Cô gái trẻ với mô hình kinh doanh “tiệm vàng” online cho phép người mua được trả góp, khi nào đủ 1 chỉ sẽ đến nhận vàng về.
Mới đây, tham gia một chương trình nhằm kêu gọi vốn đầu tư, Ngô Thị Thảo (Hana Thảo), là người sáng lập và CEO của chuỗi tiệm kim hoàn đã trình bày ý tưởng kinh doanh của mình và thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng.
(Ảnh vietnamnet)
Nói về ý tưởng kinh doanh, Hana Thảo cho biết khi còn nhỏ cô thấy bà, mẹ và nhiều người xung quanh tích cóp từng đồng mua vàng để cất, gọi là phòng thân. Từ đó, cô nàng có ý tưởng muốn nhiều người có thể tích lũy vàng một cách dễ dàng hơn và chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 đã ra đời.
Theo Hana Thảo chia sẻ, mọi người sẽ tích lũy online từ 100.000 đồng và đến khi đủ tiền cho một chỉ vàng sẽ nhận hàng trực tiếp tại cửa hàng của chuỗi tiệm kim hoàn hoặc ở các cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc. Ứng dụng “mua vàng online” của Hana Thảo được thành lập từ năm 2020.
(Ảnh vietnamnet)
Khi được hỏi về quy định của Ngân hàng nhà nước liên quan đến giao dịch vàng trạng thái, Hana Thảo cho biết startup của cô kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, không phải vàng miếng và khách hàng tích lũy để mua theo hướng “đặt cọc”.
Trước mô hình kinh doanh độc lạ này, Shark Hưng đã bày tỏ sự lo ngại vì giá vàng thường xuyên biến động.
(Ảnh: Nhịp sống kinh doanh)
Ngoài ra, Hana Ngô cho biết thêm là nếu khách hàng mua đủ 1 chỉ sẽ được đổi ra đúng 1 chỉ dù mua 1 triệu đồng với giá vàng tại thời điểm đang ở mức 5,5 triệu đồng/lượng, ngày mai mua thêm 1 triệu đồng ở mức giá 6 triệu đồng/lượng. Việc cân đối dòng tiền và vàng vật chất là trách nhiệm thuộc về tiệm kim hoàn của Hana Thảo.
“Rủi ro nằm ở chỗ đó, anh mua vàng của em thời điểm 70 triệu đồng/lượng, giả sử 7 tháng sau anh mới lấy và lúc đó giá vàng 100 triệu, thì em không có tiền mua vàng vật chất để trả cho anh”, Shark Hưng đặt dấu hỏi.
Ngoài ra, các Shark cũng đặt câu hỏi nếu trong tình huống xấu nhất là “sập sàn”, phá sản thì chuỗi cửa hàng kim hoàn sẽ có trách nhiệm gì với người mua. Đáp lời, Hana Thảo cho biết hiện startup có lập dự phòng và “vấn đề nằm ở niềm tin”.
(Ảnh minh họa trái: vietnamnet / Ảnh phải: chụp màn hình từ chương trình Shark Tank)
Trước mô hình kinh doanh vàng 4.0 này, các Shark bày tỏ sự lo lắng và cho biết có nhiều rủi ro. Kết thúc, màn gọi vốn của Hana Thảo không được các Shark đồng ý rót vốn đầu tư.
Trên mạng xã hội, nhiều bình luận trái chiều về mô hình kinh doanh này được bàn tán rôm rả. Việc mua vàng cũng được coi là một trong những cách tích lũy, “đầu tư” nên mọi người cũng cần cân nhắc và tính toán để lựa chọn cách nào phù hợp nhất cũng như an toàn vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”.