Ngay khi nghe tin TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương nới lỏng giãn cách , nhiều người dân lao động tự do lập tức khăn gói về quê để bớt đi phần nào gánh nặng kinh tế do mức sống ở thành phố quá đắt đỏ. Mặc dù mỗi người mang hành trang và phương tiện khác nhau nhưng chung quy lại họ đều cùng một mục đích duy nhất là sớm an trú bình yên nơi quê nhà.
Dù chặng đường dài nhưng nhiều người cố mang về quê tất thảy những “gia tài” còn sót lại. Người đèo chiếc tủ lạnh, người dằn nồi cơm vào balo. Đáng chú ý, “hành trang đặc biệt” của hai cha con nọ đã khiến nhiều người thắt lòng. Đó là hũ tro cốt của người vợ quá cố. Đoạn clip ngắn ngủi nhưng đong đầy những cảm xúc, suy ngẫm đã được một người cùng xóm trọ của nhân vật quay lại. Cũng như bao người, sau nhiều tháng ròng đã kiệt quệ về kinh tế không thể trụ lại, người đàn ông này đã quyết định cùng con nhỏ đi xe máy về quê.
Sau khi chuẩn bị tất thảy đồ đạc xong xuôi, hũ tro cốt của người vợ được anh đặt trên giỏ xe máy , cẩn thận gắn băng keo xung quanh để đảm bảo cho chuyến hành trình dài. Nhiều thanh niên cùng nơi trọ cũng đã đến hỗ trợ hai cha con. Hình ảnh bé gái ngồi trước trên xe máy ngơ ngác nhìn ba cùng các chú chuẩn bị nốt hành trang lên đường khiến người xem không kìm được nước mắt. Thương cảnh gà trống nuôi con, những người khác chỉ biết thẫn thờ nhìn theo. Theo chia sẻ của chủ đoạn clip, người đàn ông này là anh Hữu (SN 1983, An Giang). Do hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng anh Hữu cùng con gái nhỏ dắt díu nhau lên Bình Dương làm ăn. Vợ làm công nhân, chồng làm phụ hồ để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Chẳng may, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của người vợ tào khang. Anh Hữu cùng con nhỏ cố gắng ở lại phòng trọ đã 4 tháng nay. Ngày lên thành phố, hai vợ chồng động viên nhau cố gắng làm lụng cuối năm nay có tiền sắm sửa cho con gái có cái Tết đủ đầy. Ấy thế mà giờ đây, chỉ còn anh và con gái trở về trong cảnh tang thương.
Đau lòng khi chứng kiến những mảnh đời khó khăn trong mùa dịch bao nhiêu thì cộng đồng mạng lại càng hoan nghênh trước nghĩa cử thương thân tương ái của những nhà hảo tâm bấy nhiêu. Khi nhìn thấy cảnh người lao động từ các tỉnh thành miền Nam tiếp tục ùn ùn về quê bằng xe máy trên tuyến Quốc lộ 1A. Tại Đà Nẵng, nhiều đoàn hoạt động thiện nguyện thường xuyên túc trực 24/24 ở đỉnh đèo Hải Vân (giáp ranh Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế) để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, sửa chữa xe máy, hỗ trợ xăng… cho bà con về quê.
Trong đêm, hàng trăm chiếc xe máy với hàng nghìn người tiếp tục vượt đèo Hải Vân để về quê. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân, họ được mời dừng nghỉ chân với những suất cơm nóng, những chai nước đầy nghĩa tình. Những cơn mưa nặng hạt do áp thấp nhiệt đới càng khiến hành trình về quê của người dân thêm khó khăn. Nhiều người không chuẩn bị áo ấm dừng xe rồi run lên vì rét. Những tình nguyện viên có mặt ở đỉnh đèo Hải Vân liên tục tiếp đón, động viên, hỗ trợ thêm áo, áo mưa để họ vơi bớt cái lạnh.
Đặc biệt, trong số những người làm thiện nguyện, một người đàn ông mặc áo mưa đỏ, trên tay cầm theo xấp tiền đi đến từng chiếc xe phát tiền giúp người dân. Người đàn ông mặc áo mưa đỏ, đội mưa, vừa liên tục phát tiền giúp người dân đang trên đường về quê vừa nói: “Bà con nhận một ít tấm lòng để mua xăng dọc đường nhé, bà con đi cẩn thận, cảm ơn bà con”. Người đàn ông cho biết tên Huỳnh Kim Quang, nhân viên hiện trường Công ty TNHH Thương mại và giao nhận hàng hoá FDI (chi nhánh Đà Nẵng). Anh Quang cho hay việc phát tiền giúp người dân là quyết định từ ban lãnh đạo công ty. Số tiền trên do cán bộ nhân viên toàn công ty đóng góp tùy tâm và từ quỹ phúc lợi xã hội của công ty.
Anh Quang nói: “Chứng kiến cảnh bà con vượt hơn 1.000 km về quê, đặc biệt là khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão đi vào bờ gây mưa to nên công ty quyết định phải làm một cái gì đó hỗ trợ người dân. Chúng tôi trong sức của mình thì ngoài lương thực, nước uống hỗ trợ thêm 1 ít tiền mặt để bà con phòng thân”. Theo anh Quang, việc phát tiền giúp bà con sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Số tiền hỗ trợ bà con không nhiều, mỗi xe máy 100.000 đồng, xe có trẻ em 200.000 đồng.
Anh Quang chia sẻ thêm: “Số tiền tuy không nhiều nhưng hy vọng giúp được chút ít cho bà con trên con đường về quê đầy gian khó trong đại dịch. Họ chủ yếu là công nhân như mình nên phải khó khăn lắm mới rời TP HCM để cùng cả gia đình về quê trên những chiếc xe máy nhỏ bé, cũ kỹ. Có những em bé chỉ chưa được một tuổi đã phải theo ba mẹ về quê, nhìn thấy mà nước mắt rơi”.
Theo: Pháp luật và bạn đọc
https://vietgiaitri .com/cha-cho-con-gai-ve-que-cung-hu-tro-cot-tren-gio-xe-khien-ai-cung-xot-xa-20211007i6078667/