Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, việc đánh giá, sử dụng, đãi ngộ công chức không dựa vào mấy văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ, cũng không phải là mục tiêu phấn đấu của công chức, mà quan trọng là chất lượng công việc, chất lượng phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, không học theo kiểu phong trào, coi đó là “mốt”.
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với PV Báo Lao Động về Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội.
Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được UBND thành phố Hà Nội ban hành, với nguồn kinh phí lên đến 272,3 tỉ đồng.
Trong đó, nguồn kinh phí dự kiến cho đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là 61,6 tỉ đồng; đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến 9,6 tỉ đồng, trong nước là 52 tỉ đồng.
Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội về đề án này, Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, vấn đề đào tạo công chức chất lượng cao theo hướng tăng cường số lượng tiến sĩ, thạc sĩ – thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã làm, nhưng cần phải đánh giá lại.
Vì sao phải đánh giá lại? Vì liệu thực sự có cần thiết đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho cán bộ công chức hay không. Thực tế thấy rằng, trình độ tiến sĩ, thạc sĩ không phải điều kiện cần và đủ cho một công chức để trở thành công bộc, mẫn cán của dân.
Nhiều quốc gia trên thế giới, họ không đi theo hướng này. Bởi thạc sĩ và tiến sĩ chủ yếu phục vụ công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo.
Còn công chức ở cơ quan hành chính nhà nước, điều quan trọng nhất phải chất lượng đào tạo chuyên sâu đầu vào; sau đó gắn với việc bồi dưỡng nghiệp vụ và quá trình tự rèn luyện của công chức.
Theo ông Phan Viết Lượng, thời gian vừa qua, việc đào tạo tiến sĩ của ta có nhiều bất cập. Những người cần trình độ tiến sĩ cũng là chính đáng, nhưng có những người chưa cần trình độ tiến sĩ, nhưng vẫn được đi học theo kiểu “phong trào”.
“Tôi nhiều lần nói chuyện với những người ngồi hội đồng chấm luận án tiến sĩ của các nghiên cứu sinh. Họ cho rằng, không phải toàn bộ nghiên cứu sinh đều chất lượng, thậm chí chất lượng đào tạo tiến sĩ không cao. Chính những người ngồi hội đồng họ nói rằng “cần phải xem xét, đánh giá lại, đặc biệt đội ngũ công chức”.
Tôi nhớ, cách đây mấy năm, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có chuyên đề về việc có cần thiết đào tạo tiến sĩ với cán bộ công chức hay không? Vấn đề này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đặc biệt phải thay đổi nhận thức của xã hội, của đội ngũ cán bộ công chức”, ông Phan Viết Lượng cho hay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, việc đánh giá, sử dụng, đãi ngộ công chức không dựa vào mấy văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ, cũng không phải là mục tiêu phấn đấu của công chức, mà quan trọng là chất lượng công việc, chất lượng phục vụ nhân dân.
“Rất cần thiết phải nghiên cứu lại mục đích của đề án này, dự toán ngân sách để cho cán bộ công chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ cũng cần phải xem xét lại”, ông Lượng nói, đồng thời cho biết, ở Việt Nam vẫn còn “mốt” với “mác” tiến sĩ.
“Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, nhạy cảm; giáo dục phải nêu gương, giáo dục chất lượng cao, chứ không phải giáo dục phong trào”, ông Lượng khẳng định.
‘Tôi không biết công chức thì đào tạo tiến sĩ để làm gì’
“Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học, cần học là chính sách công”, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM nêu quan điểm.
Cán bộ có năng lực yếu, không thực hiện được công việc của mình, có xu hướng đi học tiến sĩ những ngành không thích hợp với công chức… là thực tiễn được Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM (KHCN) Nguyễn Việt Dũng nêu ra tại hội nghị UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ sáng 18/3.
Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh rằng ngoài việc tuyển dụng, Sở Nội vụ có nghĩa vụ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống chính quyền.
Ông Dũng nêu thực tiễn hiện nay, công chức của thành phố khá yếu trong thực hiện công việc. Đa số không biết hoặc không dám viết kế hoạch, đề án, người làm được thì chất lượng cũng không tốt.
Trước thực tế này, ông Dũng đề nghị Sở Nội vụ nên thay đổi cách tuyển dụng công chức. Theo ông, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tuyển công chức qua thi tuyển quốc gia, nhưng sau thi tuyển, họ không làm việc ngay mà được tham gia một lớp đào tạo 3-6 tháng tại trường hành chính quốc gia để học cách làm công chức.
“Tôi đề nghị quy trình tuyển dụng của mình không nên chỉ tập trung chuyên môn. Kiến thức chỉ một phần, quan trọng là kỹ năng và tư duy. Tức là, khi gặp thách thức thì phương pháp luận trong giải quyết vấn đề thế nào. Cái quan trọng nhất hiện nay với người lao động là phương pháp luôn tự học để thích nghi cái mới”, ông Dũng kiến nghị.
Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng.
Giám đốc Sở KHCN cũng nêu vấn đề về tính hiệu quả của các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chức. Ông cho biết sau khi cán bộ được đi học về kinh tế số – kinh tế tuần hoàn, ông hỏi chuyển đổi số nên bắt đầu tư đâu, cán bộ không trả lời được và chia sẻ khi đi học giáo viên chỉ “dạy chung chung”.
Ông Dũng còn đề nghị Sở Nội vụ nên xem lại việc đào tạo tiến sĩ cho công chức.
“Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học”, ông Dũng nêu thực tế.
Ủng hộ đề xuất của Giám đốc Sở KHCN, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng khi tuyển đầu vào thì chủ yếu quan tâm thuần chuyên môn, nhưng cũng cần đào tạo thêm. Là người trưởng thành từ đại học, ông Phong cho biết bản thân ông đã tích lũy và học tập được rất nhiều qua thực tiễn tại cơ sở.
“Mình thấy từ môi trường đào tạo cơ sở làm cho mình trưởng thành, lớn lên rất nhiều vì phải đối mặt với khó khăn. Nhưng khi đối diện với vấn đề khó khăn là mình ngã quỵ thì không bao giờ có thể lớn lên được”, ông Phong nhận định.
Cán bộ TP.HCM cần được nâng cao năng lực phù hợp với công việc. Ảnh: Phạm Ngôn.
Ông Phong cho biết thêm năm 2018, ông đã làm việc với Đại học Fulbright qua Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ và đề nghị phối hợp, đào tạo cho thành phố 20 cán bộ là lãnh đạo sở. Trường sẽ hỗ trợ học phí, còn chi phí ăn ở, thành phố tự lo. Ông cho biết Đại học Fulbright đã tiếp xúc với lãnh đạo thành phố để tìm hiểu về mục tiêu phát triển, trên cơ sở đó biên tập bài giảng nhằm đảm bảo chương trình dạy có giá trị thực tiễn.
Lãnh đạo thành phố cũng cho rằng hiện nay, nhiều chương trình cán bộ đi học hoàn toàn không thể áp dụng được với thành phố. Do đó, ông Phong yêu cầu Sở Nội vụ phải ký chương trình phối hợp với Học viện Cán bộ TP.HCM để đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng hơn.
Theo zingnews.vn