Đùa chứ, em là em phục các mẹ ở nhà nội trợ mà mỗi ngày nghĩ ra được mâm cơm đủ sắc đủ vị lại không trùng nhau cực kỳ. Em hay hóng ở mấy hội chị em yêu bếp ấy, thấy nhiều chị đúng là siêu nhân thực sự ý. Nhìn mâm cơm nhà các chị mà em thán phục luôn. Chứ em thì chỉ mỗi việc nghĩ hôm nay sẽ ăn gì đã muốn ‘sang chấn tâm lý’ luôn rồi ấy.
Hồi ở một mình chưa chồng con thì còn đỡ. Lúc lấy chồng rồi, tuy chồng em là quân nhân nên cũng không quá cầu kỳ chuyện ăn uống nhưng mỗi lần cứ gần đến bữa là em lại áp lực lắm luôn. Vì chẳng biết mua gì, nấu gì cả.
Không dưới 1 lần em bị ngã xe vì cái tội vừa đi vừa nghĩ xem tí nữa về sẽ ăn gì, nấu gì đấy các mẹ. Sau nhiều lần ngã thế thì chồng em bảo, thôi để chồng nấu cho. Ấy thế nhưng mà ngày nào chồng cũng nhắn tin hỏi: Vợ ơi, hôm nay vợ muốn ăn gì chồng nấu? Phát mệt lên được.
Em nghĩ, nếu không tìm ra cách giải quyết mà cứ ngày nào cũng thế thì có khi em ‘phát rồ’ vì chuyện ‘hôm nay ăn gì’ mất thôi. Không phải em nói điêu đâu, em từng đọc được trên báo về trường hợp phải nhập viện tâm thần vì ngày nào cũng phải nghĩ xem hôm nay ăn gì rồi.
Em chia sẻ với các mẹ câu chuyện này ở bên dưới, hẳn là sẽ có nhiều mẹ đồng cảm lắm luôn đấy.
Nghĩ xem mỗi ngày ăn gì đúng là mệt đầu. Ảnh minh họa, nguồn: 24h
Người phụ nữ 62 tuổi ‘phát rồ’ lên đến mức nhập viện vì hôm nào cũng phải nghĩ ‘hôm nay ăn gì’
Tờ KKNews đưa tin: Đây là trường hợp của người phụ nữ họ Vương, 62 tuổi ở Trung Quốc. Bà đã nghỉ hưu và đang sống cùng con cháu, vốn cứ nghĩ thế là đã được an yên, vui vẻ hưởng tuổi già rồi. Ấy thế nhưng không, bà Vương lại không thể thoát ra khỏi vòng ‘luẩn quẩn’ chuyện hôm nay ra chợ mua gì, nấu gì cho cả nhà. Rồi lại lo đến chuyện sức khỏe của con trai, cháu trai, lo người thân ra ngoài gặp chuyện gì đó…
Mỗi ngày, đủ thứ lo sợ khiến bà rơi vào khủng hoảng. Biểu hiện rõ qua việc khó thở, tim đập thình thịch, mặt mày xây xẩm rồi vã mồ hôi đầm đìa.
Con cái trong nhà thấy bà khó ăn ngủ, sinh hoạt bất bình thường nên các con đã đưa bà Vương đến Khoa Tâm lý học lâm sàng của Bệnh viện Nhân dân số 2 của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Khi trò chuyện với các bác sĩ, bà bày tỏ rằng mình đặc biệt khó chịu khi phải tính toán và nghĩ nấu gì cho các con ăn. Chỉ riêng chuyện này thôi cũng khiến bà ‘vã mồ hôi’.
BS. Minh (PGĐ Khoa Tâm lý của bệnh viện) – người trực tiếp điều trị cho bà Vương cho hay: Mức điện tâm đồ của bà Vương ở mức bình thường. Trong khi đó, thang đánh giá sự lo lắng lại cho thấy bà có triệu chứng lo âu trầm trọng. Do đó, bác sĩ yêu cầu con cháu cho bà Vương nhập viện để tiến hành điều trị. May mắn là sau thời gian, các triệu chứng nói trên đã dần biến mất, sức khỏe của bà Vương được cải thiện rõ rệt.
BS. Minh nói rằng: Chứng lo âu mãn tính là một rối loạn lo âu có thể được gây ra bởi các yếu tố sinh học và ngoại cảnh từ cuộc sống. Bên cạnh đó, một số nhỏ các giai đoạn lo âu lại đến từ gen di truyền.
Trước kia, bà Vương quả thật có tiền sử trầm cảm. Trong cuộc sống hàng ngày, bà Vương cũng là người hướng nội, cầu toàn lại thích chăm sóc người khác.
Rối loạn lo âu càng được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt. Vì nếu để lâu sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Nhập viện vì nghĩ đến chuyện ăn uống. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu
Muốn điều trị bệnh dứt điểm sớm thì cần phát hiện ngay khi mới phát hiện nhờ các dấu hiệu sau:
Triệu chứng chính của rối loạn lo âu là sợ hãi hoặc lo lắng quá mức. Bệnh này cũng có thể gây khó thở, ngủ, khó có thể đứng yên và tập trung. Các triệu chứng cụ thể còn phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu mà bạn mắc. Triệu chứng thường gặp của bệnh này gồm:
+ Hoảng loạn, sợ hãi, cảm thấy không chắc chắn hay không an toàn.
+ Khó ngủ, luôn thấy lo lắng, sợ hãi kể cả trong giấc ngủ.
+ Khó giữ bình tĩnh và đứng yên một chỗ.
+ Cảm giác lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran tay hoặc chân.
+ Bị khó thở hoặc nhịp thở nhanh hơn bình thường.
+ Tim đập nhanh.
+ Khô miệng hoặc ói
+ Cơ bắp căng thẳng
+ Hay thấy chóng mặt, giảm khả năng tập trung và bị ám ảnh trong suy nghĩ về một vấn đề nào đó…
Sau khi đọc câu chuyện này trên báo, em bàn với chồng và nghĩ ra giải pháp rồi các mẹ. Em sẽ tập hợp khoảng chừng 20 – 30 món, note lại trong tờ giấy rồi dán ở tủ lạnh. Tháng cứ quay vòng trong các món đấy là được, đỡ phải nghĩ nhiều, rách việc.