Hiện nay tại nhiều doanh nghiệp, mức giá mua vào – bán ra của vàng nhẫn đang chênh lệch khá lớn, có nơi gần 1 triệu, có nơi 2,5 triệu đồng. Nguyên nhân do đâu?
Trái với sự nhộn nhịp của giá vàng thế giới, vàng trong nước đang trải qua những ngày khá ảm đạm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động thương mại bị hạn chế hơn.
Nhẫn vàng trơn sẽ là sự đầu tư thông minh cho người mới bắt đầu. (Ảnh: Doanh Nhân Sài Gòn)
Theo Zing News, trong tuần qua, giá vàng thế giới giao dịch xoay quanh mức khoảng 1.780 USD/ounce (khoảng 40,6 triệu đồng). Trong phiên giao dịch đêm 20/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng nhích lên mức 1.780,7 USD/ounce (khoảng 40,63 triệu đồng), so với phiền liền trước tăng 0,3 USD (6,8 ngàn đồng) và so với cuối tuần trước cũng chỉ cao hơn 1 USD (22,8 ngàn đồng).
Tại thị trường trong nước, biến động giá vàng tuần qua được ghi nhận thấp hơn khá nhiều so với thế giới. Cụ thể, ngày 21/8, ở TP.HCM, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mức giá mua vào – bán ra của vàng miếng là 56,45 – 57,15 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với ngày 20/8 và giảm 200 ngàn đồng so với phiên giao dịch đầu tuần.
Vàng là kim loại quý chế tác được nhiều trang sức khác nhau. (Ảnh: Cafeland)
Còn tại Hà Nội, giá vàng miếng SJC ở mức 57,17 triệu đồng/lượng, so với phiên đầu tuần giảm 200 ngàn đồng. Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng là 56,45 triệu đồng/lượng và 57,2 triệu đồng/lượng ở lần lượt 2 chiều, bằng với giá ngày 20/8; so với đầu tuần giảm hơn 100 ngàn đồng.
Như vậy, có thể thấy, giá vàng miếng trong tuần qua chỉ từ 57,1-57,3 triệu đồng/lượng. So với tháng 5 đến tháng 7, thấp hơn khá nhiều.
Tuy giá vàng miếng có mức chênh lệch không quá lớn nhưng các mặt hàng chế tác từ kim loại quý này, nhất là nhẫn vàng lại có xu hướng chênh lệch giá mua – bán rộng. Cụ thể, tại các doanh nghiệp, giá nhẫn vàng ở 2 chiều mua và bán đã chênh nhau tới cả triệu, gấp đôi so với tháng trước. Còn với vàng miếng, mức chênh lệch phổ biến khoảng 700 ngàn đồng, so với tháng 7 cao hơn 40%.
Giá vàng nhẫn trong nước đang có mức chênh lệch lớn lên đến cả triệu. (Ảnh: Báo Đầu Tư)
Tại PNJ, giá vàng nhẫn do doanh nghiệp chế tác đang niêm yết ở mức 51 triệu đồng/lượng mua vào và 53,55 triệu đồng bán ra. Tức là chỉ cần vừa mua xong bán lại tại PNJ, khách hàng đã “bay” ngay 2,55 triệu đồng (tương đương 5% giá trị ban đầu).
Với SJC, tình trạng tương tự cũng diễn ra, nhưng khoản lỗ nhẹ hơn một chút, khoảng 900 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, ở Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, mức chênh lệch nhẫn vàng lên đến 1,6 triệu đồng.
Thị trường vàng trong nước đang khá im lìm. (Ảnh minh họa: Zing News)
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty AFA Capital cho biết do tất cả giao dịch vàng miếng trên thị trường hiện nay không còn thanh khoản (một khái niệm trong tài chính, chỉ mức độ mà một tài sản bất kì có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm ảnh hưởng nhiều đến giá thị trường của tài sản đó) khiến cho chênh lệch giá mua và bán giữa vàng miếng – vàng nhẫn bị nới rộng.
Hơn nữa, đa phần các giao dịch vàng hiện nay chủ yếu là đối với vàng nhẫn thông qua mua bán trực tuyến. Quan điểm này cũng được ông Tô Thanh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Vàng Sacombank – SBJ đồng tình và cho rằng yếu tố nguồn cung hạn chế chính là một trong các nguyên nhân khiến chênh lệch giá thêm lớn.
Ngoài ra, vàng trong nước cũng đang cao hơn vàng thế giới khoảng hơn 8 triệu đồng, đồng nghĩa với việc, dù cùng sở hữu một lượng vàng như nhau nhưng người mua trong nước phải trả mức giá đắt hơn 16%.
Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính để mua vàng tích lũy. Tuy nhiên, nếu có ý định tranh thủ cơ hội để sở hữu kim loại quý này thì bạn cũng nên cân nhắc kỹ càng nhé!
Nguồn: https://www.yan.vn/nhan-vang-chenh-lech-gia-mua-va-ban-ca-trieu-chuyen-gia-ly-giai-274318.html