Ca sĩ Mộc Lan tên thật là Phạm Thị Ngà (1931-2015), ở Hải Phòng trong một gia đình có 8 anh em. Sau khi cha mất, vì gia cảnh khó khăn nên đầu những năm 1940, bà cùng anh lớn vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Tại Sài Gòn phồn hoa, cô gái sở hữu nhan sắc lộng lẫy này may mắn gặp được nhạc sĩ Lê Thương. Ông chính là người đã dìu dắt bà trở thành ca sĩ và trao cho nghệ danh rất đẹp Mộc Lan.
Ca khúc giúp cái tên Mộc Lan tỏa sáng là Đi chơi chùa Hương (nhạc sĩ – GS Trần Văn Khê phổ từ bài thơ Chùa Hương (hay Cô gái chùa Hương) của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp). Ca khúc này kén người hát vì xen kẽ giữa những đoạn hát là phần ngâm thơ và không phải ai cũng có thể thể hiện được nó. Thế nhưng, Mộc Lan đã thể hiện rất thành công Đi chơi chùa Hương. Giọng hát của bà đã chinh phục mọi khán giả và nhanh chóng chiếm trọn trái tim của công chúng.
Ngoài Đi chơi chùa Hương, Mộc Lan còn thể hiện thành công các bản: Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền); Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn); Thoi tơ (Đức Quỳnh); Nhớ nhung (Thẩm Oánh); Phố buồn (Phạm Duy)…
Trong những năm 1950, Mộc Lan là cái tên nổi tiếng khắp làng giải trí với biệt danh họa mi. Không chỉ sở hữu giọng hát vi vút như tiếng hót của họa mi, Mộc Lan còn là cô gái sở hữu nhan sắc “đẹp như tranh vẽ”. Mộc Lan không chỉ là nữ ca sĩ có mặt ở mọi đại nhạc hội, quán bar mà còn là gương mặt tràn ngập các kệ đĩa. Ngày ấy, cái tên Mộc Lan là bảo chứng doanh thu của mọi đêm nhạc, các đĩa hát có tên bà luôn trong tình trạng cháy kệ.
Trong ký ức của nhà văn Trần Áng Sơn – em ruột ca sĩ Mộc Lan – bà có giọng hát thiên phú và vẻ đẹp toàn diện từ “chân tơ đến kẽ tóc”, “da trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên”. Giọng hát mượt mà, mềm mại như liễu rủ, tiếng hát ấy không chỉ phủ sóng Sài Gòn phồn hoa mà còn khuấy đảo các sân khấu ca nhạc lẫn trong Nam, ngoài Bắc.
Xin trích từ những trang viết của Trần Áng Sơn:
“Khi tôi chưa đầy một tuổi thì mất cha. Mẹ tôi, người đàn bà chân quê không đủ sức nuôi dưỡng, dạy bảo 8 đứa con đang sức ăn sức lớn. Tình cảnh gia đình thật bi đát, 8 anh chị em tôi ở trong tình trạng xẻ nghé tan đàn bất cứ lúc nào… Cuối cùng người lãnh trách nhiệm hy sinh để cứu những đứa em còn quá nhỏ dại là anh hai tôi – anh Long. Anh phải từ bỏ trường học, từ bỏ võ đài – nơi anh ấy đang nổi lên như một võ sĩ quyền Anh trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Anh dắt theo hai chị tôi: chị Ngọc, chị Ngà từ Hải Phòng vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Cảnh chia ly ấy diễn ra khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ lẫm chẫm tập đi. Tôi lớn dần lên trong cơ cực, trong đạn bom Thế chiến thứ hai, và khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổi lên cũng là lúc gia đình tôi hoàn toàn bị đứt liên lạc với các anh chị tôi ở Sài Gòn…
Ngày các anh chị rời xa gia đình, tôi còn quá nhỏ nên không hình dung được họ ra sao, nhưng qua lời mẹ tôi kể lại thì các anh chị tôi đều rất đẹp: anh Long cao lớn, đẹp như thầy chúng tôi. Còn chị Ngà (sau này là nữ danh ca Mộc Lan – PV) đẹp như tranh vẽ, mẹ kể da của chị trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên. Tóm lại trong 5 chị gái, chị Ngà tôi đẹp nhất. Tôi giữ hình ảnh đẹp như tranh vẽ của người chị trong tâm hồn như một niềm kiêu hãnh…
Một hôm vừa đi học về, tôi ngạc nhiên thấy nhà có khách – một người phụ nữ sang trọng, rất đẹp, cái đẹp sắc như dao cau. Tôi ngỡ ngàng ngộ nhận đó là chị Ngà tôi ở Sài Gòn mới về. Nhưng không phải, người ấy là chị Thanh, chị dâu tôi – vợ anh Long. Đúng là chị về từ Sài Gòn để tìm lại gia đình sau hơn 10 năm thất lạc. Mẹ tôi rất mừng, cơn ác mộng những đứa con thất lạc trong chiến tranh không còn phủ cái bóng ảm đạm lên gia đình tôi nữa. Mẹ tôi còn cho biết chị Ngà tôi bây giờ đã trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp Bắc – Trung – Nam. Chị ấy đang lưu diễn ở Hà Nội theo lời mời của Đài phát thanh Hà Nội cùng với nữ ca sĩ số một của Hà Nội bấy giờ là Minh Đỗ. Tin này đối với tôi thật bất ngờ. Thời thơ ấu khổ cực nhưng tôi luôn giữ hình ảnh người chị đẹp như tranh trong ký ức, chị ấy đã phải rời xa tổ ấm để chia bớt phần ăn cho những đứa em. Thế mà cô gái nghèo ấy sau hơn 10 năm xẻ nghé tan đàn đã trở thành ca sĩ danh tiếng. Tuy chưa biết khi hát chị tôi lấy nghệ danh là gì nhưng tôi tin chắc cái tên phải xứng với sắc đẹp và giọng hát của chị ấy. Vào thời điểm này (1952), tôi sắp bước sang tuổi mười lăm…
Sau chuyến lưu diễn ở Hà Nội, chị Ngà tôi và anh Long về Hải Phòng thăm mẹ và các em sau hơn 10 năm đứt liên lạc. Đúng như mẹ tôi nói, chị tôi đẹp thật, đẹp hơn cả lời miêu tả với tất cả niềm âu yếm của mẹ tôi. Các anh chị tôi nhìn thấy cảnh mẹ và các em sống quá cơ cực đã đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi. Cuối năm 1952, các anh chị tôi về thăm mẹ lần thứ hai và chuyến bay của hãng Air France cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến Huế có tôi bay cùng…
Những ngày đầu ở Huế, tôi sống chung với chị và anh rể – đôi vợ chồng ca nhạc sĩ Mộc Lan – Châu Kỳ trong một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh. Tôi cứ ngỡ đẹp và hát hay như chị tôi thì phải ở trong lâu đài khuê các. Vậy mà thực tế lại như thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu cất tiếng hát họa mi làm say mê biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi. Tiếng hát của chị tôi nâng tâm hồn tôi bay theo cánh diều căng gió trên bầu trời xanh ngắt…
Anh rể tôi – nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan – Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện…
Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau. Tôi rất buồn vì cuộc chia ly này. Người chị đẹp như tranh của tôi bước chân xuống đời cũng vấp váp như bất kỳ cô gái nào, vì yếu đuối, vì ảo vọng. Thế là Huế để lạc mất con chim họa mi của mình. Liệu có còn ai nhớ đến bản nhạc Đi chơi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, Trần Văn Khê phổ nhạc) khi duy nhất thời đó chỉ một ca sĩ hát thành công, đó là chị tôi – Mộc Lan.
Mấy năm sau tôi cũng từ biệt Huế vào Sài Gòn. Tôi lại về sống chung với chị tôi đang trong tình trạng phòng không chiếc bóng. Trên bước đường công danh, chị tôi đã tiến một bước dài. Khác với Thái Thanh, Tâm Vấn, chị tôi bước lên sân khấu như một nữ hoàng. Không sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng chị tôi. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các câu lạc bộ, phòng trà, nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện…”.
