Chiều cuối tuần là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Trúc Phương.
Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng.
Bài hát Chiều cuối tuần cũng là một trong những ca khúc được ra đời vào cuối thập niên 1950. Nội dung bài hát thể hiện tình yêu lứa đôi xa cách nhau về mặt địa lý, tuy vậy họ luôn nhớ về nhau, nhớ về những lần hò hẹn vào mỗi cuối tuần.
Anh ơi tôi lên đường phố cũ tìm anh chiều hẹn hò
Cho nhau niềm vui cuối tuần
Vì hơn mấy lần
Vắng anh trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn.
Đối với đôi lứa yêu nhau đều mong sao thời gian trôi qua thật nhanh tới thời điểm cuối tuần để được gặp nhau, nhìn thấy nhau, được nắm tay nhau cùng đi trên con đường cũ. Chỉ như vậy thôi không cần gì quá cao sang cả, đó chính là niềm vui lớn nhất rồi. “Vì hơn mấy lần, vắng anh chiều kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn” không phải chiều cuối tuần nào cũng gặp nhau cũng hò hẹn, vì cuộc đời người lính rày đây mai đó mà cũng có những lần không thể gặp nhau, làm trái tim cô gái xao xuyến bồi hồi nhớ lại, khi một mình cô đơn bước trên con đường đầy kỉ niệm.
Ai quên ai khi bàn tay trót nằm trong lòng tay rồi
Anh ơi dù hai chúng mình mộng xưa khó thành
Biết nhau chiều hôm nay xin nhớ mãi về sau này…
Dù sau này cuộc tình có không trọn vẹn, lứa đôi phải chia tay nhau vì chiến tranh còn kéo dài, nhưng trong tiềm thức vẫn nhớ mong người xưa ấy. “Ai quên ai khi bàn tay trót nằm trong lòng tay rồi” đây như một lời trách móc đối phương nếu như có ngày chia xa sẽ quên người cũ khi nắm tay người mới, “dù hai đứa mộng xưa khó thành” nhưng khoảng thời gian yêu nhau ” chiều hôm nay” vẫn xin “nhớ mãi về sau này”.
Ghi vào đời hình bóng một người
Đôi lúc chân mơ giầy khua lối ngõ
Tâm tư bâng khuâng
Nghe chiều biệt ly theo khuất nẻo người đi…!!!
Luôn khắc ghi hình bóng người yêu vào cả cuộc đời không thể nào quên được, bước chân cô đơn trên “lối ngõ” để lại “tâm tư bâng khuâng” trong lòng người con gái. Buổi chiều cuối tuần cũng là buổi chiều ly biệt tiễn người lính về lại với chiến trường, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh bảo vệ đất nước, bảo vệ non sông.
Khi tôi đưa chân người tôi mến tạm xa biệt kinh thành
Mong sao đừng quên mỗi lần chiều qua cuối tuần
Có tôi về trông anh(em) khi phố cũ vừa lên đèn…
Tạm xa kinh thành, xa người con gái mình yêu thương về lại với đồng đội. Lời dặn dò của người cô gái với người yêu “Mong sao đừng quên mỗi lần cuối tuần” dừng quên lối nhỏ. Có em vẫn luôn trông anh, vẫn chờ đợi anh mỗi “khi phố cũ lên đèn”.
Chiều cuối tuần thể hiện được tâm trạng chung của những cặp đôi yêu nhau thời chiến tranh. Dù đường đời có chia hai lối rẽ, dù mộng không thành nhưng mối tình này sẽ không bao giờ phai nhạt, vì hình bóng kia đã khắc sâu vào tâm trí của cả hai người.
Bài hát được ca sĩ Thanh Thúy trình bày rất thành công sau những năm 75, cũng là một trong những tác phẩm tạo nên tên tuổi Thanh Thúy lúc bấy giờ. Cho đến nay, theo cảm nhận riêng tôi thì ca sĩ Lệ Quyên cũng đã thể hiện rất tốt ca khúc này, tô thêm một sắc màu mới, phù hợp với xu thế nghe “nhạc sến” của công chúng hiện nay.