Con òa khóc trong lễ tổng kết vì không có giấy khen, điểm toàn 9, 10 vẫn trượt học sinh xuất sắc

Nếu môn phụ của con chỉ đạt hoàn thành, môn chính dù có 9, 10 điểm, xuất sắc mấy cũng tan thành mây.

Hôm trước có mẹ nào bảo giờ giấy khen mất giá trị vì nhiều như nấm mọc sau mưa thì chắc phải suy nghĩ lại. Mới tiểu học thôi, muốn có giấy khen cuối năm cũng khó nhằn đấy ạ. Vì theo tiêu chí xét khen thưởng, xếp loại hiện nay, con học điểm 9, 10 vẫn trượt xuất sắc cách đáng tiếc.

Lớp 50 em chỉ 20 em có giấy khen xuất sắc, còn lại thì mẹ buồn, con buồn dù điểm cao gần như tuyệt đối. Cả một năm con cố gắng học hành, mẹ kèm cặp chẳng dám nghỉ ngày nào. Thế mà chỉ vì khống chế ở những môn phụ như môn mỹ thuật, thể dục, âm nhạc lại khiến con mất khen thưởng. Rơi vào hoàn cảnh đó, hỏi ai không tiếc nuối và ấm ức thay con.

hình ảnh

Ảnh chụp màn hình FB

Lần đầu tiên em thấy con học điểm 10 mà vẫn không được giấy khen. Xưa toán, tiếng Việt là môn quyết định xếp loại học lực, được gọi là môn chính. Giờ thời thế đổi thay, thầy cô môn phụ lại là người cầm cân nẩy mực. Các môn phụ được nhắc đến là thể dục, mỹ thuật, âm nhạc.

Em đọc báo thấy phụ huynh than thở chuyện con vuột mất giấy khen vì môn phụ. Lên mạng xã hội cũng tràn ngập những tiếc nuối, ngậm ngùi, cũng vì môn phụ. Vì đâu nên nỗi như này hả các mẹ, toán, tiếng Việt được điểm 9, 10 mà không có nổi cái giấy khen để khuyến khích con.

Các môn phụ ngày xưa trẻ con rất thích học vì không phải quá đặt nặng chuyện điểm số. Vào lớp chơi mà học, học mà chơi, chỉ cần đạt được những yêu cầu căn bản là được. Có lần em nghe học sinh bị thi rớt thể dục, hè phải học thi lại mới được lên lớp mà giật mình. Lỡ bị lưu ban vì môn thể dục thì thật sự oan uổng.

Một ông bố trên mạng chia sẻ chuyện con trai buồn vì 4 năm liền có giấy khen, năm nay thì không có. Theo những gì anh nói thì có thể đoán được, bé không được giấy khen là vì môn âm nhạc và thể dục. Khi được bố hỏi, bé nói con “buồn”.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: nownews

Hay em bé lớp 2 nhà chị M. ở Hà Nội cũng gặp trường hợp tương tự. Năm lớp 1 con luôn ở top đầu, được học sinh xuất sắc. Nhưng vừa rồi, con đã òa khóc vào hôm tổng kết khi biết mình không được xuất sắc. Bố mẹ chưa từng đặt nặng chuyện danh hiệu, nhưng thấy con khóc, gia đình chị M. cũng bối rối theo.

Lý do là con chị M. môn mỹ thuật và âm nhạc chỉ được đánh giá là hoàn thành chứ không phải “hoàn thành xuất sắc”. Theo chia sẻ phụ huynh, giờ các con được xếp loại học lực theo tiêu chí mới. Chỉ các cháu xuất sắc toàn diện, tức điểm 3 môn chính toán, tiếng Việt, tiếng Anh 9, 10 và các môn còn lại chỉ toàn T (tốt) và các phẩm chất, năng lực đạt mức T thì mới được nhận giấy khen hoàn thành xuất sắc. Chính vì vậy, nếu trong bảng điểm các môn, chỉ cần môn phụ bị H (hoàn thành) thì dù điểm các môn toàn 9, 10 cũng sẽ không được nhận  giấy khen.

Việc học sinh tiểu học không được danh hiệu hoàn thành xuất sắc dù chỉ một năm đối với nhiều gia đình cũng là đổ vỡ cả kế hoạch định trước trong tương lai, khi các bé chuyển cấp. Cụ thể, có phụ huynh lý giải cơ hội vào lớp 6 trường top đầu của con sẽ ít nhiều bị lung lay do nhiều trường THCS yêu cầu xét tuyển học sinh giỏi toàn diện, đặc biệt từ năm lớp 2 – 5.

Xếp loại học lực lớp 2 chỉ dừng ở mức hoàn thành như con chị M. thì rất có thể sau này sẽ bị loại sớm từ vòng hồ sơ. Chưa kể nhiều phụ huynh rất băn khoăn với việc chấm điểm môn phụ. Đâu là thước đo chuẩn để thầy cô chấm điểm hay chỉ là theo cảm tính. Thầy cô thấy đẹp, thấy hay thì tốt không thì cho hoàn thành thôi.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: biaobaiju

– Con tôi đạt 10 Toán, 9 Tiếng Việt nhưng bị môn Thể dục đạt Hoàn thành nên xếp hạng chỉ đạt Hoàn thành như vài bạn yếu kém. Nói chung, trừ môn Toán và Tiếng Việt, các môn khác đánh giá của giáo viên nặng cảm tính.

– Không phủ nhận tính quan trọng của tất cả các môn học, nhưng cách đánh giá cảm tính này tôi thấy có vấn đề. Ví dụ như môn Mỹ thuật vốn là môn năng khiếu, con hoàn thành bài tập đầy đủ, nhưng nét vẽ của con còn non nớt, nên thế nào mới được gọi là tốt?

– Hơn 20 năm trong nghề tôi chưa gặp em nào vừa giỏi toán, văn vừa hát hay, đàn giỏi, vẽ đẹp, đá bóng giỏi, chạy nhanh, cử tạ khỏe…

Có lẽ phụ huynh và học sinh vẫn chưa kịp làm quen với cách đánh giá mới nên hơi hụt hẫng. Nhiều phụ huynh đã nhanh chóng tìm ra cách ứng phó khá hay đó là động viên con thay vì ngồi chỉ trích. Ví dụ người mẹ có con không đạt môn thể dục, chị bảo do con lười ăn, chưa chăm tập thể dục nên chưa đạt. Năm sau con cần cố gắng hơn nữa.

Hoặc có phụ huynh chọn cách tự làm giấy khen, trao phần thưởng động viên con sau một năm cố gắng. Dù gì con trẻ đã nỗ lực miệt mài suốt một năm, bố mẹ cho con lời khen, phần quà để con vui cũng rất hay. Năm nay lỡ chưa có giấy khen, trượt xuất sắc thì năm sau mình “gỡ” lại. Chứ quy định thì khó thay đổi, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi mọi người.

*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân

Nguồn: https://www.webtretho.com/p/con-oa-khoc-trong-le-tong-ket-vi-khong-co-giay-khen-diem-toan-9-10-van-truot-hoc-sinh-xuat-sac

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *