân để cung cấp thực phẩm cho tất cả mọi người.
Nên nhớ, những bạn trẻ này là những người có tri thức, có kiến thức nông nghiệp vững chắc. Hơn ai hết, họ hiểu rằng phải áp dụng kỹ thuật hiện đại, phải vươn tầm thế giới về công nghệ thì nông dân mới tiến bộ, và định kiến về làm nông nghiệp là “khổ” mới dần được buông bỏ.
Thứ họ đang cắm cúi làm ở trên những vùng đất hoang, không chỉ là mồ hôi, nước mắt, mà là chất xám. Chúng ta chỉ nhìn ở ngoài, không thể đánh giá một chiều.
Thay vào đó, hãy cổ vũ họ, để người trẻ có cái nhìn lạc quan hơn về nông nghiệp, để đừng ai chê công việc chân lấm tay bùn.
Sau cùng, tuổi trẻ phải có ước mơ và phải dũng cảm theo đuổi ước mơ. Đừng để miệng đời phán xét. Chỉ khi bạn thành công, bạn mới chứng minh là mình đúng.
Như câu chuyện của hai vợ chồng trẻ cất bằng kỹ sư đi làm nông nghiệp, rồi một mai họ sẽ giàu có, làm bà chủ ông chủ và không một ai còn dám chê bai, bởi họ đi lên bằng chính sức lao động và tuổi trẻ của mình.
Nguồn: VNE