Theo cập nhật mới nhất của Tập đoàn Hàng không vũ trụ Mỹ Aerospace Corporation, lõi tên lửa Long March 5B của Trung Quốc – hiện bị mất kiểm soát – dự kiến lao trở lại Trái đất vào lúc 19h21 ngày 30-7 (giờ Việt Nam).
Đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn chưa dự đoán được vị trí chính xác nơi phần thân lõi của tên lửa rơi, theo trang Gizmodo.
Aerospace Corporation cho biết phần thân lõi tên lửa có khả năng quay lại một nơi nào đó giữa 41 độ vĩ bắc và 41 độ vĩ nam. Tuy nhiên “vẫn còn quá sớm để xác định dấu vết các mảnh vỡ của lõi tên lửa”, Aerospace Corporation nêu và cho hay sẽ cập nhật thông tin theo từng thời gian.
Không phải tất cả lõi tên lửa sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển, tức sẽ có cái gì đó rơi xuống Trái đất. “Quy tắc chung là 20-40% khối lượng của lõi tên lửa sẽ chạm tới mặt đất – con số chính xác phụ thuộc vào thiết kế của vật thể – trong trường hợp này chúng tôi dự kiến sẽ có khoảng 5-9 tấn (rơi xuống)” – Trung tâm Nghiên cứu mảnh vỡ và quay lại quỹ đạo của Tập đoàn Hàng không vũ trụ (CORDS) cho hay.
Tên lửa Long March 5B được phóng vào quỹ đạo vào ngày 24-7-2022 – Ảnh: CNSA
Tên lửa Long March 5B được phóng vào vũ trụ ngày 24-7 từ bãi phóng không gian Văn Xương ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tên lửa này đã đưa thành công phòng thí nghiệm Wentien đến quỹ đạo thấp của Trái đất và khoảng 13 giờ sau đó nó kết nối vào Trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc.
Phần thân lõi 25 tấn của tên lửa Long March 5B đã trở lại trong quỹ đạo Trái đất, tình trạng nhanh chóng xấu đi và mất kiểm soát.
Đây là lần thứ ba phần thân lõi của Long March 5B đi vào quỹ đạo sau khi phóng và rơi trở lại Trái đất một cách mất kiểm soát. Dường như đây là một đặc điểm của tên lửa này, chứ không phải bị lỗi.
Hai năm trước, các mảnh vỡ từ phần thân lõi cũng mất kiểm soát và rơi xuống một khu vực có người sinh sống dọc bờ biển phía tây của châu Phi.
Năm 2021, các mảnh vỡ của Long March 5B cũng rơi xuống Ấn Độ Dương gần Maldives.
Không ai bị thương trong cả hai trường hợp trên. Tuy nhiên các nhà khoa học gần đây đã lo ngại rằng một ngày nào đó sẽ có người bị thương nặng hoặc thậm chí thiệt mạng.
Để theo dõi và dự đoán việc tên lửa quay lại Trái đất, CORDS sử dụng các tập dữ liệu công khai được tạo ra khi một tên lửa thuộc diện đang theo dõi đi qua một trong số các bộ cảm biến của mạng lưới giám sát không gian.
Mạng lưới giám sát này theo dõi các vật thể trong không gian bằng cách sử dụng radar và cảm biến quang học tại nhiều địa điểm trên hành tinh. Các cảm biến có thể quan sát và theo dõi những vật thể lớn hơn quả bóng mềm ở quỹ đạo Trái đất thấp, cũng như các vật thể có kích thước bằng quả bóng rổ hoặc lớn hơn trong một quỹ đạo không đồng bộ địa lý.
Chúng có thể xác định quỹ đạo của các vật thể, từ đó giúp các nhà khoa học tính toán và dự đoán xác suất xảy ra va chạm.
GIA MINH
https: //tuoitre.vn/ten-lua-mat-kiem-soat-cua-trung-quoc-dang-lao-nhanh-ve-trai-dat-chua-biet-duoc-diem-roi-