Vào mỗi mùa Vu Lan báo hiếu tôi lại được nghe bài hát “Bông hồng cài áo”, lại bồi hồi xúc động nhớ về mẹ. Được đi chùa dâng hương và hát những bài hát phật giáo. Bước chân vào cửa phật, xa rời chốn thị phi, ồn ào của xã hội chợt cảm thấy tâm sao trở nên thanh tịnh đến thế.
Bài hát “Bông hồng cài áo” là một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, được tác giả phổ nhạc từ áng văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo là người vận động hòa bình cho Việt Nam, ngoài ra ông còn là nhà văn có bút danh là Nguyễn Lang. Sinh ra tại Thừa Thiên Huế, nơi được xem là cái nôi của nền phật giáo Việt Nam. Từ năm 16 tuổi ông đã xuất gia nương nhờ cửa phật.
Mùa Vu Lan năm 1962, áng văn “Bông hồng cài áo” được ra đời. Nói về xuất xứ áng văn này thiền sư có kể : “Trong lần có dịp ra nước ngoài đúng vào ngày của Mẹ ở phương Tây, ông được một sinh viên người Nhật cài một đóa hoa cẩm chướng màu trắng lên áo tràng để tưởng nhớ về mẹ. Nhận thấy hình ảnh này vô cùng đẹp, và ý nghĩa nên khi về lại Việt Nam, thiền sư đã đưa nghi thức này vào đại lễ Vu Lan.
Năm 1967 khi Phạm Thế Mỹ bị chính quyền cũ bắt giam, trong thời gian đó ông vô cùng lo lắng và nhớ thương về mẹ, lần đó tình cờ ông được tiếp xúc với áng văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây cũng chính là cảm xúc để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác bài hát “Bông hồng cài áo”. Sau khi ra tù ông đã cho xuất bản bài hát này dành tặng cho người mẹ thân yêu của mình.
Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Trong cuộc đời tình cảm đáng trân quý nhất đứng hàng đầu luôn là tình mẫu tử. Những ai hiện tại đang còn mẹ thì chính là niềm hạnh phúc lớn nhất không gì có thể sánh bằng “Và một bông Hồng cho những ai. Cho những ai đang còn Mẹ. Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn”. Nếu như cuộc đời này con mất đi mẹ sẽ“như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm…..”.
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Để mỗi lần trên đường đời đầy chông gai con vấp ngã còn có mẹ để có nơi trở về, được yêu thương, được che chở và được nghe những lời an ủi từ mẹ. Thế giới này tuy rộng lớn nhưng tình yêu bao la của mẹ còn gấp ngàn lần. Dù cho con đã lớn khôn thế nào đi chăng nữa thì vẫn luôn là đưa con nhỏ bé vẫn luôn cần có mẹ chở che, bao bọc.
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?”
Biết gì ? “Biết là, biết là con thương Mẹ không ?”
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.
Dù có bày tỏ tấm lòng mình bao nhiêu đi chăng nữa, thì con cũng không thể nào sánh bằng tình yêu bao la rộng lớn của mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng cao cả, vô bờ bến. Mẹ luôn là người yêu thương con vô điều kiện vậy nên chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc, biết ơn, và trân trọng tình cảm cao quý này.
Phù Sa
11/11/2020