“Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi,
Cách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi.”
Đây chính là tác phẩm đầu tay của Từ Công Phụng, “Bây giờ tháng mấy” được sáng tác thập niên 1960 khi đó ông mới 18 tuổi.
Từ Công Phụng sinh năm 1942, ông là người dân tộc Chăm. Được nhiều người biết đến khi còn rất trẻ. Là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc hiện đại thập niên 1960-1970 cùng thời với Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương….
Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Luật, đã từng là biên tập viên của đài phát VOF. Khoảng thời gian học đại học văn khoa ông có quen cô gái út của nhạc sĩ Nguyễn Tường Long là Từ Dung, sau này 2 người kết hôn và cùng nhau đi hát ở Quán Văn. Sau năm 1975 những bài hát của ông bị cấm lưu hành cho đến năm 2003 mới được cấp phép trở lại.
Năm 1980 ông cùng gia đình sang Mỹ định cư đến tận bây giờ. Những tác phẩm tiêu biểu của ông gồm có : “Bây giờ tháng mấy”, “Mắt lệ cho người”, “Giọt lệ cho ngàn sau”, “Trên ngọn tình sầu”, “Mùa xuân trên đỉnh bình yên”,…
Trong 1 chương trình ca nhạc ông có tiết lộ về hoàn cảnh sáng tác : đây là cảm xúc của một chàng trang tuổi mới lớn, còn đang là học sinh trung học có một tình yêu thầm kín. Cộng với chuyện tình trong tưởng tượng chịu ảnh hưởng từ cuốn tiểu thuyết đã làm nên thành công cho “Bây giờ tháng mấy”.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi
Và nhớ áo em đẹp màu thơ,
Môi tràn đầy ước mơ
Mai đây anh đưa em đi về,
Mưa giăng chiều nắng tàn
Cho buốt lạnh chúng mình.
Từ năm 16 tuổi ông đã tiếp xúc với rất nhiều thể loại sách, trong đó có cả tiểu thuyết. Những tình tiết lãng mạng đã gây ảnh hưởng đến phong cách sáng tác. Khung cảnh lãng mạn ” Bây giờ tháng mấy” đều được nhạc sĩ tưởng tượng ra từ việc đọc tiểu thuyết.
Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa,
Nhìn nhau buồn vời vợi,
Để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân
Mắt em đẹp trời sao
Cho mình thương nhớ nhau.
Lời dỗ ngọt của chàng trai khi bị người yêu hờn dỗi, đừng hờn anh nữa để khi nhìn nhau lại buồn vời vợi, đừng để mùa đông làm buốt giá đôi vai mềm. Hãy để anh đi tìm mùa xuân sưởi ấm bờ vai ấy, cho mắt em thôi buồn rầu, cho đôi mình lại thương nhớ nhau.
Sau khi sáng tác xong “Bây giờ tháng mấy” chỉ có những bạn cùng trường ông mới biết ca khúc này. Đến khi ông từ Phan Rang lên Đà Lạt để tiếp tục việc học, tại đây ông cùng Lê Uyên Phương thành lập ban nhạc Ngàn Thông thì bài hát mới được phổ biến rộng rãi trên đài phát thanh Đà Lạt.
Phù Sa
13/11/2020