Người đàn ông thứ hai thường được người ta nhắc tới khi nói đến nữ ca sĩ Mộc Lan chính là “ông hoàng slow” Đoàn Chuẩn. Trong một lần hát ca khúc Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn, nữ ca sĩ Mộc Lan đã khiến chàng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ngây ngất. Khi ấy, Đoàn Chuẩn nổi tiếng vì đẹp trai, tài hoa và phong lưu bậc nhất. Đoàn Chuẩn là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng thơm ngon và giàu có ở Hải Phòng nên “cái nết” ăn chơi của ông nổi tiếng từ Hải Phòng đến Hà Nội. Người ta nói rằng, nói về độ ăn chơi có lẽ Đoàn Chuẩn chỉ thua bậc tiền bối là công tử Bạc Liêu.
Ngay từ lần gặp đầu tiên, Đoàn Chuẩn đã say mê giọng hát, nhan sắc rực rỡ của Mộc Lan và quyết tâm chinh phục người đẹp. Tuy nhiên, vì thời gian Mộc Lan ở Hà Nội quá ngắn nên ông không có dịp giãi bày. Khi chim họa mi xinh đẹp quay về Sài Gòn, ông cũng đáp máy bay vào theo. Thế nhưng, khi đến nơi ông mới biết, nàng là hoa đã có chủ. Mặc dù bẽ bàng nhưng nhạc sĩ họ Đoàn vẫn chi một khoản tiền lớn cho một tiệm hoa và yêu cầu ông chủ ngày nào cũng mang hoa đến tặng nàng. Trước những cánh hoa bí ẩn, Mộc Lan rất tò mò và sau đó thì biết, nó đến từ nhạc sĩ ăn chơi nức tiếng ở miền Bắc Đoàn Chuẩn.
Một ngày nọ, bà nhận được cánh thư từ phương Bắc. Lá thư ấy là một bài hát với những lời tỏ tình đầy yêu thương: “Gởi gió cho mây ngàn bay. Gởi bướm đa tình về hoa. Gởi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian…”. Sau này, Đoàn Chuẩn còn viết bài Gởi người em gái (tựa cũ Gởi người em gái miền Nam) tặng cho Mộc Lan.
Một “ông vua” khác cũng đã bước vào cuộc đời của nữ danh ca Mộc Lan là “ông vua tango” Hoàng Trọng – Trưởng ban nhạc Tiếng Tơ Đồng mà Mộc Lan đang là ca sĩ chính.
Nhà văn Trần Áng Sơn nói về Hoàng Trọng như sau: “Trong con mắt tôi, anh không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính. Tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần anh đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi… hết chịu nổi! Có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại không biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị “knock- out” ngay ngưỡng cửa nhà tôi” (Những trang sách khép mở).
Một điều đặc biệt mà không nhiều người biết chính là Châu Kỳ và Hoàng Trọng có một tình bạn thâm giao. Họ từng đứng tên chung trong vài tác phẩm (nhạc Hoàng Trọng, lời Châu Kỳ) như: Nhắn người giang hồ, Tiếng nhạc trong sương, Hững hờ.
Tài năng, nhan sắc, Mộc Lan có tất cả, thế nhưng,… ông trời chẳng cho ai mọi điều và với nữ danh ca nức tiếng này cũng vậy. Khi trở thành nữ ca sĩ của mọi nhà, Mộc Lan đã làm say mê biết bao chàng trai, nhưng cũng vì quá được say, quá được mê mà cuộc đời của bà phải trải qua những đoạn trường.
Cuộc đời của nữ danh ca Mộc Lan gắn liền với các “ông vua”, “ông hoàng” không ngai của làng nghệ thuật. Ai cũng yêu bà tha thiết, yêu đến cháy bỏng, nhưng rồi cuối đời nữ danh ca nức tiếng ngày nào phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, lặng lẽ với những nỗi đau thầm kín. Bà mất năm 2015 tại Sài Gòn.
Bài viết có sử dụng nguồn:
Câu chuyện âm nhạc : https://sites.google.com/site/ccamnhac/ccan-71
Đời sống và pháp luật : https://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/danh-ca-moc-lan-cuoc-doi-chim-noi-cua-hoa-mi-gan-voi-nhung-ong-vua-khong-ngai-a246207.html